Chuyển đổi số cấp xã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền cơ sở
Từ đơn vị triển khai thí điểm chuyển đổi số đầu tiên tại xã Yên Hòa (Yên Mô) năm 2020, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 100% xã, phường, thị trấn có hoạt động chuyển đổi số cụ thể, rõ nét. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền cơ sở và cung cấp dịch vụ công phục vụ thuận lợi cho nhu cầu của tổ chức, công dân.

Giải quyết TTHC cho người dân tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả UBND thị trấn Phát Diệm (Kim Sơn).
Tăng cường thực hiện nhiệm vụ trên môi trường điện tử
Là một trong 23 địa phương được lựa chọn thực hiện mô hình chuyển đổi số năm 2022, thị trấn Phát Diệm (Kim Sơn) đã huy động sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mô hình chuyển đổi số.
Đến nay, sau 3 năm triển khai thực hiện chuyển đổi số, các mặt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ, công chức thị trấn đã thực hiện trên môi trường điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin để tạo thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ và phục vụ nhu cầu của tổ chức, công dân trên địa bàn.
Sau sáp nhập xã Lưu Phương vào thị trấn, thị trấn Phát Diệm đã tiếp tục quan tâm đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, hiện đại hóa hệ thống trang, thiết bị phục vụ chuyển đổi số trong hoạt động của Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả.
Đồng chí Trần Đức Đại, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phát Diệm cho biết: Đội ngũ cán bộ, công chức của thị trấn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, ứng dụng thành thạo CNTT để thực hiện nhiệm vụ nói chung cũng như giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, tiến tới hình thành mô hình chính quyền số hiệu quả.
Hiện nay, 100% cán bộ, công chức thị trấn Phát Diệm có máy tính, máy in phục vụ công việc và được gắn định danh số trong giải quyết công việc; 100% cán bộ, công chức đều thực hiện xử lý văn bản, ý kiến chỉ đạo trên hệ thống và 100% văn bản được ký số; 100% TTHC được tích hợp với Cổng dịch vụ công Quốc gia và của tỉnh.
Trong công tác chỉ đạo điều hành, thị trấn đã sử dụng hệ thống quản lý, điều hành văn bản thông qua các ứng dụng dùng chung như: Office, email công vụ. Bên cạnh đó, để người dân địa phương tiếp cận và làm quen với việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, 8 tổ công nghệ số cộng đồng đã đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số; trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công; tham gia thực hiện chuyển đổi số trong từng lĩnh vực của đời sống như: phần mềm chăm sóc, tư vấn sức khỏe từ xa, thiết lập tài khoản VNeID, nộp học phí online... Năm 2023, thị trấn Phát Diệm xếp thứ nhất toàn huyện về chuyển đổi số.
Thị trấn Nho Quan (huyện Nho Quan) sau hợp nhất với xã Văn Phong, Lạng Phong đã nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy, bắt tay vào triển khai các hoạt động của bộ máy chính quyền cơ sở, phục vụ thuận lợi nhu cầu của tổ chức, cá nhân.
Đồng chí Trần Thị Phương, công chức Tư pháp-Hộ tịch, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả UBND thị trấn Nho Quan cho biết: Chuyển đổi số đã góp phần tích cực làm thay đổi việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và khoa học hơn. Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp luôn được UBND thị trấn quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt.
Bộ phận Một cửa của thị trấn đã bố trí đầy đủ các trang thiết bị phục vụ việc tiếp nhận và giải quyết TTHC cho tổ chức, công dân. Do đó, 100% TTHC đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến, 100% hồ sơ công việc đều được xử lý trên môi trường điện tử (trừ hồ sơ thuộc phạm vi bí mật Nhà nước). Đội ngũ cán bộ, công chức đều sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động chuyên môn. Tất cả các thông tin hồ sơ giải quyết TTHC tại bộ phận Một cửa được cập nhật, luân chuyển, xử lý trong hệ thống Một cửa điện tử-dịch vụ công trực tuyến.
Nhiều giải pháp để thúc đẩy và nâng cao chất lượng chuyển đổi số cấp xã
Thực hiện Kế hoạch số 164/KH-UBND ngày 3/10/2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện mô hình chuyển đổi số cấp xã trên địa bàn tỉnh, các huyện, thành phố đã bám sát Kế hoạch để chỉ đạo, đôn đốc và theo dõi các xã triển khai thực hiện công tác thực hiện mô hình chuyển đổi số theo đúng các nội dung, mục tiêu đề ra trong kế hoạch.
Các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã tổ chức triển khai và ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ đạo phụ trách từng nhiệm vụ, từng lĩnh vực, chú trọng vào 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Thường xuyên đưa nội dung thực hiện vào giao ban hàng tháng, quý.
Đồng thời, huy động sự tham gia vào cuộc của cả bộ máy và hệ thống chính trị, các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền và cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Giải quyết TTHC cho người dân tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả UBND thị trấn Nho Quan (huyện Nho Quan).
Nội dung chuyển đổi số cấp xã nói chung, phát triển chính quyền số nói riêng được triển khai tập trung vào các nội dung: nâng cao chất lượng đội ngũ thông qua tập huấn, tái cấu trúc hạ tầng CNTT của các xã: nâng cấp mạng nội bộ, nâng cấp, bổ sung hệ thống thiết bị CNTT, tăng cường công tác an toàn thông tin mạng, triển khai đường truyền số liệu chuyên dùng, nâng cấp trang thông tin điện tử, thiết lập kênh giao tiếp giữa chính quyền với người dân qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo, ứng dụng công dân số, hệ thống nhắn tin SMS…
Tại các xã, phường, thị trấn, nhiều hệ thống trang thiết bị được đầu tư bước đầu phục vụ thuận lợi hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính quyền cũng như phục vụ nhu cầu của tổ chức, cá nhân. Đến nay, đã có 98,6% đơn vị cấp xã trang bị máy vi tính, các thiết bị phụ trợ cần thiết để đảm bảo xử lý các công việc trên môi trường mạng; 81,1% số xã có mạng nội bộ (LAN) đảm bảo đáp ứng các yêu cầu chuyển đổi số; 100% xã, phường, thị trấn hoàn thành chỉ tiêu “Tỷ lệ hộ gia đình được tiếp cận, sử dụng dịch vụ Internet cáp quang băng thông rộng, hoàn thành chỉ tiêu “Tỷ lệ các thôn, bản, khu phố trên địa bàn được phổ cập dịch vụ thông tin di động 4G/5G đảm bảo chất lượng”…
Từ sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, hoạt động chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức cũng như việc giải quyết TTHC của tổ chức, cá nhân đã có nhiều chuyển biến. Đến nay, 100% xã đã được cấp chữ ký số và sử dụng thường xuyên, tạo thuận lợi cho giải quyết công việc. UBND các xã đã chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông (trước đây) tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ, công chức sử dụng, rà soát và cấp tài khoản cho các cá nhân và tổ chức sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành.
Việc sử dụng có hiệu quả hệ thống đã giúp cho hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành được nhanh chóng, kịp thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; tiết kiệm được thời gian xử lý, tiết kiệm chi phí văn phòng phẩm.
100% các xã đã thực hiện tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh; 100% cán bộ, công chức thuộc bộ phận một cửa được cấp tài khoản và sử dụng thường xuyên; bộ phận một cửa được bổ sung đầy đủ các trang thiết bị đảm bảo cho hoạt động phục vụ và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng quan tâm triển khai kênh giao tiếp, tương tác giữa chính quyền cấp xã với người dân, doanh nghiệp. Trang thông tin điện tử, Fanpage, các nhóm Zalo…được thiết lập và duy trì hoạt động đã gắn kết mối quan hệ giữa chính quyền với người dân. Nhiều thông tin được truyền tải nhanh, kịp thời, đáp ứng yêu cầu trong thời đại công nghệ số.
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 164/KH-UBND ngày 3/10/2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện mô hình chuyển đổi số cấp xã trên địa bàn tỉnh (phiên bản 1.0), mô hình chuyển đổi số cấp xã đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
Từ kết quả này, tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi số cấp xã phù hợp với Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về “Đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” và mô hình chính quyền 2 cấp, tiến tới triển khai, hoàn thiện mô hình chuyển đổi số cấp xã phiên bản 2.0.