Chuyển đổi sản xuất hiệu quả, mở lối giảm nghèo bền vững ở Đồng Văn
Trong những năm qua, huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), vùng đất địa đầu Tổ quốc với phần lớn dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đã và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế.
Từ một địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, Đồng Văn đang dần hình thành nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, khai thác lợi thế bản địa, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm địa phương, tạo việc làm ổn định và hướng tới mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững.
Vươn mình trên đá tai mèo
Đồng Văn có hơn 80% diện tích là núi đá, đất sản xuất manh mún, khí hậu khắc nghiệt, giao thông khó khăn. Trước đây, người dân chủ yếu canh tác lúa nương, ngô trên núi, năng suất thấp, cuộc sống bấp bênh.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhờ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp đặc sản, nhiều hộ dân tại Đồng Văn đã vươn lên thoát nghèo, nâng cao thu nhập và làm giàu.

Những cây trồng đặc trưng đang giúp HTX, nông dân ở Đồng Văn vươn lên thoát nghèo (Ảnh: BHG).
Một trong những điểm sáng trong quá trình chuyển đổi sản xuất tại Đồng Văn là việc khai thác hiệu quả các cây trồng, vật nuôi đặc sản như tam giác mạch, hoa hồng, lê, mật ong bạc hà, bò vàng vùng cao…
Trong đó, tam giác mạch không chỉ là cây lương thực truyền thống mà còn trở thành nguyên liệu chế biến bánh kẹo, rượu, trà… mang lại giá trị kinh tế cao cho nhiều HTX, tổ hợp tác, nông dân ở Đồng Văn.
Như HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp và du lịch cộng đồng Ma Lé (xã Má Lé) là một điển hình. Được thành lập năm 2020, HTX đã xây dựng thành công chuỗi sản phẩm từ cây tam giác mạch, như bánh tam giác mạch, trà túi lọc, mật ong bạc hà đóng lọ, và đặc biệt là kết hợp sản xuất với dịch vụ du lịch cộng đồng.
Với cách làm sáng tạo, HTX Ma Lé không chỉ tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động địa phương mà còn giúp hơn 100 hộ liên kết tiêu thụ sản phẩm. Mỗi năm, HTX đạt doanh thu trên 1,5 tỷ đồng, thu nhập bình quân của thành viên đạt khoảng 6-7 triệu đồng/người/tháng.
Chị Vàng Thị Dính – Giám đốc HTX chia sẻ: “Trước đây, người dân trong xã chủ yếu làm nương ngô, rất vất vả mà vẫn thiếu ăn. Giờ chuyển sang trồng cây tam giác mạch theo hướng hữu cơ, làm du lịch, nhiều hộ đã thoát nghèo, có hộ còn xây được nhà kiên cố”.
Thúc đẩy chuỗi giá trị
Một mô hình khác đang tạo dấu ấn mạnh mẽ là HTX Dịch vụ nông nghiệp và du lịch cộng đồng Lũng Cú (xã Lũng Cú). Tận dụng lợi thế gần Cột cờ Quốc gia và vẻ đẹp nguyên sơ của vùng núi cao, HTX đang phát triển mô hình homestay gắn với canh tác nông nghiệp sạch, phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước.
Đặc biệt, HTX đã xây dựng vườn hoa tam giác mạch, vườn lê đặc sản Lũng Cú, kết hợp trải nghiệm hái rau, chế biến món ăn truyền thống như thắng cố, mèn mén, rượu ngô… Không chỉ tạo việc làm cho 40 lao động chính thức và hàng chục lao động thời vụ, HTX còn là “trung tâm gìn giữ văn hóa Mông” tại địa phương.
Ông Phá A Páo – một thành viên HTX, phấn khởi nói: “Hồi trước cả nhà chỉ biết làm nương, thu nhập chưa tới 1 triệu đồng/tháng. Từ khi tham gia HTX, vợ chồng tôi mở homestay, làm hướng dẫn viên, bán sản phẩm địa phương. Mỗi năm cũng được hơn 70-80 triệu đồng, có của ăn của để”.

Huyện Đồng Văn dự kiến thúc đẩy vai trò của HTX trong liên kết nông dân phát triển sản xuất hiệu quả (Ảnh: BHG).
Theo thống kê, toàn huyện Đồng Văn hiện có hơn 30 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, trong đó khoảng 15 HTX đang liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ nông sản, chế biến sâu, hoặc phát triển du lịch cộng đồng.
Các HTX không chỉ là đầu mối liên kết sản xuất mà còn đào tạo nghề, hỗ trợ kỹ thuật, và là “cánh tay nối dài” của chính quyền trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân thay đổi nhận thức về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Đơn cử, HTX Chế biến nông sản Đồng Văn (thị trấn Đồng Văn) đang triển khai dây chuyền sản xuất trà thảo dược từ cây dược liệu bản địa như cỏ ngọt, sả, gừng, hoa hồng… với hơn 60% lao động là phụ nữ và thanh niên người Mông.
Sản phẩm đã được đăng ký mã QR truy xuất nguồn gốc, được tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị, cửa hàng OCOP. Năm 2024, HTX đạt doanh thu hơn 2 tỷ đồng, đóng góp tích cực vào ngân sách xã và giải quyết việc làm cho hơn 50 lao động tại chỗ.
Những dấu ấn của các HTX trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở Đồng Văn thời gian qua không thể không nhắc đến vai trò đồng hành, hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Hà Giang.
Cụ thể, những năm gần đây, với sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam, nhiều mô hình HTX kiểu mới đã ra đời tại Đồng Văn, tiêu biểu như HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Lũng Táo, HTX Sản xuất và chế biến mật ong bạc hà Ma Lé, HTX Dệt lanh thổ cẩm Lũng Cú…
Các HTX này không chỉ tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, bài bản mà còn ứng dụng công nghệ, từng bước tiếp cận thị trường qua thương mại điện tử, nâng cao giá trị sản phẩm địa phương.
Đa dạng hóa sinh kế
Không dừng lại ở hỗ trợ tài chính hay kỹ thuật, Liên minh HTX Việt Nam còn chú trọng nâng cao năng lực quản trị, kỹ năng điều hành, kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại cho các HTX. Đây chính là những yếu tố then chốt giúp kinh tế hợp tác, HTX ở Đồng Văn từng bước khẳng định vai trò, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững vùng biên cương Tổ quốc.
Cùng với đó, Liên minh HTX tỉnh Hà Giang cũng tích cực phối hợp với Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trong giai đoạn 2024–2030 nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, hỗ trợ HTX do phụ nữ quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ.
Chương trình này tập trung vào việc tuyên truyền, vận động hội viên tham gia hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh, hướng dẫn thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hợp tác, HTX.
Với sự đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Hà Giang, huyện Đồng Văn đang từng bước khẳng định vị thế trong phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, góp phần nâng cao đời sống người dân và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Bên cạnh các mô hình HTX tiêu biểu, nhiều hộ gia đình tại Đồng Văn cũng đã chủ động tiếp cận kỹ thuật mới, phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản theo hình thức bán chăn thả, đầu tư hệ thống chuồng trại, trồng cỏ voi, sử dụng chế phẩm sinh học… mang lại thu nhập ổn định.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, sự nỗ lực của người dân và sự đồng hành của các tổ chức xã hội, bức tranh kinh tế của huyện Đồng Văn đang từng ngày “thay da đổi thịt”.
Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đến cuối năm 2024 đã giảm còn dưới 38%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 23 triệu đồng/năm – một con số khả quan với địa bàn vùng cao đặc biệt khó khăn.
Thời gian tới, việc nhân rộng các mô hình HTX đang là hướng đi chủ lực được huyện Đồng Văn chú trọng hướng tới mục tiêu vừa phát triển kinh tế, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Huyện cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ HTX ứng dụng công nghệ số, xúc tiến thương mại điện tử và liên kết tiêu thụ sản phẩm với các địa phương khác...