'Số hóa' quy trình nghiệp vụ và hệ thống thông tin ngành tài chính

Ngày 20-9, tại Hà Nội, Cục Tin học và Thống kê Tài chính cùng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phối hợp đồng tổ chức hội thảo Triển lãm về tài chính số trong quản lý ngân sách nhà nước năm 2024 (VDF - 2024) với chủ đề 'Đổi mới quy trình nghiệp vụ và hệ thống thông tin ngành tài chính trong kỷ nguyên số'.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Hội thảo Triển lãm VDF - 2024 gồm phiên toàn thể và 2 phiên chuyên đề là “Phát triển thị trường chứng khoán an toàn, hiệu quả” và “Hiện đại hóa hạ tầng dữ liệu ngành tài chính, xu hướng và các giải pháp công nghệ”.

Các phiên thảo luận làm rõ một số kết quả chuyển đổi số của ngành tài chính trong việc kết nối chia sẻ, khai thác dữ liệu; hiện đại hóa hạ tầng thông tin; quản lý rủi ro giám sát và phát hiện các mối đe dọa an ninh mạng. Đồng thời, làm rõ những hạn chế và đề xuất, kiến nghị về chủ trương, chính sách đổi mới quy trình nghiệp vụ gắn với giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và hiện đại hóa toàn diện ngành tài chính.

 Thứ trưởng Bùi Văn Khắng phát biểu tại Hội thảo Triển lãm VDF - 2024

Thứ trưởng Bùi Văn Khắng phát biểu tại Hội thảo Triển lãm VDF - 2024

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng khẳng định, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân sách là một nhiệm vụ cấp bách, quan trọng. Ba vấn đề cần tập trung đó là thể chế, công nghệ và con người. Trong đó, thể chế phải đi trước, công nghệ và con người là nền tảng tạo tiền đề để phát triển.

Cụ thể, đối với thể chế, cần tập trung vào việc rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách trong các lĩnh vực trọng tâm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính để làm cơ sở cho việc chuyển đổi số tại Bộ Tài chính.

Về công nghệ, ngành tài chính đã tập trung nâng cao năng lực hạ tầng số, hoàn thiện dữ liệu số, đẩy mạnh phát triển các ứng dụng, dịch vụ số, an toàn, an ninh mạng; tăng cường triển khai, thử nghiệm các công nghệ mới như AI, Bigdata,.. nhằm phục vụ các hoạt động chuyên ngành cốt lõi (tài chính nhà nước, thuế, hải quan, thị trường tài chính…) và các hoạt động phục vụ người dân, doanh nghiệp (nâng cao năng lực dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh các ứng dụng có tương tác với người dân, doanh nghiệp …).

Đối với nhân lực, chú trọng vào việc nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm với tinh thần quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt trong quá trình chuyển đổi số của toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức ngành tài chính.

“Nhờ đó, trong thời gian vừa qua, ngành tài chính đã thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả tích cực, mang lại hiệu quả cho toàn xã hội góp phần rút ngắn thời gian làm thủ tục thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán... giảm thiểu giấy tờ, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân”, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.

Theo ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, thị trường chuyển đổi số của thế giới dự kiến đạt gần 3.300 tỷ USD vào năm 2030, với mức tăng trung bình 23,9%/năm trong giai đoạn 2024-2030.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số trong ngành tài chính cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Theo ông Đoàn Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, đến nay, kinh phí triển khai Đề án 06 và ứng dụng công nghệ thông tin năm 2024 cho các đơn vị trong ngành tài chính chưa được giao nên chưa có cơ sở để triển khai.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số ngành tài chính cũng phải đối mặt với những cuộc tấn công trên không gian mạng làm lộ lọt thông tin, gian lận tài chính và các cuộc tấn công có chủ đích ngày càng gia tăng.

LƯU THỦY

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/so-hoa-quy-trinh-nghiep-vu-va-he-thong-thong-tin-nganh-tai-chinh-post759881.html
Zalo