Chuyện chó thả rông: Khổ lắm, nói mãi

Trên địa bàn huyện Định Quán vừa ghi nhận ổ dịch bệnh dại đầu tiên trong năm 2025 và là ổ dịch bệnh dại thứ 6 của Đồng Nai từ đầu năm 2025 đến nay. Phần lớn là do chó thả rông gây ra khiến người dân lo lắng, bức xúc.

Tình trạng chó thả rông, không rọ mõm không chỉ diễn ra ở các vùng nông thôn trong tỉnh mà ngay tại các khu dân cư ở thành phố Biên Hòa tình trạng này cũng khá phổ biến. Trong ảnh: Chó thả rông tại khu dân cư phường Thống Nhất (thành phố Biên Hòa). Ảnh: Kim Liễu

Tình trạng chó thả rông, không rọ mõm không chỉ diễn ra ở các vùng nông thôn trong tỉnh mà ngay tại các khu dân cư ở thành phố Biên Hòa tình trạng này cũng khá phổ biến. Trong ảnh: Chó thả rông tại khu dân cư phường Thống Nhất (thành phố Biên Hòa). Ảnh: Kim Liễu

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là nhiều gia đình nuôi chó, mèo chưa chủ động tiêm vaccine phòng dại cho vật nuôi; người nuôi không chấp hành các quy định về việc nuôi chó, mèo, trong đó phổ biến là thả rông vật nuôi, không đeo rọ mõm cho chó dẫn đến việc chó nhiễm virus dại sẽ đi cắn, truyền virus dại sang những con chó khác.

Báo động bệnh dại

Từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 6 ổ dịch chó dại (huyện Long Thành 4 ổ dịch, huyện Cẩm Mỹ 1 ổ dịch và mới đây tiếp tục xuất 1 ổ dịch tại huyện Định Quán). Đáng lo là trong tháng 1-2025 có 2 người tử vong do bệnh dại (đều ở huyện Long Thành), đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về hệ lụy do sự chủ quan của người dân trong ý thức phòng, chống bệnh dại.

Nhiều ý kiến đề nghị tăng cường xử phạt, tăng mức phạt với hành vi thả rông, không rọ mõm chó để ngăn ngừa bệnh dại.

Các địa phương xuất hiện ổ dịch đang tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại. Tuy nhiên nỗi lo dịch bệnh đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân, nhất là mỗi khi ra đường lại hay bắt gặp chó thả rông, không rọ mõm chạy nhởn nhơ. Trong khi thời tiết đang vào cao điểm nắng nóng, thuận lợi bệnh dại bùng phát ở chó, mèo.

Bà Nguyễn Thị Phước (ngụ xã Phước Thái, huyện Long Thành) chia sẻ: “Theo dõi thông tin về diễn biến bệnh dại trên địa bàn tỉnh, tôi nhận thấy tình hình dịch bệnh dại trên đàn chó đang diễn biến khá phức tạp. Riêng xã Phước Thái đã có 3 ổ dịch. Đáng lo là ngay khi phát hiện cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp dập dịch nhưng ổ dịch mới vẫn xảy ra”.

“Nhiều hộ nuôi chó, nhất là ở các vùng nông thôn đều thả rông, không có rọ mõm. Nếu cơ quan chức năng không tiến hành các biện pháp, chế tài nhằm quản lý các hộ dân nuôi chó, mèo; yêu cầu các hộ dân phải thực hiện nghiêm việc nuôi nhốt chó mèo, đeo rọ mõm cho chó khi đi đường và tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó mèo đầy đủ thì rất khó dập dịch” - bà Phước nói.

Bình luận bên dưới thông tin 2 trẻ em ở Định Quán bị chó dại cắn, Đồng Nai ghi nhận ổ dịch dại thứ 6 kể từ đầu năm được trích dẫn trên Facebook Báo Đồng Nai ngày 10-4, nhiều bạn đọc bày tỏ sự lo ngại trước tình trạng bệnh dại diễn biến phức tạp. “Tình trạng chó thả rông hiện nay khá phổ biến, không chỉ phóng uế bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, mà còn rượt đuổi người đi đường gây nguy cơ tai nạn giao thông hoặc cắn người làm lây bệnh dại. Tình trạng này rất đáng báo động” - tài khoản Song Kim bình luận.

Một số ý kiến còn bày tỏ sự lo ngại trước tình trạng người dân thiếu kiến thức, chủ quan khi bị chó cắn. Như trường hợp bà N.T.N. (76 tuổi, ngụ xã Phước Thái) khi bị chó nhà nuôi cắn và chủ quan không đi tiêm vaccine phòng dại dẫn đến bà bị phát bệnh dại và tử vong. Đáng quan ngại là sau khi con chó cắn bà N. bị đánh chết, thay vì báo chính quyền địa phương xử lý 2 con chó cùng bầy với con chó bị dại, thì gia đình bà N. đã đem thả vào lô cao su, đến nay không rõ tình trạng ra sao. Trong khi nguy cơ 2 con chó cùng bầy được thả đi mắc bệnh dại là rất cao, nếu có phát bệnh lây lan cho các con chó khác hoặc cắn người thì hậu quả khôn lường.

Chủ động phòng ngừa

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Nai, bệnh dại trên đàn chó trên địa bàn tỉnh từ năm 2024 đến nay diễn biến khá phức tạp. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nhiều gia đình nuôi chó, mèo chưa chủ động tiêm vaccine phòng dại cho vật nuôi dẫn đến tỷ lệ đàn chó, mèo được tiêm vaccine còn thấp. Bên cạnh đó, tình trạng chó, mèo thả rông, không đeo rọ mõm vẫn còn khá nhiều nên khi một con chó nhiễm virus dại sẽ đi cắn, truyền virus dại sang những con chó khác.

Người dân tiêm vaccine phòng bệnh dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai.Ảnh: Kim Liễu

Người dân tiêm vaccine phòng bệnh dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai.Ảnh: Kim Liễu

Bác sĩ chuyên khoa I Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC Đồng Nai, cho hay bệnh dại là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, 100% bệnh nhân khi đã lên cơn dại đều sẽ tử vong. Biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn ngừa bệnh dại chính là tiêm huyết thanh kháng dại và vaccine phòng dại. Ngay sau khi bị chó, mèo cào, cắn phải rửa vết thương bằng nước sạch và xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn thông thường. Sau đó, đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hỗ trợ tiêm vaccine, huyết thanh phòng bệnh dại dù bị vết thương nhẹ.

Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dại

Cuối tháng 3-2025, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và khẩn trương tiêm phòng vaccine cho đàn vật nuôi. Theo UBND tỉnh, để chủ động kiểm soát dịch bệnh dại, UBND các huyện, thành phố cần phát động tháng tiêm phòng vaccine dại cho các đàn chó, mèo trên địa bàn, kéo dài từ ngày 30-3 đến 24-4. Kinh phí từ nguồn xã hội hóa.

Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc gia cầm; vận động người chăn nuôi tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi chưa được tiêm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhằm tạo miễn dịch khép kín, hạn chế thiệt hại về kinh tế…

“Có người vẫn còn chủ quan, sau khi bị chó, mèo cắn, liếm vào vết thương thì không đi tiêm vaccine. Mặc khác, còn có tâm lý chó nhà cắn thì không có nguy cơ bị mắc bệnh dại… Sự chủ quan này có thể sẽ phải trả giá rất đắt” - bác sĩ Phúc khuyến cáo.

Theo bác sĩ Phúc, việc áp dụng các biện pháp phòng bệnh cần thiết là cần tiêm phòng bệnh dại định kỳ cho vật nuôi trong nhà. Những người có nguy cơ cao tiếp xúc với bệnh dại cũng cần tiêm vaccine ngừa bệnh dại. Chủ nuôi phải nhốt, xích vật nuôi, khi ra đường cần mang rọ mõm. Đồng thời, cập nhật thông tin cần thiết về phòng, chống bệnh dại; khi phát hiện chó, mèo lạ, có biểu hiện hung dữ, cắn lung tung, hãy báo ngay chính quyền địa phương để được hỗ trợ xử lý, không tự ý đánh chết chó, mèo…

Để xử lý tình trạng chó thả rông, thành phố Biên Hòa đang triển khai thí điểm mô hình bắt chó thả rông tại phường Trảng Dài; đồng thời xử phạt vi phạm hành chính vì thả rông chó, không rọ mõm. Mô hình này đã nhận được sự đồng tình của dư luận trong tỉnh, nhất là trên các diễn đàn mạng xã hội. “Mong sao việc này được thực hiện ở nhiều địa phương trong tỉnh! Có như vậy mới có môi trường sạch sẽ cũng như an toàn tính mạng cho người khác, không sợ bị chó dại cắn truyền bệnh” - tài khoản Facebook Lưu Bùi chia sẻ. Tương tự tài khoản Facebook Nguyễn Nam đề xuất: “Cần phạt nặng chủ nuôi về việc thả rông chó”.

Chuyện chó thả rông truyền bệnh dại sẽ khó xử lý dứt điểm nếu người nuôi, cơ quan chức năng không áp dụng các biện pháp phòng ngừa chủ động, quyết liệt xử lý các trường hợp chủ vật nuôi không chấp hành quy định.

Kim Liễu

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202504/chuyen-cho-tha-rong-kho-lam-noi-mai-038306e/
Zalo