'Đầu tàu' làm giàu ở Dầu Tiếng

Thời gian qua, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, đã triển khai nhiều chương trình và chính sách thiết thực nhằm giảm nghèo và nâng cao đời sống người dân. Đặc biệt, huyện chú trọng triển khai các mô hình kinh tế tập thể như HTX chăn nuôi gia cầm, heo, bò, dê, nuôi ong, trồng cây ăn trái... làm 'đầu tàu' giúp người dân thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu. Và một hướng đi mới được huyện xác định cần triển khai quyết liệt là xây dựng nền nông nghiệp xanh.

Thực hiện định hướng này, huyện Dầu Tiếng đã tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thành công ban đầu từ những mô hình “điểm” đã mang lại sức lan tỏa cao, tác động đến tư duy của người nông dân, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, từ đó mang lại thu nhập cao hơn trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao

Theo thống kê, đến nay, toàn huyện Dầu Tiếng có khoảng 900ha sản xuất nông nghiệp trang bị hệ thống tưới tiết kiệm, nhà lưới, nhà màng hiện đại, kỹ thuật phòng trừ dịch hại tổng hợp. Việc ứng dụng công nghệ cao không chỉ giúp tăng năng suất, từ đó nâng cao đời sống nông dân, mà còn bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng thương hiệu nông sản sạch của địa phương.

Việc thực hiện chuyển đổi một phần diện tích cây cao su sang trồng cây ăn quả đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, với doanh thu bình quân từ 1,3 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm.

Việc thực hiện chuyển đổi một phần diện tích cây cao su sang trồng cây ăn quả đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, với doanh thu bình quân từ 1,3 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm.

Những năm gần đây, ngoài cây cao su, huyện Dầu Tiếng đã đa dạng hóa cây trồng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đáng chú ý, việc thực hiện chuyển đổi một phần diện tích cây cao su sang trồng cây ăn quả đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, với doanh thu bình quân từ 1,3 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm. Các loại cây ăn quả như măng cụt, sầu riêng, cam, quýt, bưởi đã trở thành những cây trồng chủ lực của Dầu Tiếng.

Như mô hình trồng sầu riêng của anh Tô Văn Quốc, ở ấp Chợ, xã Thanh Tuyền là một điển hình trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Anh Quốc cũng là hộ tiên phong trồng cây sầu riêng lai ghép trên địa bàn xã. Anh bắt đầu trồng sầu riêng từ năm 2017. Nhờ kiên trì học hỏi kinh nghiệm và áp dụng đúng kỹ thuật bón phân, tưới nước, thụ phấn, tỉa cành tạo tán, phòng chống sâu hại nên vườn sầu riêng của anh phát triển tươi tốt, sản phẩm đạt chất lượng cao. Trung bình mỗi vụ, vườn sầu riêng nhà anh cho thu hoạch 22 tấn, sau khi trừ các khoản chi phí có lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng/năm.

HTX Nông nghiệp - Dịch vụ - Thương mại Minh Hòa Phát (xã Minh Hòa) chuyên trồng bưởi da xanh, quýt đường và sầu riêng, là một trong những “lá cờ đầu” trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Sau vài năm đi vào hoạt động (thành lập năm 2017), HTX đã vươn mình trở thành một trong những HTX sản xuất cây ăn trái hàng đầu địa phương, với diện tích lên đến 150ha, lợi nhuận hàng năm khoảng 20 tỷ đồng.

HTX Minh Hòa Phát đã xây dựng phương án sản xuất trồng cây ăn quả theo hướng VietGAP để tạo ra sản phẩm sạch, có thương hiệu và đáp ứng yêu cầu của thị trường. Sản phẩm của HTX có nguồn gốc, xuất xứ, có thương hiệu, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Với khoảng 2.000 tấn/vụ, HTX trực tiếp đưa sản phẩm ra thị trường và phân phối đến các siêu thị, các chợ đầu mối… Doanh thu trung bình hàng năm của HTX đạt 60 tỷ đồng. Năm 2022, cả 3 sản phẩm của HTX là bưởi da xanh, cam và quýt đường đều được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh. Từ đó góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm, tạo điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ và tăng lợi nhuận cho các thành viên của HTX.

Hiện nay, HTX đang thực hiện trồng cây có múi và một số loại cây ăn trái khác như sầu riêng, mít với công nghệ tưới nước, bón phân tự động. Nhờ áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nên HTX đã giảm được chi phí lao động, bình quân cứ 2ha chỉ cần 1 lao động. Hiện, HTX có 70 lao động tại chỗ, mức lương trung bình từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng.

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây cao su sang cây có múi và tiết giảm chi phí lao động, thu nhập bình quân của HTX đạt từ 450-500 triệu đồng/ha/năm.

Với kinh nghiệm sản xuất trong nông nghiệp tích lũy được, ban lãnh đạo và các thành viên trong HTX xây dựng, điều hành, trao đổi kinh nghiệm và giúp đỡ nhau làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Nhân rộng mô hình HTX hiệu quả

Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng cho biết, địa phương đang khuyến khích, vận động nông dân phát triển các loại cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng ở địa phương. Trong thời gian tới, địa phương tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, mô hình liên kết giữa nông dân với HTX, với doanh nghiệp.

Nhiều HTX, tổ hợp tác trên địa bàn huyện Dầu Tiếng hoạt động hiệu quả, có hướng đi mới, phát triển ổn định.

Nhiều HTX, tổ hợp tác trên địa bàn huyện Dầu Tiếng hoạt động hiệu quả, có hướng đi mới, phát triển ổn định.

Trên địa bàn huyện Dầu Tiếng hiện có 23 HTX, 90 tổ hợp tác, trong đó có nhiều HTX, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, có hướng đi mới, phát triển ổn định.

HTX Ong mật Thảo Trinh (ấp Hòa Cường, xã Minh Hòa) là một điển hình, không chỉ nuôi ong lấy mật mà còn sản xuất sản phẩm mật ong đóng chai, xuất khẩu.

Giám đốc Phạm Thị Thảo chia sẻ, để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, HTX đã cải tiến cách nuôi và tạo ra sản phẩm mật ong hộp bánh tổ.

Hiện nay, HTX có hơn 600 thùng kế nuôi ong, sản lượng thu hoạch mỗi vụ hơn 20.000 hộp mật ong bánh tổ; sản phẩm được xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Ngoài xuất khẩu mật ong sang Hàn Quốc, HTX đã tạo nhiều kênh bán hàng thương mại điện tử, online, bán hàng trên Facebook.

Bên cạnh đó, HTX cũng cung cấp các loại thức ăn chăn nuôi ong mật. Mỗi năm, doanh thu của HTX đạt khoảng 45 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hàng tỷ đồng. HTX còn đang giải quyết việc làm ổn định cho 20 lao động địa phương, thu nhập bình quân mỗi tháng 9 triệu đồng/người.

Đến nay, HTX đã đầu tư máy móc, thiết bị về lọc mật ong, hạ thủy phần... bảo đảm đạt tiêu chuẩn đóng chai theo quy định để tiêu thụ trên thị trường.

Đảm bảo an sinh xã hội

Theo thống kê từ UBND huyện Dầu Tiếng, trong quý I/2025, giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đạt 806,595 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2024. Lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, sinh thái; khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi, truy xuất được nguồn gốc nông sản; cùng với đó hỗ trợ Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng thực hiện các dự án nông nghiệp công nghệ cao...

Để góp phần cùng với tỉnh hoàn thành mục tiêu tăng trưởng hai con số trong năm nay, huyện Dầu Tiếng tiếp tục thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và 3 chương trình đột phá của Huyện ủy: Phát triển đô thị; Phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn; Phát triển du lịch giai đoạn 2021- 2025.

Huyện Dầu Tiếng cũng đang phối hợp lập bản đồ nông hóa - thổ nhưỡng phục vụ sản xuất nông nghiệp; khẩn trương hoàn thiện các tiêu chí, chỉ tiêu huyện nông thôn mới nâng cao; tích cực triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)...

Hiện, huyện Dầu Tiếng đang tập trung phát triển 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Long Hòa với diện tích khoảng 1.105ha và tại xã Minh Tân với diện tích khoảng 1.103ha; đồng thời tăng cường phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái có múi khu vực sông Sài Gòn, sông Thị Tính và các hồ, kênh, suối trên địa bàn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, qua đó tăng thu nhập cho người nông dân trong huyện. Huyện cũng định hướng phát triển vùng chăn nuôi tập trung ở xã Minh Thạnh với quy mô khoảng 860ha...

Trong công tác giảm nghèo, huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo tối thiểu 0,3% mỗi năm, hướng tới mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo dưới 1% vào cuối năm 2025. Mục tiêu của huyện là 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng về quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo. Những nỗ lực này thể hiện cam kết mạnh mẽ của huyện Dầu Tiếng trong việc cải thiện đời sống người dân và xây dựng một cộng đồng phát triển bền vững.

Minh Đức

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/dau-tau-lam-giau-o-dau-tieng-1106286.html
Zalo