Tham vọng của Viettel Post
Từ robot phân loại trong kho đến máy bay không người lái giao hàng, Viettel Post kỳ vọng công nghệ sẽ giải quyết các thách thức của ngành logistics.
Đêm Giáng sinh 2024 - ngay giữa cao điểm mua sắm cuối năm, tại một kho hàng của Viettel Post ở ngoại ô Hà Nội, hàng nghìn gói hàng được dỡ xuống, phân loại và gửi đến khách hàng của Shopee, TikTok Shop.
Đáng nói, hầu như không có bóng dáng con người tất bật ở đó. Thay vì vậy, khoảng 200 con robot chạy vù vù khắp nhà kho với tốc độ 2 m/s để xử lý các gói hàng theo tuần tự, theo mô tả của ấn phẩm công nghệ Rest of World.
Những robot tự hành (AGV) này được Viettel Post giới thiệu vào tháng 1/2024, chạy trên phần mềm hoàn toàn do Viettel Post thiết kế.
Đặt cược lớn vào công nghệ
Theo Rest of World, đây là một phần trong nỗ lực của Viettel Post nhằm tận dụng sự bùng nổ mua sắm trực tuyến tại Việt Nam - một trong những thị trường thương mại điện tử (TMĐT) phát triển nhanh nhất Đông Nam Á.
Tại kho hàng ở Hà Nội, việc ứng dụng robot cùng các công nghệ khác giúp Viettel Post rút ngắn 8-10 giờ giao hàng, tăng 3,5 lần sản lượng. Qua đó, doanh nghiệp cho biết công suất xử lý được nâng lên khoảng 4 triệu bưu kiện mỗi ngày, tương đương một nửa công suất TMĐT Việt Nam.
Hiện tại, Viettel Post đang mở rộng triển khai robot sang các thị trường khác như Campuchia và Myanmar. Đại diện doanh nghiệp cho rằng AGV là công nghệ hiện đại, phổ biến và là xu hướng của ngành logistics.
Thực tế, Viettel Post đang chiếm ưu thế trong ngành logistics Việt Nam với 17% thị phần, theo báo cáo năm 2023 của VietData.
Tuy nhiên, công ty này phải đối mặt với sự cạnh tranh từ "ông lớn" bưu chính quốc doanh khác là Vietnam Post, cũng như các đối thủ trong và ngoài nước như Be, J&T Express, Best Express, SPX của Shopee và Grab.
"Áp lực cạnh tranh buộc các công ty logistics tìm cách mở rộng thị phần", ông Hùng Nguyễn, Giảng viên bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics tại Đại học RMIT đánh giá.
Trong trường hợp của Viettel Post, doanh nghiệp đã thành lập 10 nhóm xây dựng hệ thống tự động hóa chuyên trách, mỗi nhóm đảm nhiệm một khâu trong chuỗi logistics như lưu kho, vận chuyển, thông quan và giao hàng chặng cuối...
Các robot của Viettel Post được phát triển bởi một nhóm như vậy, thành lập từ năm 2023 với 11 kỹ sư, trong đó có những người từng đạt giải tại các cuộc thi robot trong nước và quốc tế. Nhóm khởi đầu bằng chuyến công tác tới Trung Quốc để gặp gỡ các chuyên gia từ các công ty logistics hàng đầu như Cainiao của Alibaba, Yunda Express, Libiao.
Họ cũng nghiên cứu mô hình hoạt động của dịch vụ bưu chính quốc gia Trung Quốc và gã khổng lồ TMĐT Amazon. Sau khi trở về Việt Nam, nhóm đã mua các robot của đối thủ để phân tích cách vận hành.
Nỗ lực này đã mang lại kết quả rõ rệt. Không chỉ với Viettel Post mà một khách hàng của công ty là Yody - nhà bán lẻ thời trang Việt Nam với 300 cửa hàng trên toàn quốc - cũng đã giảm một nửa chi phí lao động sau khi mua 48 robot AGV và phần mềm quản lý kho.
Bên cạnh robot AGV, Viettel Post còn triển khai robot phân loại tự động (ARM) với cánh tay linh hoạt, giúp tự động hóa các quy trình kiểm tra, phân loại hàng hóa... Năm qua, doanh nghiệp cũng thử nghiệm drone giao hàng tại vùng bị cô lập do thiên tai.
Hồi tháng 1, Viettel Post triển khai robot mới tại kho TP.HCM với cả phần cứng được sản xuất trong nước, thay vì nhập khẩu như trước. "Dù không tiết kiệm chi phí hay thời gian, việc tự phát triển công nghệ cho thấy tham vọng mở rộng ngoài TMĐT", ông Nguyễn Xuân Hùng nhận xét.
Chiến lược này phù hợp với tham vọng của Chính phủ trong việc chuyển đổi từ sản xuất và lắp ráp chi phí thấp sang các lĩnh vực công nghệ cao, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo và chất bán dẫn. Đây cũng là nhiệm vụ của một doanh nghiệp Nhà nước như Viettel Post.
Tháng 12/2024, doanh nghiệp khánh thành công viên logistics lớn nhất Việt Nam, rộng gần 144 ha với số vốn đầu tư 130 triệu USD. Khu công viên kết nối dữ liệu hải quan của Việt Nam và Trung Quốc, rút ngắn thời gian thông quan xuống dưới 24 giờ thay vì 4-5 ngày như trước đây.
Công ty cũng mở chi nhánh tại Quảng Tây để mở rộng hệ thống xuyên biên giới, hướng tới mục tiêu biến Việt Nam thành trung tâm logistics khu vực.
Bài toán của logistics Việt Nam
Thực tế, ngoài các doanh nghiệp nước ngoài có sự hậu thuẫn lớn, tại Việt Nam chỉ có Viettel Post và Vietnam Post mới sở hữu lợi thế để áp dụng tự động hóa nhờ mạng lưới phân phối rộng khắp. Với các đơn vị khác, điều này không hề dễ dàng.
Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) ước tính những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã tăng trưởng 14-16% lên 40 tỷ USD mỗi năm. Tuy vậy, ngành này vẫn phân mảnh và chưa hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Ban Logistics cho TMĐT của hiệp hội, khác với hệ thống logistics tập trung của Trung Quốc, sự liên kết giữa người bán, nền tảng TMĐT và các công ty logistics tại Việt Nam vẫn còn lỏng lẻo.
"Việt Nam có quá nhiều người bán nhỏ lẻ, gây khó khăn cho các trung tâm phân loại", vị chuyên gia nhận xét. Một số nhà bán hàng sử dụng dịch vụ đóng gói và giao hàng của bên thứ ba, trong khi nhiều người khác lại tự xử lý đơn hàng, khiến các trung tâm không có đủ lượng đơn hàng tập trung để áp dụng tự động hóa.
Thêm vào đó, người mua hàng TMĐT ở Việt Nam vẫn chuộng hình thức thanh toán khi nhận hàng (COD), buộc nhân viên giao hàng phải đi lại nhiều lần để tìm người nhận. "Vì vậy, các công ty logistics lại có thêm nhiệm vụ thu hộ tiền", ông Hùng cho biết.
Hiện, Việt Nam đứng thứ 43 trên bảng xếp hạng chỉ số hiệu suất logistics của Ngân hàng Thế giới (WB), tụt hậu so với các nước láng giềng trong khu vực như Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Một số ước tính cho thấy chi phí logistics ở Việt Nam chiếm ít nhất 16-17% GDP, gần gấp đôi so với Singapore.
Trong một động thái mới nhất thể hiện rõ tham vọng dẫn dắt ngành logistics Việt Nam, Viettel Post đã có văn bản đề xuất tham gia đầu tư xây dựng, vận hành Nhà ga hàng hóa số 2 và Nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh tại sân bay quốc tế Long Thành.
Doanh nghiệp cam kết triển khai hệ thống kho bãi thông minh, tích hợp IoT, AI, và Big Data để quản lý và vận hành hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia.
"Cảng hàng không quốc tế Long Thành chính là cơ hội để Viettel Post hoàn thiện mạng lưới vận tải đa phương thức và xuyên biên giới phục vụ cho mục tiêu trở thành thương hiệu logistics lớn trong khu vực và thế giới", lãnh đạo Vietttel Post cho biết trong văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải.