Chuyển biến trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Để tiếp tục nâng cao ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và các tầng lớp Nhân dân về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), ngày 18-8-2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII) đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về 'Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo VSATTP trên địa bàn tỉnh đến năm 2020' (gọi tắt là Nghị quyết 04). Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 04, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh, chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn được hình thành và nhân rộng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm kiểm tra tại chợ Giáng (Vĩnh Lộc).
Nghị quyết 04 đã đề ra các mục tiêu cụ thể, đó là phấn đấu đến hết năm 2020 thực phẩm được sản xuất, nhập khẩu lưu thông và sử dụng trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng đầy đủ các quy định về VSATTP; 50% trở lên thực phẩm tiêu dùng trên địa bàn tỉnh được cung cấp thông qua các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận; 100% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đáp ứng quy định về điều kiện VSATTP; 100% chợ, cửa hàng kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh đáp ứng các quy định về điều kiện VSATTP; 90% trở lên số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chí VSATTP... Để Nghị quyết 04 đi vào cuộc sống, cấp ủy, chính quyền các cấp và các sở, ban, ngành cấp tỉnh đã tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc nghị quyết đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và các tầng lớp Nhân dân về công tác đảm bảo VSATTP. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu, đi đầu trong thực hiện nghị quyết; phát huy vai trò của các trưởng thôn, bản, khu phố trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia thực hiện công tác đảm bảo VSATTP. Cùng với đó, để có cơ sở cho việc triển khai thực hiện nghị quyết, UBND tỉnh đã xây dựng, ban hành các kế hoạch hành động về triển khai thực hiện nghị quyết, như: xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, giai đoạn 2017-2020; xây dựng các mô hình thí điểm ATTP trên địa bàn tỉnh đến hết năm 2018; xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; tăng cường kiểm soát thực phẩm cung ứng từ ngoài tỉnh vào trong tỉnh đáp ứng quy định về ATTP đến năm 2020... Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh còn ban hành các chỉ thị, quy định về quản lý ATTP; UBND tỉnh tổ chức khai trương phần mềm kết nối cung cầu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn.
Trên cơ sở các kế hoạch của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và địa phương đã ban hành các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, tạo sự thống nhất cao trong quá trình thực hiện. Trong đó, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, công tác đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, kinh nghiệm về công tác VSATTP cho cán bộ, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và các tầng lớp Nhân dân được quan tâm. Đến tháng 9-2020, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức được gần 11.800 lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo về ATTP cho hơn 615.000 lượt cán bộ quản lý ATTP từ cấp tỉnh đến cấp xã, tổ giám sát cộng đồng thôn, bản, phố, tổ giám sát chợ và người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm... Đặc biệt, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tiếp tục duy trì và nhân rộng được gần 960 mô hình “Chi hội phụ nữ tự quản về VSATTP”... Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã hướng dẫn đánh giá các tiêu chí xã ATTP, quy định trách nhiệm quản lý ATTP của ban nông nghiệp xã và tổ giám sát cộng đồng thôn; hướng dẫn đánh giá tiêu chí chợ ATTP; triển khai xây dựng các mô hình chuỗi giá trị sản phẩm an toàn; giết mổ gia súc, gia cầm an toàn; chợ ATTP; cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn; đưa chỉ tiêu về ATTP vào mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương và giao chỉ tiêu về ATTP cho UBND xã, phường, thị trấn... Đồng thời xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ việc quản lý, phát triển sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
Với việc đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện nghị quyết đã tạo được sự chuyển biến toàn diện về công tác đảm bảo VSATTP của các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân đối với công tác đảm bảo VSATTP, nhất là trong việc xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động và cơ chế, chính sách hỗ trợ việc quản lý, phát triển sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Trong đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giai đoạn 2016-2020. Từ năm 2016-2018, UBND tỉnh đã phân bổ trên 37 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh và rau an toàn trong nhà lưới; hỗ trợ 64 tỷ đồng phát triển 23 khu trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung quy mô lớn... Ngoài ra, từ năm 2017-2019, ngân sách các địa phương trong tỉnh cũng đã hỗ trợ cho công tác đảm bảo ATTP trên 43 tỷ đồng (trong đó cấp huyện trên 29,5 tỷ đồng, còn lại là ngân sách cấp xã).
Có thể khẳng định, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, sự vào cuộc của các ngành và sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, bằng các chương trình, hành động cụ thể đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về công tác đảm bảo VSATTP đối với sức khỏe Nhân dân. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo về quản lý VSATTP tỉnh (đến tháng 12-2019) toàn tỉnh đã xây dựng được 783 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; tỷ lệ thực phẩm tiêu dùng được cung ứng qua các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận ước đạt 26,1%; tỷ lệ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đáp ứng quy định về ATTP đạt 68,8%; tỷ lệ bếp ăn tập thể được công nhận ATTP đạt 87,2%; tỷ lệ chợ kinh doanh thực phẩm đáp ứng quy định TCVN 11856:2017 đạt 39,1%; tỷ lệ cửa hàng kinh doanh thực phẩm đáp ứng quy định về ATTP đạt 78,7%; tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí ATTP ước đạt 42,7%...