Chuyển dịch chiến lược của ngân hàng Trung Quốc và bài học cho Việt Nam

Hệ thống ngân hàng Trung Quốc đã trải qua một cuộc chuyển mình chiến lược trong suốt thập niên qua - từ mô hình tăng trưởng tín dụng quy mô lớn, phụ thuộc vào cho vay bất động sản và doanh nghiệp nhà nước, sang mô hình tài chính toàn diện, đa dạng hóa nguồn thu và chuyển đổi số sâu rộng. Sự dịch chuyển này phản ánh nỗ lực thích ứng với yêu cầu kiểm soát rủi ro, cải thiện hiệu quả hoạt động và duy trì tăng trưởng bền vững.

Mức biên lãi ròng của hệ thống ngân hàng Việt Nam gần như gấp đôi mức biên lãi ròng của các ngân hàng ở Trung Quốc. Ảnh: LÊ VŨ

Mức biên lãi ròng của hệ thống ngân hàng Việt Nam gần như gấp đôi mức biên lãi ròng của các ngân hàng ở Trung Quốc. Ảnh: LÊ VŨ

Trong nhiều năm, hệ thống ngân hàng Trung Quốc được biết đến với vai trò là trụ cột hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua tín dụng quy mô lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên như bất động sản và hạ tầng. Tuy nhiên, mô hình này dần bộc lộ nhiều rủi ro: nợ xấu tăng cao, hiệu suất sử dụng vốn thấp và sự phụ thuộc lớn vào biên lãi suất khiến hiệu quả tài chính dễ tổn thương trước biến động thị trường. Kể từ sau năm 2015, dưới áp lực của chính sách “deleveraging” (giảm đòn bẩy tài chính) và kiểm soát nợ, các ngân hàng Trung Quốc buộc phải tái cấu trúc mô hình hoạt động.

Một thập niên qua là hành trình chuyển dịch sâu sắc: từ cho vay quy mô lớn sang tăng trưởng chất lượng; từ vận hành truyền thống sang số hóa toàn diện; từ thu nhập lãi thuần sang đa dạng hóa dịch vụ. Những chuyển động chiến lược này không chỉ tác động đến chỉ số tài chính như biên lãi ròng (NIM), lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) mà còn tạo ra sự bền vững hơn trong mô hình kinh doanh của các ngân hàng hàng đầu.

Sự chuyển dịch chiến lược cốt lõi trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc

Trong giai đoạn 2010-2015, tăng trưởng tín dụng tại Trung Quốc duy trì mức trung bình khoảng 16%/năm, tập trung chủ yếu vào bất động sản và các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, đằng sau đó là sự tích tụ nợ xấu tiềm ẩn. Trước áp lực kiểm soát hệ số an toàn vốn và nâng cao hiệu quả sử dụng tín dụng, từ năm 2016 các ngân hàng Trung Quốc bắt đầu giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, đồng thời chuyển hướng sang các lĩnh vực an toàn hơn như tín dụng xanh, tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).

Kể từ sau giai đoạn kiểm soát nợ 2017-2019, các ngân hàng Trung Quốc đã giảm tỷ trọng cho vay bất động sản và doanh nghiệp nhà nước, thay vào đó là tăng tài trợ cho lĩnh vực tiêu dùng, nông nghiệp công nghệ cao và tín dụng xanh. Tỷ trọng cho vay tiêu dùng trong tổng dư nợ đã gia tăng đáng kể tại nhiều ngân hàng lớn. Mặc dù tổng tăng trưởng tín dụng giảm từ mức trung bình 14% xuống còn khoảng 9% trong giai đoạn 2020-2023, nhưng chất lượng tăng trưởng được cải thiện đáng kể, thể hiện qua hệ số an toàn vốn (CAR) duy trì ổn định quanh mức 14% và giảm rủi ro kỳ hạn tín dụng.

Kết quả là đến năm 2023 tỷ lệ nợ xấu (NPL) toàn hệ thống được duy trì ổn định quanh mức 1,6%, trong đó các ngân hàng lớn như ICBC, ABC giữ NPL dưới 1,5% trong ba năm liên tiếp. Sự kiểm soát chất lượng tài sản đã giúp ổn định tỷ lệ trích lập dự phòng và duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao, lên tới hơn 180% ở nhiều ngân hàng quốc doanh.

Trong bối cảnh lãi suất thị trường giảm và áp lực cạnh tranh từ công nghệ tài chính (FinTech) tăng lên, NIM của các ngân hàng Trung Quốc liên tục suy giảm. Từ mức trung bình khoảng 2,5% năm 2014, NIM đã giảm xuống dưới 1,4% vào năm 2024. Thay vì dựa quá nhiều vào chênh lệch lãi suất, các ngân hàng đã đẩy mạnh phát triển các dịch vụ tài chính có giá trị gia tăng cao như: quản lý tài sản, ngân hàng đầu tư, bảo hiểm, và thanh toán số.

Nhiều ngân hàng, đặc biệt là CCB, đã giảm CIR từ hơn 40% vào năm 2014 xuống dưới 30% vào năm 2023 - một con số rất ấn tượng đối với một ngân hàng có quy mô lớn. Đồng thời, việc ứng dụng dữ liệu và công nghệ vào quy trình vận hành giúp cá nhân hóa các sản phẩm và dịch vụ, cải thiện tỷ lệ giữ chân khách hàng, và nâng cao hiệu quả hoạt động với chỉ số lợi nhuận trên tài sản (ROA) được cải thiện rõ rệt.

Tác động đến hiệu quả hoạt động toàn hệ thống

Do biên lãi giảm, các ngân hàng buộc phải tái cấu trúc thu nhập. Kết quả là ROE toàn hệ thống giảm nhẹ từ 14% (năm 2013) xuống 11-12% hiện tại. Tuy nhiên, sự ổn định về nguồn thu và cấu trúc chi phí giúp ROE duy trì ở mức lành mạnh và ít biến động. Một số ngân hàng tập trung mảng quản lý tài sản như CITIC Bank, CMB... có ROE thậm chí phục hồi nhẹ nhờ hiệu quả mảng dịch vụ tài chính.

ROA - một chỉ số phản ánh hiệu quả sử dụng tài sản - được cải thiện tại các ngân hàng ứng dụng công nghệ tốt, đặc biệt ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần hoạt động tại khu vực đô thị lớn. Điều nổi bật nhất từ câu chuyện của Trung Quốc là sự từ bỏ mô hình tăng trưởng dựa vào cho vay đại trà tập trung tăng trưởng hơn chất lượng, thay bằng chiến lược lựa chọn khách hàng, kiểm soát rủi ro và phân bổ vốn hiệu quả.

Quá trình chuyển đổi của các ngân hàng có sự đóng góp không nhỏ từ sự ứng dụng công nghệ vào cả khâu vận hành nội bộ để không những nâng cao hiệu quả hoạt động mà công nghệ còn giúp các ngân hàng khám phá và phục vụ tốt hơn các nhu cầu đa dạng của các nhóm khách hàng khác nhau.

Một trong những chuyển dịch sâu sắc nhất là chuyển đổi số ở cấp hệ thống. Các ngân hàng lớn như ICBC, CCB, BOC đã đầu tư mạnh mẽ vào trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây và các nền tảng ngân hàng thông minh. Mô hình ngân hàng không chi nhánh (branchless banking), trải nghiệm khách hàng đa kênh và hệ thống lõi tích hợp đã giúp tối ưu hóa quy trình vận hành và nâng cao hiệu suất phục vụ.

Tác động rõ nhất được phản ánh ở chỉ số CIR. CIR toàn hệ thống giảm từ hơn 40% xuống bình quân 33-34%, trong đó các ngân hàng có đầu tư mạnh về công nghệ như CCB, Zheshang Bank, CMB đạt mức dưới 30%. Đây là một chỉ số thể hiện sự chuyển dịch bền vững về năng lực vận hành. Mức tỷ lệ CIR này được xem là rất tốt nếu so sánh với các ngân hàng đang có chỉ số này tốt nhất ở Việt Nam. Các ngân hàng quản trị hệ số CIR tốt nhất ở Việt Nam cũng chỉ được khoảng 23-30%.

Điều này đặc biệt rất đáng lưu ý khi mức NIM của hệ thống ngân hàng Việt Nam gần như gấp đôi mức NIM của các ngân hàng ở Trung Quốc, cho thấy yếu tố công nghệ đã giúp các ngân hàng ở Trung Quốc hoạt động hiệu quả như thế nào. Công nghệ không chỉ giúp giảm chi phí cố định mà còn hỗ trợ quản trị rủi ro tín dụng và cá nhân hóa dịch vụ khách hàng. Việc sử dụng AI để đánh giá tín dụng, robot tự động xử lý giao dịch, hay hệ thống phân tích dữ liệu người dùng đã giảm đáng kể chi phí vận hành.

Với bối cảnh tín dụng ngân hàng vẫn đang là động lực hỗ trợ tăng trưởng chính cho nền kinh tế, đặc biệt tín dụng đổ vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản vẫn cao thì bài học từ Trung Quốc trong thập niên qua là lời cảnh tỉnh cần thiết. Thay vì chỉ chạy theo tăng trưởng tín dụng hai con số, ngân hàng Việt Nam cần đặt trọng tâm vào chất lượng tài sản, tín dụng có mục tiêu và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Việc quá lệ thuộc vào tăng trưởng tín dụng sẽ sớm dẫn đến áp lực trích lập dự phòng và làm suy yếu năng lực tài chính.

Một bài học nữa cho Việt Nam để có thể nâng cấp hiệu quả vận hành của hệ thống ngân hàng đó là việc tận dụng triệt để cơ hội từ chuyển đổi số. Chuyển đổi số không nên chỉ dừng lại ở việc mở ứng dụng di động hay số hóa quy trình một phần. Kinh nghiệm từ Trung Quốc cho thấy sự chuyển đổi hiệu quả phải bắt đầu từ hệ thống lõi, dữ liệu và năng lực vận hành.

Việc phát triển hệ thống ngân hàng số thông minh đã giúp các ngân hàng Trung Quốc không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn tạo ra khả năng cá nhân hóa sản phẩm và mở rộng hệ sinh thái tài chính, từ đó tạo ra các năng lực cạnh tranh trong dài hạn cho hệ thống ngân hàng.

(*) CFA
(**) UEL

Lê Hoài Ân (*) - Võ Nhật Anh (**)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chuyen-dich-chien-luoc-cua-ngan-hang-trung-quoc-va-bai-hoc-cho-viet-nam/
Zalo