Chuyện ba người bạn

Buổi họp bạn sau bao nhiêu năm xa trường xa lớp diễn ra thật cảm động, càng xúc động hơn đối với Hải, một người có quê hương thứ hai ở cách nơi này cả nửa vòng trái đất, đã biệt tăm biệt tích quá lâu tưởng chừng không còn trên cõi đời này. Bạn cũ không một ai có tin tức nào về Hải từ sau ngày đất nước thống nhất cho đến ngày anh đột ngột xuất hiện nhờ tình cờ anh đọc được mẩu tin ngắn trên mạng xã hội, mời liên lớp học sinh trường Trung học X. những năm học 1960 họp mặt.

Các bạn vây quanh Hải, anh siết chặt tay từng bạn, ấp úng xin lỗi những người từng là bạn cũ mà anh không nhớ tên. Một người phụ nữ vóc dáng đẫy đà dang rộng vòng tay như muốn ôm choàng Hải, lặp lại câu hỏi:

- Ông nhớ tôi không?

Hải hơi lùi về phía sau, nhíu mắt nhìn bạn, ngượng ngùng lục lọi trí nhớ nhưng không có cái tên nào bật ra từ ký ức.

- Nhi đây! Nhi yểu điệu đây!

Trời ui! Ngày xưa, Nhi thanh mảnh, dịu dàng lắm sao mà bây giờ… đồ sộ thế này. Hải nhớ ra rồi, Nhi nhí nhảnh ngồi đầu bàn của bàn đầu giữa hai dãy bàn trong lớp, có lần không biết vô tình hay cố ý, cô đã xoạc chân làm anh chúi nhủi khi anh đi lên bảng giải bài toán khó. Hải tiếc ngày đó anh khờ khạo quá, chưa biết thầm yêu các bạn gái nên không bóng hồng nào in dấu sâu đậm trong ký ức.

Dù sao, những người bạn cũ, cả trai và gái, của quãng đời học sinh hoa mộng bao giờ cũng dệt nên gam màu rực rỡ và tươi sáng nhất của đời người. Trong đám bạn trai cũ, Hải nhớ nhiều nhất là Hùng và Tuấn. Những năm đầu tiên xa quê hương, Hải cố gắng dò tìm tung tích hai người bạn rất thân này nhưng vô vọng.

*

Không biết bao lần Hải lặp lại câu:

- Năm mươi năm rồi mới được gặp nhau, may mà cả ba thằng chưa thằng nào đi chầu ông bà.

Sáng nay, ba người bạn vừa ngồi xuống bàn cà phê của một quán bình dân bên rìa làng biển, quê của Hùng; Hải lại nhắc:

- Chớp mắt mà đã nửa thế kỷ rồi sao? Thật lẹ…

Nửa thế kỷ trước, ba người bạn thân chung lớp suốt những năm học trung học. Tuấn quê ở một làng ruộng rẫy, Hùng ở làng biển, còn Hải sống ở ngay thị xã Phan Thiết. Hoàn cảnh mỗi bạn khác nhau nhưng tình bạn thắm thiết và bền vững không gì chia cắt được.

Một lần trong giờ học, Tuấn săm soi mãi tờ lịch có một mặt giấy trắng mà Hải dùng làm giấy nháp. Tờ lịch này ngoài ngày tháng như bao tờ lịch trong các cuốn lịch khác, còn có phần quảng cáo tên thuốc, các loại biệt dược và công dụng điều trị bệnh. Tuấn dò hỏi, biết Hải có cuốn lịch mà tờ lịch mỗi ngày đều quảng cáo một loại thuốc tây điều trị bệnh nên xin bạn mỗi ngày xé cho mình một tờ lịch. Hải không hỏi lý do bạn cần tờ lịch, còn Tuấn cà rỡn:

- Tao định học ngành dược.

Cả trường bàng hoàng nghe tin “Dược sĩ” Tuấn bị cảnh sát bắt giam vì mua thuốc tây tiếp tế cho du kích.

Thì ra, Tuấn đọc công dụng của thuốc trên tờ lịch, đặc biệt là các loại thuốc trụ sinh. Những vỉ thuốc trụ sinh để uống hay lọ trụ sinh để chích, rồi các loại thuốc trị cảm cúm, Tuấn khéo léo giấu trên chiếc xe đạp hàng ngày đến trường của mình, ví như giấu trong ruột ghi đông xe đạp để qua mắt lính canh ở trạm cuối thị xã. Tuấn mang hàng an toàn về đến nhà, sau đó sẽ có người chuyển thuốc đến nơi cần. Vì Tuấn mua thuốc trụ sinh thường xuyên nên bị cảnh sát chìm theo đến tận nhà, lục soát và bắt giữ cùng tang vật.

Từ mùa hè đó, ba người bạn xẻ đàn tan nghé. Tuấn ở tù vào giữa năm học lớp Đệ Nhất, chỉ vài tháng nữa là thi tốt nghiệp bậc Trung học. Hải vào Sài Gòn tiếp tục học lên đại học, còn Hùng rớt kỳ thi Tú tài 2, phải trình diện Trường Bộ binh Thủ Đức.

Nhìn từng dợn sóng lóa nắng kéo vào bờ, Hùng thắc mắc:

- Tuấn này, bao năm nay tao muốn hỏi mày một câu mà không có dịp…

- Bây giờ mày hỏi đi! Chuyện gì mà ấp ủ mấy chục năm dữ vậy?

Tuấn ngạc nhiên. Hùng lục lọi ký ức:

- Vào khoảng đầu năm 1975, ăn tết xong, mày đi đâu mất tiêu mà tao tới gác trọ của mày ở chợ Bàn Cờ cả chục lần không gặp. Bà chủ nhà nói mày bỏ lại cái rương quần áo rồi đi biệt tích, bả còn nhờ tao có gặp mày thì lấy giùm một tháng tiền nhà mà mày còn nợ. Nghe vậy, tao móc túi trả luôn tiền mày nợ nhưng không lấy cái rương.

Tuấn chưa kịp trả lời, Hải đã láu táu:

- Tao không đến nhà mà đi ra chợ giả đò mua thịt heo, hỏi người bạn gái bán thịt heo của mày, chị nói mày chê chỉ không xứng đôi nên bỏ đi rồi. Tao về quê tới nhà hỏi ba mày thì ông lại nói mày còn ở Sài Gòn. Tao hết biết…

Tuấn khuấy nhẹ tách cà phê, chậm rãi để cuốn phim dĩ vãng hiện lên những hình ảnh thân thương của một thời.

Tuấn bị giam giữ 6 tháng thì được thả, rồi xài giấy tờ giả, vào Sài Gòn học nghề may với một người bà con. Căn gác trọ Tuấn thuê ở khu chợ Bàn Cờ là nơi mà Hải và Hùng thường lui tới vào những ngày chủ nhật Hùng được nghỉ phép của quân trường; còn Hải đến thường xuyên hơn vì… trốn học. Cả ba người bạn lại có dịp bù khú như những ngày còn ở quê nhà.

Tuấn thường đi giao hàng may cho các sạp bán quần áo trong chợ Bàn Cờ và quen với một người bạn gái bán thịt heo. Biết là mấy chàng trai xa nhà không thong thả tiền túi nên bạn gái này thường tặng thịt và rau cải để ba chàng xào nấu.

Sát vách căn gác của Tuấn thuê là quán cà phê có mấy cô gái chạy bàn. Dưới nhà là quán, còn các cô ở trên gác, loại gác vách ván, người ở gác bên này nói chuyện, người ở gác bên kia nghe rõ mồn một. Những miếng ván ghép làm vách không mấy bằng phẳng, các kẽ ván lồi lõm, có chỗ đút lọt cả ngón tay. Những miếng giấy dán giữa các kẽ ván nhiều chỗ đã bung hồ tróc giấy.

Sài Gòn quanh năm nóng nực. Những căn gác lợp tôn trong khu chợ đông đúc càng nóng nực vì không thông thoáng. Buổi trưa quán cà phê vắng khách, mấy cô gái chạy bàn thường tranh thủ tắm rửa, thay quần áo.

Tuấn đùa với Việt kiều Hải:

- Giờ thì tao biết vì sao mày hay trốn học để tới chơi với tao rồi…

Một trưa chỉ có mình Hải trên căn gác thì xảy ra sự việc làm náo động cả khu chợ. Một cô chạy bàn của quán cà phê phát hiện có đôi mắt nhìn cô thay quần áo qua kẽ ván. Cô la toáng lên làm kẻ nhìn trộm chạy trốn. Bà chủ quán báo cho chốt cảnh sát của khu chợ.

Tuấn đi giao hàng về gần nhà thì người bạn bán thịt heo hốt hoảng chận anh lại.

- Cảnh sát đang lục soát căn gác anh ở. Anh khoan hãy về…

Tuấn không hiểu rõ sự tình nhưng anh vội lách sang ngõ khác, không kịp cám ơn người báo tin. Tuấn tiết lộ:

- Lúc đó, tao nghĩ là hoạt động nội thành của mình bị lộ và cảnh sát lục soát tìm truyền đơn tao cất giấu trên gác chưa kịp phân phát nên dọt lẹ tới nhà một cơ sở. Rồi tới ngày cách mạng đánh chiếm Ban Mê Thuột, tao về nhà và vô căn cứ luôn.

Hải rụt rè:

- Sau đó, mày có vào chợ Bàn Cờ tìm người bạn bán thịt heo để cám ơn không?

Tuấn chùng giọng, bùi ngùi:

- Đến cuối năm 76, tao mới có dịp đi Sài Gòn, tao đến chỗ cũ thì dãy căn gác lợp tôn đó đã bị tháo dỡ. Tao hỏi thăm mấy người nhưng họ không biết cô bán thịt vì các sạp thịt cũng không còn…

Ba người bạn lặng lẽ nhìn mặt biển trải phẳng lung linh ánh nắng. Con tàu cao tốc chở du khách từ đảo xa tiến vào cảng kéo một hồi còi dài lanh lảnh.

Hùng tâm sự:

- Mấy năm đầu sau tháng 4 năm 1975 tao vất vả lắm nhưng rồi cũng qua. Chúng ta ai cũng có quá khứ và không quên quá khứ của mình nhưng không ai có thể sống tách biệt với mọi người; để tồn tại tất cả phải hòa nhập và hợp tác để có cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn, dẹp bỏ những rào cản, thành kiến…

Tuấn siết chặt bàn tay Hùng, thông cảm với ưu tư của bạn. Phần Tuấn, hơn chục năm nay anh về hưu, sống thanh nhàn ở quê nhà. Tuấn tham gia công tác cách mạng ngay ngày đầu hòa bình về trên quê hương, rồi nhận nhiệm vụ cao hơn ở huyện. Còn Hải theo gia đình di tản và định cư ở nước ngoài. Hải ngập ngừng:

- … Hình như cô chạy bàn quán cà phê theo dõi tao từ lâu. Trưa đó, nó biết tao thế nào cũng rình coi thay đồ nên thủ sẵn một chiếc đũa. Tao vừa ghé mắt vào khe ván, nó thọc chiếc đũa suýt trúng mắt tao rồi la làng. Tao dọt xuống cầu thang chạy ra đường suýt tông bà chủ nhà.

Người phục vụ đang châm thêm nước vào bình trà, ngạc nhiên dừng tay nhìn ba lão già cười rũ rượi…

Dứt trận cười, Hải nghiêm túc, một sự nghiêm túc hiếm gặp của một người hay cà rỡn, nói với hai bạn:

- Gia đình con cháu tao ở nước ngoài đã ổn định. Vợ chồng tao về nước cả tháng nay, đã đi nhiều nơi xem xét và quyết định sẽ làm thủ tục về nước sinh sống lâu dài nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

TRUYỆN NGẮN CỦA HỒ VIỆT KHUÊ

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/chuyen-ba-nguoi-ban-129887.html
Zalo