Chương trình 1719 'bám rễ' trên đất Sơn Hòa
Sơn Hòa là một trong những địa phương được đánh giá cao trong việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Từ nguồn vốn này, địa phương tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, các công trình thiết yếu, nhà ở, đất ở, hỗ trợ phát triển sản xuất… Nhờ vậy, đời sống đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện ngày càng được nâng cao; diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi cũng có nhiều đổi thay tích cực.
Phát huy hiệu quả chính sách dân tộc
Xác định công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, huyện Sơn Hòa nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình 1719) nhằm chăm lo đời sống người dân trên địa bàn.
Theo Phòng Dân tộc huyện Sơn Hòa, thực hiện Chương trình 1719 giai đoạn 2021-2025, huyện được phân bổ 159,29 tỉ đồng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương. Về nguồn vốn sự nghiệp, giai đoạn từ 2022-2024, tổng vốn được phân bổ trên địa bàn huyện Sơn Hòa là 117,9 tỉ đồng. Tổng vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương thực hiện các dự án, tiểu dự án là 105,8 tỉ đồng. Đến nay, tổng vốn ngân sách trung ương đã giải ngân 100,6 tỉ đồng, đạt 45,7%. Trong đó, vốn đầu tư giải ngân được 88,1 tỉ đồng, đạt 77,1%; vốn sự nghiệp giải ngân 12,4 tỉ đồng, đạt 11,7%. Các dự án, tiểu dự án đã được địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai nhằm phục vụ đời sống người dân miền núi.
Tiêu biểu, thực hiện Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, huyện Sơn Hòa đã xây dựng nhà ở cho 286 hộ nghèo; cải tạo đất sản xuất cho 6 hộ; sửa chữa 5 công trình nước sinh hoạt tập trung. Đến cuối năm 2024, 231 nhà ở đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng, đã giải ngân trên 10 tỉ đồng.
Đối với Dự án 2 về quy hoạch sắp xếp bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết, huyện đã ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật nhằm cải thiện điều kiện sống của người dân. Một số công trình tiêu biểu như: 4 công trình khu bố trí dân cư; khoan 2 giếng nước, lắp đặt máy bơm nước, bể chứa nước sử dụng tập trung tại xã Phước Tân; kè chống xói lở khu dãn dân, hệ thống cấp nước sinh hoạt, điện sinh hoạt tại xã Suối Trai; công trình hạ tầng kỹ thuật khu dân cư thôn Tân Hòa (xã Sơn Phước) và hạ tầng kỹ thuật thôn Ma Nhe (xã Cà Lúi)…
Với Tiểu dự án 1, Dự án 4 và đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, địa phương đã triển khai thực hiện 111 công trình đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng, giao thông tại các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi của huyện.
Thay đổi toàn diện
Theo UBND huyện Sơn Hòa, những năm qua, Chương trình 1719 đã góp phần đáng kể trong việc kéo giảm tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện. Đến cuối năm 2024, thu nhập bình quân của người DTTS tăng gần 2 lần so với năm 2020. Tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm 3,6%. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được rải nhựa hoặc bê tông, 94,5% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. 100% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố. 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. 100% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...
Về văn hóa, huyện Sơn Hòa đã thực hiện hiệu quả việc bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Tình hình an ninh chính trị, TTATXH vùng đồng bào DTTS cơ bản ổn định. Công tác phòng ngừa tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật tại khu dân cư được duy trì hiệu quả; nhận thức của đồng bào các DTTS trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được nâng cao.
Địa phương cũng chú trọng tổchức vận động già làng, trưởng thôn, người coúy tín phát huy vai trò đầu tàu gương mẫu; chủ động nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp và những vấn đề bức xúc trong Nhân dân, nhất là các vấn đề có liên quan đến dân tộc, tôn giáo; không để xảy ra điểm nóng trên địa bàn.
Già làng Ma Ló, người có uy tín ở thôn Ma Lăng, xã Cà Lúi, cho biết: Trước đây, Cà Lúi là một xã vùng sâu vùng xa; cơ sở hạ tầng hầu như không cógì, việc đi lại cũng rất khó khăn, trắc trở. Từ khi được Nhà nước quan tâm đầu tư, Cà Lúi đã đổi thay từng ngày, đời sống của bà con cũng cải thiện rất nhiều. Đặc biệt mấy năm nay, khi Chương trình 1719 được triển khai với rất nhiều chính sách chăm lo đời sống, hỗ trợ xây dựng nhà ở, phát triển kinh tế một cách toàn diện, bà con ai nấy đều vui mừng, phấn khởi và một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Sẵn sàng cho giai đoạn mới
Ông Sô Minh Chiến, PhóChủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết: Huyện có hơn 22.200 người đồng bào DTTS, chiếm 37,1% dân số, điều kiện sống của bà con còn rất khó khăn. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã huy động mọi nguồn lực nhằm đầu tư, phát triển vùng đồng bào DTTS.
Đặc biệt, khi Chương trình 1719 được triển khai, huyện Sơn Hòa quán triệt các đơn vị, địa phương dồn lực thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án của chương trình. Các địa phương cũng đã chủ động, linh hoạt trong việc phân bổ kế hoạch, điều hành ngân sách thực hiện các dự án, tiểu dự án trong điều kiện còn nhiều khó khăn về nguồn lực. Đến nay, việc giải ngân nguồn vốn cũng đã đạt được mốt số kết quả khả quan. Nhờ vậy, kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS và miền núi ngày càng phát triển; nhiều công trình giao thông, thủy lợi, cấp điện, cấp nước sinh hoạt... được đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, cải thiện bộ mặt nông thôn miền núi, đặc biệt là các vùng đặc biệt khókhăn trên địa bàn.
Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình 1719 trên địa bàn huyện vẫn còn tồn tại một số hạn chế do tập quán sản xuất của đồng bào DTTS ở một số vùng còn thô sơ; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, quy mô sản xuất còn mức nhỏ lẻ; đời sống nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn. Tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo tuy có giảm nhưng vẫn còn cao, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo lớn.
Đểhoàn thành mục tiêu Chương trình 1719 trong năm 2025 và sẵn sàng cho giai đoạn 2026-2030, huyện Sơn Hòa tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết 120 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình 1719 giai đoạn 2021-2030. Từ nguồn vốn ngân sách trung ương thực hiện chương trình giữ vai trò chủ đạo, địa phương sẽ chủ động bố trí nguồn vốn đối ứng đảm bảo theo quy định và huy động tối đa sự tham gia đóng góp của người dân trên địa bàn theo nguyên tắc tự giác, tự nguyện, công khai, minh bạch và đa dạng hình thức huy động. Bên cạnh đó, Sơn Hòa cũng đề xuất với tỉnh sớm hướng dẫn tháo gỡ một số vướng mắc về cơ chế chính sách để đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án, tiểu dự án vẫn đang gặp khó khăn, vướng mắc, gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn như Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 5, Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 10…
Năm 2025, huyện Sơn Hòa đặt mục tiêu tiếp tục phát triển KT-XH trên địa bàn một cách toàn diện, bền vững; đẩy mạnh giảm nghèo vùng DTTS, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các địa phương; giảm dần vùng đặc biệt khó khăn, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS; củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo ổn định AN-QP…
Ông Sô Minh Chiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa