Chuyển đổi số lĩnh vực tài chính: Nhiệm vụ cấp bách còn nhiều vướng mắc

Với vai trò 'huyết mạch' của nền kinh tế, 'số hóa' trong lĩnh vực tài chính ngân sách là yêu cầu bắt buộc, nhiệm vụ cấp bách cần tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt. Tuy nhiên, việc thực hiện lại đang gặp nhiều vướng mắc, từ kinh phí đến rủi ro từ tấn công mạng.

Chuyển đổi số lĩnh vực tài chính là nhiệm vụ cấp bách

Chuyển đổi số lĩnh vực tài chính là nhiệm vụ cấp bách

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng tại Hội thảo - Triển lãm về tài chính số trong quản lý Ngân sách Nhà nước năm 2024 (VDF 2024) với chủ đề “Đổi mới quy trình nghiệp vụ và hệ thống thông tin ngành Tài chính trong kỷ nguyên số”. Hội thảo do Cục Tin học và Thống kê Tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đồng tổ chức tổ chức.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, việc tổ chức Hội thảo đã khẳng định sự quyết tâm của ngành tài chính trong việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

“Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước là yêu cầu bắt buộc, là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả. Trong số đó, tập trung vào 3 vấn đề chính là: thể chế, công nghệ và con người, mà thể chế đi trước, công nghệ, con người là nền tảng tạo tiền đề để phát triển” - Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng

Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng

Khái quát về những kết quả triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06 tại Bộ Tài chính, Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) – Đoàn Thanh Tùng cho biết: để triển khai mục tiêu “3 không” (không tiền mặt, không khách hàng giao dịch trực tiếp, không chứng từ giấy) tại Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính đã triển khai có hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực NSNN và kho bạc.

Theo đó, Bộ Tài chính đã điện tử hóa 100% công tác thu NSNN thông qua việc phối hợp với các ngân hàng thương mại, tận dụng mạng lưới của ngân hàng thương mại để cung cấp dịch vụ thu nộp NSNN qua kênh điện tử 24/7. Trong lĩnh vực chi, Kho bạc Nhà nước cung cấp 100% thủ tục hành chính (liên quan đến một số lĩnh vực như kiểm soát chi NSNN, hoàn thu,...) thông qua Dịch vụ công trực tuyến toàn trình, trong đó đã phối hợp với 17 hệ thống ngân hàng thương mại.

Song song với quá trình chuyển đổi số, ngành Tài chính đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, đáng chú ý nhất là những mối đe dọa an ninh mạng ngày càng nghiêm trọng. Theo bà Nguyễn Thị Hòa - Giám đốc Chiến lược, Công ty An ninh mạng Viettel, lĩnh vực tài chính đang trở thành mục tiêu hàng đầu của các cuộc tấn công mạng trong năm 2024. Các vụ gian lận tài chính trong năm 2023 đã tăng 30% so với năm 2022.

Bà Bùi Thị Hòa, Giám đốc Chiến lược, Công ty An ninh mạng Viettel

Bà Bùi Thị Hòa, Giám đốc Chiến lược, Công ty An ninh mạng Viettel

“Trong 3 tháng đầu năm 2024 đã có gần 2.300 cuộc tấn công mạng, với gần 30 vụ ransomware nhắm vào các tập đoàn lớn, ngân hàng và tổ chức tài chính. Tỷ lệ tăng đột biến của các chiến dịch ransomware đầu năm 2024 so với cùng kỳ 2023 lên tới 70%. Những cuộc tấn công này không chỉ gây ra thiệt hại về tài chính mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp”, bà Hòa cho biết.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã tập trung trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp nhằm hướng đến nền tài chính số hoạt động an toàn, ổn định, thông suốt, đặc biệt là có mô hình hoạt động được thiết kế và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng cao hơn.

Hà Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chuyen-doi-so-linh-vuc-tai-chinh-nhiem-vu-cap-bach-con-nhieu-vuong-mac.html
Zalo