Đi từng ngõ, gõ từng nhà tiêm phòng bệnh dại

Sinh viên ngành Bác sĩ Thú y – Trường Đại học Nông Lâm tham gia chiến dịch tiêm phòng dại vì cộng đồng với phương châm 'đi từng ngõ, gõ từng nhà'.

Ông Phan Văn Mạng cùng một trong 3 con chó mà gia đình nuôi.

Ông Phan Văn Mạng cùng một trong 3 con chó mà gia đình nuôi.

Khoảng 8.500 chó, mèo tại huyện Đức Huệ (tỉnh Long An) sẽ được tiêm ngừa dại trong thời gian từ ngày 19/4 – 26/4.

Chọn nghề vì thương động vật

Là sinh viên năm 4 – ngành Bác sĩ Thú y (Trường Đại học Nông Lâm TPHCM), Phạm Hoàng Quý (SN 2003, quê Hà Tĩnh) quyết định theo học do có sở thích chăm thú cưng từ nhỏ. Tuy nhiên, ở quê không có ngành này nên vào TPHCM học để thỏa đam mê.

“Đây là lần đầu tiên em được tham gia chiến dịch nhưng em cảm thấy rất vui vì có thể thực hành và trao những giá trị tích cực đến cộng đồng, chung tay bảo vệ người và động vật không ảnh hưởng bởi bệnh dại”, Hoàng Quý chia sẻ.

Khác với Quý, không nhận được sự ủng hộ từ gia đình, Trần Vạn Phúc An (SN 2004, huyện Bình Chánh, TPHCM) vẫn quyết tâm chọn học ngành Bác sĩ Thú y. Phúc An quyết tâm như vậy vì từng chứng kiến con chó mình nuôi bị bệnh nhưng không thể cứu.

 Phạm Hoàng Quý (trái) cùng các bạn sinh viên Trường Đại học Nông Lâm TPHCM trong chiến dịch tiêm dại vì cộng đồng năm 2025.

Phạm Hoàng Quý (trái) cùng các bạn sinh viên Trường Đại học Nông Lâm TPHCM trong chiến dịch tiêm dại vì cộng đồng năm 2025.

“Em mong rằng sau khi ra trường có thể cứu sống được tất cả các con vật khi mắc bệnh và đem lại niềm vui cho người nuôi”, Phúc An cho hay.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Lê Quang Thông – Trưởng khoa Chăn nuôi Thú y (Trường Đại học Nông Lâm TPHCM) cho rằng, bệnh dại hoàn toàn có thể kiểm soát và loại trừ nếu có chiến lược tiếp cận bài bản và đồng bộ. Do đó, việc kết hợp giữa tiêm phòng diện rộng, truyền thông giáo dục cộng đồng và giám sát vật nuôi là chìa khóa để tạo ra những thay đổi tích cực về thái độ của người nuôi.

 Ông Trần Đình Lý – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TPHCM.

Ông Trần Đình Lý – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TPHCM.

“Với vai trò là đối tác chuyên môn, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM không chỉ cung cấp kiến thức chuyên sâu mà còn cử 62 sinh viên thú y được đào tạo bài bản và 8 giảng viên tham gia chiến dịch hằng năm. Ngoài nhiệm vụ tiêm phòng, các bạn sinh viên còn tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại và tầm quan trọng của việc tiêm phòng định kỳ cho thú nuôi”, TS Thông cho hay.

Biến tri thức thành hành động, biến trái tim thành cam kết

Ông Trần Đình Lý – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, khẳng định, bệnh dại là một thách thức nghiêm trọng nhưng có thể kiểm soát. Thế nhưng, nếu bị bỏ quên hoặc xem nhẹ, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Chính vì thế, việc tiêm phòng giúp nâng cao nhận thức kiểm soát nguồn lây và hợp tác ba bên giữa nhà trường – địa phương, doanh nghiệp là mô hình hiệu quả, nhân văn và cần được lan tỏa rộng rãi hơn nữa.

Trên cơ sở thành công của chiến dịch, hy vọng bằng những kiến thức mà các bạn sinh viên được đào tạo tại trường có thể cùng các giảng viên cập nhật kiến thức phòng chống bệnh dại một cách gần gũi và dễ hiểu cho cộng đồng địa phương.

“Sau chiến dịch, các em không chỉ giỏi hơn trong chuyên môn mà còn lớn hơn trong trái tim mọi người. Từ đó, sau khi ra trường, các em có thể tiếp tục dùng tri thức, trái tim để phục vụ cộng đồng”, ông Lý nói.

 Các bạn sinh viên ghi chép thông tin người nuôi trước khi thực hiện tiêm ngừa phòng dại.

Các bạn sinh viên ghi chép thông tin người nuôi trước khi thực hiện tiêm ngừa phòng dại.

Được biết, chiến dịch tiêm dại vì cộng đồng được nhiều người dân huyện Đức Huệ (tỉnh Long An) hưởng ứng nhiệt tình. Ông Phan Văn Mạng (SN 1966, Long An) hiện đang nuôi 3 con chó và 2 con mèo. Đợt này, đoàn sinh viên ghé tới nhà tiêm phòng ngừa dại cho tất cả.

“Trước nay, tôi luôn chủ động mua thuốc về tiêm cho vật nuôi trong nhà. Từ ngày có chiến dịch, tôi đỡ chi phí nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho vật nuôi và gia đình”, ông Mạng nói.

Xác định mỗi mũi tiêm phòng không chỉ là hành động bảo vệ vật nuôi mà còn là một bước tiến quan trọng trong hành trình bảo vệ sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam, ông Niklas Birkner - Tổng Giám đốc Công ty Thuốc Thú Y Boehringer Ingelheim Việt Nam nhận định, khi động vật khỏe mạnh, con người cũng khỏe mạnh hơn.

Để loại trừ bệnh dại một cách bền vững, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, từ chính quyền địa phương, các tổ chức chuyên môn, doanh nghiệp đến cộng đồng.

 Sau tiêm mũi phòng dại, các con vật ăn uống, sinh hoạt bình thường.

Sau tiêm mũi phòng dại, các con vật ăn uống, sinh hoạt bình thường.

“Chúng tôi cam kết đem đến những giải pháp y tế tiên tiến, đồng thời không ngừng đồng hành cùng các đối tác để thúc đẩy nhận thức, lan tỏa hành động thiết thực và từng bước hiện thực hóa mục tiêu ‘Không còn ai tử vong vì bệnh dại vào năm 2030’ của Chính phủ”, ông Niklas Birkner nhấn mạnh.

Lâm Ngọc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/di-tung-ngo-go-tung-nha-tiem-phong-benh-dai-post727845.html
Zalo