Thị trường chứng khoán tuần qua: VN-Index khởi đầu năm Ất Tỵ 2025 tích cực, mang lai kỳ vọng tươi sáng hơn
Thị trường chứng khoán trong nước tuần qua (3 - 7/2) tiếp tục giao dịch tích cực, đặc biệt bùng nổ trong giai đoạn cuối tuần khi lực cầu gia tăng mạnh mẽ. Tuần tăng điểm đầu tiên của năm mới được hỗ trợ của thanh khoản, qua đó củng cố xu hướng tăng điểm đã hình thành trong 2 tuần cuối cùng của năm cũ Giáp Thìn.
VN-Index tăng điểm tuần thứ 3 liên tiếp
Thị trường chứng khoán (TTCK) có tuần giao dịch đầu tiên của năm Ất Tỵ 2025, cũng là tuần đầu tháng 2/2025 khá tích cực. Tiếp nối đà tăng trong 2 tuần cuối cùng của năm Giáp Thìn, VN-Index tiếp tục có tuần tăng điểm thứ 3 liên tiếp, khởi đầu cho một năm mới Ất Tỵ được kỳ vọng là tươi sáng hơn.
Mặc dù phiên mở cửa đầu tiên lại khá áp lực khi VN-Index giảm điểm khá sâu (-0,95%) trước những thông tin mới về thuế quan, khiến tâm lý của giới đầu tư lo sợ về cuộc chiến thương mại toàn cầu sẽ tác động tiêu cực đến thị trường tài chính, nhưng xu hướng tích cực đã hình thành trước đó không dễ gì bị phá bỏ trong một phiên giảm điểm. VN-Index nhanh chóng lấy lại tín hiệu tích cực nhờ kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn của các doanh nghiệp niêm yết (tăng trưởng lợi nhuận sau thuế toàn thị trường trong quý IV/2024 đạt +20,9% YoY) với 4 phiên tăng điểm liên tiếp.
Đóng cửa tuần giao dịch đầu năm mới Ất Tỵ, VN-Index tăng 10,15 điểm (+0,80%,) dừng lại ở mốc 1.275,20 điểm.
Biên độ tăng mạnh thuộc về các nhóm cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ như: cảng biển (+4,24%), đường (+4,15%), bảo hiểm (+3,30%), phân bón (+2,73%)… Bên cạnh đó các nhóm vốn hóa lớn và nhạy với thị trường cũng có tuần giao dịch khởi sắc như: ngân hàng (+1,76%), chứng khoán (+1,43%)… Áp lực giảm giá chỉ phủ bóng trên 3 nhóm ngành: bán lẻ (-2,37%), công nghệ viễn thông (-3,37%), hàng tiêu dùng (-4,09%).
Độ rộng thị trường phục hồi khá tích cực ở hầu hết các nhóm ngành, ngoại trừ nhóm công nghệ thông tin, dịch vụ tiêu dùng. Nổi bật là nhóm nguyên vật liệu, ngân hàng, công nghiệp trước những thông tin tích cực về kết quả kinh doanh năm 2024. Thị trường duy trì tín hiệu tăng điểm tích cực trong tuần với 18/21 nhóm ngành tăng điểm.
Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính cũng có một tuần tăng điểm. Theo đó, chỉ số HNX-Index có diễn biến tích cực hơn khi kết tuần tại 229,49 điểm, tương ứng mức tăng +2,91% so với tuần trước. Chỉ số UPCoM-Index tăng +3,12% để đóng cửa tại 97,24 điểm.
Thanh khoản thị trường cải thiện tốt với khối lượng giao dịch trên HOSE. Thanh khoản khớp lệnh rất khởi sắc trong năm mới Ất Tỵ 2025. Khối lượng khớp lệnh tuần qua đạt 2,71 tỷ cổ phiếu tăng mạnh (+26%) so với tuần trước và vượt mức bình quân 20 tuần (+2,70%).
Sau tuần mua ròng trước đó thì bước sang tuần mới đầu tiên của năm Ất Tỵ, khối ngoại quay lại trạng thái bán ròng ưa thích của mình với mức bán ròng khá lớn 4,146 tỷ đồng trên sàn HSX. Trong đó tâm điểm bán ròng tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như: MSN (-910 tỷ đồng), VNM (-679 tỷ đồng), FPT (-643 tỷ đồng), MWG (-268 tỷ đồng)… Ở chiều mua ròng, khối ngoại giải ngân ở một số mã: OCB (+88 tỷ đồng), PC1(+70 tỷ đồng), PDR (+65 tỷ đồng), CTG (+62 tỷ đồng)…
Vĩ mô vững chắc tạo nền tảng cho chu kỳ tăng trưởng
Thống kê diễn biến tuần giao dịch đầu tiên sau Tết Nguyên đán giai đoạn 5 năm gần nhất từ 2020-2024 cho thấy, kết quả thiên về sự tích cực khi có đến 3 năm tăng điểm trên cả VN-Index và HNX-Index (2021, 2022 và 2024); trong đó, tăng mạnh nhất là năm 2021. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, TTCK năm nay khởi sắc thật sự để có một năm đầu tư thuận buồm xuôi gió.
Các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết (CSI) nhận định, xu hướng tăng điểm đã được xác nhận về thanh khoản và biên độ, trên biểu đồ tuần cũng hình thành mẫu hình tăng giá, cho thấy tín hiệu khá chắc chắn cho xu hướng lần này. Tuy vậy, không loại trừ khả năng sẽ xuất hiện nhịp chỉnh để test lại ngưỡng hỗ trợ mới tiếp tục xu hướng tăng mạnh về phía trước.
“Chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm nắm giữ danh mục và tận dụng nhịp chỉnh của thị trường chung để gia tăng thêm tỷ trọng các mã đang có lợi nhuận hoặc mở thêm vị thế mua mới khi VN-Index chỉnh về vùng quanh ngưỡng 1.265 điểm” - chuyên gia CSI nhận định.
Trong khi đó, các chuyên gia của SHS cho rằng, xu hướng ngắn hạn VN-Index tăng trưởng trên vùng hỗ trợ quanh 1.260 điểm, tương ứng giá trung bình 200 phiên hiện nay. VN-Index quay trở lại vùng giá 1.280 điểm - 1.300 điểm, cận trên của kênh giá tích lũy trung hạn 1.200 điểm - 1.300 điểm.
Xu hướng trung hạn tiếp tục xu hướng tích lũy kéo dài từ 2024 đến nay trong vùng 1.200 điểm - 1.300 điểm. Ở thời điểm hiện tại, nên chờ xu hướng trung hạn thoát khỏi trạng thái tích lũy kéo dài hiện nay, dựa trên động lực mới của các yếu tố vĩ mô, doanh nghiệp...
Trong ngắn hạn, thị trường có tính chất đầu cơ hơn khi nhà đầu tư đang gia tăng giao dịch ở các mã chưa tăng nhiều, thanh khoản ở mức thấp... Chuyên gia đã khuyến nghị xem xét giải ngân tích lũy khi thị trường ở vùng vốn hóa tương đối hợp lý trong nhiều bản tin trước. Tuy nhiên thị trường sẽ phân hóa mạnh hơn khi VN-Index hướng đến vùng giá 1.280 điểm - 1.300 điểm.
“Chúng tôi cho rằng, đây không phải là vùng giá hấp dẫn để xem xét gia tăng tỉ trọng. Nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế mua đuổi, chọn lọc cẩn thận đối với các vị thế mua khi VN30, VN-Index hướng đến vùng kháng cự mạnh, xem xét đánh giá cơ cấu danh mục ngắn hạn. Nhà đầu tư duy trì tỉ trọng hợp lý. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã có nền tảng cơ bản tốt, đầu ngành trong các ngành chiến lược, tăng trưởng vượt trội của nền kinh tế” - chuyên gia SHS phân tích.
Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) nhận định, năm 2025 thực sự mang lại cảm nhận là một năm đánh dấu cho sự khởi đầu của kỷ nguyên mới đối với Việt Nam. Ở trong nước, nỗ lực cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy điều hành nhằm chuẩn bị cho một chu kỳ phát triển mạnh mẽ. Trong bối cảnh trật tự thế giới đang thay đổi, Việt Nam đã sẵn sàng nâng cao vị thế cạnh tranh chiến lược trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Về mặt đầu tư, MBS cho rằng kinh tế vĩ mô vững chắc, chính sách hỗ trợ tích cực, các nút thắt pháp lý được tháo gỡ, môi trường lãi suất thuận lợi kết hợp với yếu tố tăng trưởng lợi nhuận hoạt động kinh doanh sẽ là nền tảng vững chắc một chu kỳ tăng trưởng toàn diện của TTCK trong năm 2025.
MBS ước tính tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đạt 18-19% giai đoạn 2025-2026 đóng góp bởi sự ổn định của ngành ngân hàng, bán lẻ, cũng như từ việc phục hồi từ đáy của ngành bất động sản, xây dựng. Bên cạnh đó, Việt Nam đang tiến gần hơn đến cơ hội được tham gia vào nhóm các TTCK mới nổi.