HTX và những trăn trở trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính
Chủ trương sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã đang được triển khai đồng bộ trên phạm vi cả nước nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Trong quá trình này, các HTX - với vai trò là lực lượng kinh tế tập thể quan trọng ở cơ sở - cũng đang tích cực nắm bắt cơ hội chuyển mình, đồng thời chia sẻ một số băn khoăn về thủ tục hành chính, nhận diện thương hiệu và cơ chế hỗ trợ.
Thực tế cho thấy, một số HTX khi địa bàn hành chính thay đổi đã gặp khó khăn nhất định trong việc cập nhật hồ sơ pháp lý, điều chỉnh thông tin giấy phép kinh doanh, hoặc phải bổ sung lại một số thủ tục từng hoàn tất trước đó. Đây là những tình huống phát sinh trong quá trình chuyển tiếp, và là điều dễ hiểu khi khung pháp lý cần thời gian đồng bộ theo địa giới hành chính mới.
Điển hình như trường hợp HTX trước khi sáp nhập nhập thuộc xã A, huyện B, tỉnh Y). Tuy nhiên, khi xã A sáp nhập với xã C (thuộc cùng huyện B) để thành lập xã mới D thì lúc này sẽ có sự xáo trộn thủ tục hành chính.
Đơn cử trước đây, HTX này đã hoàn tất đầy đủ các thủ tục như đăng ký hoạt động, chứng nhận VietGAP, giấy phép kinh doanh thực phẩm... theo địa bàn hành chính cũ. Khi địa bàn thay đổi do xã A sáp nhập với xã C thành xã mới D, các HTX băn khoăn liệu cần thực hiện điều chỉnh hoặc cập nhật thông tin hồ sơ pháp lý ra sao để phù hợp với địa chỉ hành chính mới, đặc biệt trong trường hợp có thay đổi về cơ cấu hoặc đầu mối tiếp nhận hồ sơ. Những nội dung này, nếu không có hướng dẫn cụ thể, có thể làm kéo dài thời gian xử lý và ảnh hưởng nhất định đến tiến độ cung ứng hàng hóa, thực hiện hợp đồng.
Bên cạnh đó, một số HTX cũng đang trong quá trình tiếp cận lại với hệ thống hỗ trợ địa phương. Trước đây, HTX thường nhận được sự đồng hành từ các phòng, ban chuyên môn, trung tâm xúc tiến thương mại hay Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tại địa phương. Khi tổ chức hành chính thay đổi, cơ cấu bộ máy và chức năng nhiệm vụ của các đơn vị liên quan cũng có thể được điều chỉnh, khiến HTX cần thời gian để làm quen, kết nối lại. Trong một số trường hợp, điều này có thể làm gián đoạn tạm thời việc tiếp cận thông tin, vốn vay, kỹ thuật hoặc chương trình hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Chè Shan Tuyết (Hà Giang) hoặc Suối Giàng (Yên Bái), khi các địa danh này không còn tồn tại HTX lo lắng sẽ gặp khó trong nhận diện thương hiệu.
Một khía cạnh khác cũng rất được các HTX và Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX quan tâm trong quá trình sắp xếp lại đơn vị hành chính là sự thay đổi về không gian thị trường và các mối quan hệ kinh tế đã hình thành từ trước. Việc sáp nhập có thể tạo ra các địa bàn hành chính rộng lớn hơn, đồng nghĩa với quy mô thị trường lớn hơn và tiềm năng phát triển cao hơn. Tuy nhiên, điều này cũng đồng thời kéo theo sự thay đổi trong cấu trúc cạnh tranh. Một số HTX có thể phải đối mặt với các đơn vị kinh tế mạnh hơn, có năng lực sản xuất lớn hơn, đến từ các địa phương vừa sáp nhập, tạo ra áp lực mới trong việc duy trì thị phần và năng lực cạnh tranh.
Không những thế, các chuỗi cung ứng, mạng lưới đối tác và liên kết kinh tế đã được thiết lập trong nhiều năm có thể bị ảnh hưởng. Sự thay đổi về hành chính, vị trí địa lý hoặc cơ chế hỗ trợ có thể khiến các HTX và Quỹ hỗ trợ phải tái thiết lập các kênh hợp tác, xây dựng lại mối liên kết với khách hàng, đối tác và các tổ chức trung gian trong phát triển sản xuất – kinh doanh.
Bên cạnh đó, HTX không chỉ là một tổ chức kinh tế mà còn mang tính xã hội, cộng đồng cao. Vì vậy, trong một đơn vị hành chính mới và rộng hơn sau sáp nhập, một số HTX với quy mô hoạt động chủ yếu trong phạm vi một xã có thể lo ngại rằng tiếng nói, nhu cầu và nguyện vọng của họ sẽ không còn nổi bật như trước. Đặc biệt, trong bối cảnh chính quyền địa phương mới phải đồng thời giải quyết nhiều vấn đề khác nhau sau sáp nhập, khả năng ưu tiên cho HTX ở cấp cơ sở đôi khi sẽ bị phân tán.
Một mối quan tâm nữa của nhiều HTX là vấn đề thương hiệu. Nhiều sản phẩm của HTX hiện nay đã gắn liền với tên địa phương – yếu tố góp phần không nhỏ vào việc định danh và tạo niềm tin nơi người tiêu dùng. Ví dụ, chè Shan Tuyết được nhắc đến là nghĩ ngay đến Hoàng Su Phì (Hà Giang) hay Suối Giàng (Yên Bái). Nếu sau sáp nhập, tên địa danh này không còn tồn tại độc lập, việc HTX giữ vững nhận diện thương hiệu sẽ gặp không ít khó khăn. Không chỉ phải thay đổi thông tin trên bao bì, nhãn mác, điều này còn kéo theo những chi phí tài chính và chiến lược tiếp thị lại thương hiệu, đặt ra bài toán không nhỏ cho khả năng thích ứng của HTX.
Nhưng cũng mở ra cơ hội từ sáp nhập
Để giảm thiểu những lo lắng và tận dụng tối đa cơ hội từ việc sáp nhập hành chính, giới chuyên gia cho rằng các HTX cần chủ động nâng cao năng lực nội tại, tăng cường liên kết, hợp tác với các đối tác khác. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cần có những chính sách và hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về các thủ tục hành chính sau sáp nhập, đảm bảo tính liên tục và ổn định trong hoạt động của các HTX. Cần có sự lắng nghe và đối thoại giữa chính quyền và cộng đồng HTX để kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh.
Chẳng hạn như các cơ quan quản lý nên xem xét để có chính sách hỗ trợ các HTX trong quá trình thay đổi bao bì, mẫu mã, tên thương hiệu. Bởi đây là khó khăn đối với không ít HTX.
Đi liền với đó, các HTX cũng có thể xem xét sau khi sáp nhập có thể thay đổi tên đơn vị hành chính những việc có nên thay đổi tên thương hiệu gắn liền với tên địa phương quen thuộc như chè Suối Giàng, chè Shan tuyết Hồng Thái… vì đây là những tên thương hiệu lâu đời, được nhiều người ghi nhớ.
Ông Phạm Công Bằng, Tổng Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam cho biết thời gian qua cũng đã có nhiều HTX, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX ở các địa phương bày tỏ băn khoăn, lo lắng về vấn đề các địa phương sáp nhập từ cấp độ xã, huyện và tỉnh.
Về vấn đề này, gần đây, Bộ Tài chính đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố đề nghị các tỉnh, thành phố nghiên cứu sắp xếp các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX theo quy đinh. Nhưng có vấn đề hiện nay là Đảng và Nhà nước đã chính thức có danh sách các tỉnh sáp nhập nhưng thực chất vẫn còn đang trong quá trình triển khai.
Theo tình thần công văn của Bộ Tài chính, các Quỹ sẽ bàn giao nguyên trạng cho Quỹ mà tỉnh thành phố được đứng tên theo quy định của Chính phủ. Sau đó, Bộ Tài chính cũng có văn bản hướng dẫn về quy chế hoạt động của mô hình Quỹ mới sau sáp nhập.
Tuy nhiên, hiện Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX đã tham mưu cho Bộ Tài chính sẽ cố gắng giữ các Quỹ của các tỉnh bị sáp nhập và các Quỹ này sẽ thành một chi nhánh của Quỹ mới sau sáp nhập. Vì hiện nay, các Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX đang hoạt động theo Nghị định 45/2021/NĐ-CP nhưng nhiều Quỹ ở một số tỉnh thành vẫn chưa tổ chức sắp xếp lại theo Nghị định này nên mỗi Quỹ tại mỗi địa phương có thể lại hoạt động theo một mô hình, cơ chế khác nhau, thậm chí quyền lợi đối với khách hàng là người dân, HTX cũng khác nhau.
Do đó, hiện Vụ Tài chính đã tiếp thu ý kiến đóng góp của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX để trình lên cấp trên. “Chính vì vậy, các HTX, các Quỹ ở các địa phương cũng có thể yên tâm vì Quỹ vẫn có thể thành các chi nhánh sau khi sáp nhập. Và việc cho vay vốn vẫn được thực hiện trên địa bàn mà Quỹ gần dân, sát với các HTX nên sẽ có độ am hiểu về khách hàng hơn. Còn nếu các Quỹ cùng dồn về thủ phủ của địa phương mới sẽ bị xa dân, xa HTX. Điều này cũng khiến các quyền lợi liên quan đến khách hàng sẽ rất phức tạp”, ông Phạm Công Bằng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đây là giai đoạn chuyển tiếp mang tính tất yếu trong tiến trình cải cách, và các cơ quan quản lý nhà nước đã và đang triển khai các biện pháp để hướng dẫn, đồng hành, đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các HTX được giữ nguyên vẹn trong suốt quá trình sắp xếp đơn vị hành chính. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên, HTX hoàn toàn có thể yên tâm ổn định sản xuất, tiếp tục đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.