'Chướng ngại vật' nào đang cản trở tài chính xanh?
Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh bình quân đạt hơn 21,2%/năm trong giai đoạn 2017-2024, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý vẫn chưa đồng bộ và hoàn thiện là rào cản đối với phát triển thị trường tài chính xanh ở Việt Nam.
Tại tọa đàm “Hoàn thiện khung pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) liên quan đến tài chính xanh” ngày 15/7, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước - cho biết, đến cuối tháng 3 năm nay, dư nợ tín dụng xanh đạt trên 700.000 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cuối năm 2024, chiếm tỷ trọng 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Theo bà Tùng, tín dụng xanh tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 37%) và nông nghiệp xanh (trên 29%). Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh bình quân đạt hơn 21,2%/năm trong giai đoạn 2017-2024, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế.
Bên cạnh kết quả tích cực đã đạt được, bà Tùng đánh giá hoạt động tín dụng xanh còn gặp một số khó khăn như thể chế, chính sách đầu tư cho tăng trưởng xanh, cơ chế hỗ trợ chuyển đổi xanh đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước.
Bà Tùng cho hay, việc huy động nguồn vốn đầu tư cho các dự án, lĩnh vực xanh trong nước và trên thị trường quốc tế còn gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng từ tình hình bất ổn về kinh tế - chính trị, lãi suất vay bằng USD thời gian qua được duy trì ở mức cao.
"Đầu tư cho các dự án xanh đòi hỏi nguồn vốn lớn, năng lực thẩm định các yếu tố kỹ thuật môi trường chuyên ngành, do vậy các tổ chức tín dụng sẽ phát sinh thêm chi phí đầu tư. Doanh nghiệp và nhà đầu tư nhận thức tầm quan trọng của thị trường tài chính xanh chưa đồng đều, dẫn đến mức độ quan tâm của khách hàng đối với các sản phẩm huy động, sản phẩm tín dụng tài chính xanh chưa cao...", bà Tùng nói.
TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - thông tin, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động công bố sổ tay hướng dẫn hệ thống quản lý rủi ro môi trường - xã hội (ESMS) trong hoạt động cấp tín dụng. Các tổ chức tín dụng đã xác định vai trò quan trọng của nguồn vốn tín dụng trong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia và tập trung đầu tư vốn trong lĩnh vực tài chính xanh.
Trong 10 năm trở lại đây, ngành ngân hàng đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực về tăng trưởng xanh. Bản thân chính các tổ chức tín dụng cũng thực hiện rất nghiêm túc việc xanh hóa, giảm phát thải trong quá trình hoạt động của mình. Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng, quá trình triển khai phát triển thị trường tài chính xanh ở Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều rào cản. Một trong những rào cản, thách thức lớn nhất hiện nay là khuôn khổ pháp lý vẫn chưa thật sự đồng bộ và hoàn thiện.
Ông Trần Phương - Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cho rằng, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh phải thực hiện nhiều giải pháp. Ngành ngân hàng phải xây dựng được chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030 theo định hướng, kế hoạch của ngành ngân hàng; chủ động xây dựng chính sách kiểm soát, hạn chế dần việc cấp tín dụng với các ngành phát thải cao; có cơ chế ưu đãi về lãi suất, tài sản bảo đảm, tỷ giá, dịch vụ tài chính để tăng tỷ trọng dư nợ cho lĩnh vực tín dụng xanh...