Các mốc tiến độ để sớm khởi công Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam

Ngành Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục nỗ lực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai, đáp ứng tiến độ yêu cầu Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam.

Một tuyến đường sắt tốc độ cao tại Trung Quốc. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Một tuyến đường sắt tốc độ cao tại Trung Quốc. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam đang được Bộ Giao thông Vận tải đề ra các mốc tiến độ chi tiết, cụ thể nhằm sớm khởi công siêu dự án này vào cuối năm 2027.

Hai nhóm nhiệm vụ trọng tâm

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là dự án có quy mô, nhu cầu nguồn lực về vốn và tài nguyên rất lớn; phạm vi trải dài khoảng 1.541km, đi qua 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ Thủ đô Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh), áp dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, tích hợp nhiều chuyên ngành và là dự án đường sắt tốc độ cao đầu tiên triển khai tại Việt Nam trong điều kiện, bối cảnh nguồn nhân lực, trình độ phát triển công nghiệp đường sắt trong nước chưa cao, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan để triển khai thực hiện dự án còn chưa đầy đủ, các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt được Quốc hội cho phép thực hiện dự án liên quan đến lĩnh vực quản lý của nhiều bộ, ngành, địa phương, có ảnh hưởng lớn đến tiến độ và các yêu cầu để triển khai thực hiện dự án.

Người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải thừa nhận đây cũng là khó khăn, thách thức rất lớn đối với Bộ Giao thông Vận tải, cần sự vào cuộc quyết liệt với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng để trình Chính phủ ban hành nghị quyết chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, gắn với các mốc thời gian hoàn thành cụ thể để phấn đấu khởi công dự án vào cuối năm 2027, trong đó tập trung thực hiện 2 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

 Sẽ có nhiều cơ chế đặc thù để triển khai Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sẽ có nhiều cơ chế đặc thù để triển khai Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quy định chi tiết nội dung, trình tự, thủ tục, thẩm quyền để triển khai một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt được Quốc hội cho phép áp dụng cho dự án.

Trong 19 cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt được Quốc hội cho phép áp dụng để triển khai dự án (tại Điều 3 Nghị quyết số 172/2024/QH15), một số chính sách quan trọng cần được nghiên cứu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn để có đủ cơ sở, hành lang pháp lý triển khai thực hiện. Bộ Giao thông Vận tải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, trước mắt và cần được các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện ngay.

Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương có liên quan nghiên cứu, xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu để thực hiện dự án.

Chi tiết các mốc tiến độ dự án

Theo đại diện Bộ Giao thông Vận, đơn vị này sẽ tải triển khai tổ chức thực hiện các công việc của dự án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án đầu tư; tổ chức lựa chọn nhà thầu; thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật và chuẩn bị nguồn vật liệu để đủ điều kiện khởi công dự án vào cuối năm 2027.

Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các công việc chính với các mốc tiến độ từ năm 2025, tổ chức lựa chọn các nhà thầu tư vấn để thực hiện công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi và thực hiện các công việc liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu khả thi trong quý 4/2026.

 Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu khởi công Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam vào cuối năm 2027. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu khởi công Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam vào cuối năm 2027. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Hội đồng thẩm định Nhà nước tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cuối quý 1/2027.

Từ năm 2025, các địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời công trình đường điện bị ảnh hưởng bởi dự án, cơ bản hoàn thành trong năm 2027 để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công xây dựng.

Bộ Giao thông Vận tải tổ chức lựa chọn nhà thầu giai đoạn thực hiện dự án, ký kết hợp đồng và đảm bảo các điều kiện để khởi công xây dựng trong quý 4/2027.

Để hoàn thành các nhiệm vụ chính trị quan trọng nêu trên cần được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Đảng, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ, hỗ trợ của toàn thể Nhân dân vùng dự án, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh khẳng định tập thể cán bộ, công chức và người lãnh đạo toàn ngành Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng hết sức mình, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai, đáp ứng tiến độ yêu cầu./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/cac-moc-tien-do-de-som-khoi-cong-du-an-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-post1010388.vnp
Zalo