Giữ ưu đãi thuế môi trường với xăng dầu đến 2026: Giảm gánh nặng

Xét về tác động đến giá cả, xăng dầu hiện chiếm khoảng 3,59% trong rổ hàng hóa tính CPI, theo Tổng cục Thống kê.

Bộ Tài chính đề xuất kéo dài chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đến hết năm 2026. Ảnh minh họa: INT

Bộ Tài chính đề xuất kéo dài chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đến hết năm 2026. Ảnh minh họa: INT

Bộ Tài chính vừa đề xuất kéo dài chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đến hết năm 2026 nhằm hỗ trợ ổn định giá nhiên liệu trong nước, giảm áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tiếp tục thúc đẩy sự phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Việc duy trì ưu đãi thuế này được kỳ vọng giúp kiểm soát lạm phát, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân thích ứng trong bối cảnh nhiều biến động về giá cả trên thị trường thế giới.

Hỗ trợ điều hành giá, kiểm soát lạm phát

Từ tháng 4/2022, Việt Nam đã thực hiện giảm sâu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu nhằm “hạ nhiệt” chi phí nhiên liệu giữa lúc giá thế giới biến động mạnh. Giữa năm 2025, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất kéo dài chính sách ưu đãi này thêm một năm, tức đến hết 2026 để hỗ trợ điều hành giá, kiểm soát lạm phát và tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.

Theo đề xuất, thuế bảo vệ môi trường sẽ duy trì ở mức 2.000 đồng/lít xăng (trừ etanol); 1.000 đồng/lít đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn; 600 đồng/lít dầu hỏa và 1.000 đồng/kg mỡ nhờn. Riêng đối với nhiên liệu bay, thuế bảo vệ môi trường năm 2026 sẽ được áp dụng ở mức 2.000 đồng/lít, thấp hơn 1.000 đồng so với mức trần quy định hiện hành (3.000 đồng/lít).

So với thời điểm chưa giảm thuế, mức giảm này giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể chi phí đầu vào, nhất là với các ngành tiêu thụ nhiều nhiên liệu như vận tải, logistics, hàng không… Theo nhận định từ Bộ Tài chính, trong bối cảnh giá dầu thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro địa chính trị và nguồn cung, việc duy trì ưu đãi thuế là cần thiết để ổn định mặt bằng giá trong nước, tránh tạo cú sốc lan rộng tới chi phí sản xuất và tiêu dùng.

Giới chuyên gia cũng nhìn nhận đây là phương án hợp lý để duy trì ổn định vĩ mô, nhất là trong giai đoạn nền kinh tế đang tăng trưởng chậm, sức mua yếu và doanh nghiệp chưa hồi phục hoàn toàn sau đại dịch.

Xét về tác động đến giá cả, xăng dầu hiện chiếm khoảng 3,59% trong rổ hàng hóa tính CPI, theo Tổng cục Thống kê. Do đó, mỗi lần giá nhiên liệu tăng 10% có thể khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thêm khoảng 0,36 điểm phần trăm. Thực tế, trong 6 tháng đầu năm 2025, CPI đã tăng 3,5%, và nếu giá nhiên liệu thế giới tiếp tục biến động mạnh trong quý IV, CPI hoàn toàn có thể vượt ngưỡng 4%. Vì vậy, việc duy trì chính sách giảm thuế với xăng dầu đang đóng vai trò như một “van giảm áp” giúp kiềm chế lạm phát.

Đặc biệt đối với ngành hàng không, sau nhiều năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, ngành hàng không bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ trong năm 2025. Sự khôi phục của ngành không chỉ phản ánh nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa tăng cao, mà còn đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kết nối giao thương trong nước và quốc tế.

Theo số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam, trong quý I năm 2025, tổng lượng vận chuyển hành khách qua các cảng hàng không đạt hơn 20,7 triệu lượt, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2024. Vận tải hàng hóa cũng tăng trưởng với khối lượng đạt 329.000 tấn, tăng 12,4%. Cả thị trường quốc tế và nội địa đều ghi nhận mức tăng trưởng dương so với thời kỳ trước đại dịch Covid-19. Vận chuyển quốc tế tăng 11% và vận chuyển nội địa tăng 5,8%.

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành hàng không cũng thể hiện xu hướng tích cực. Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), doanh thu đạt 21.466 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 11.981 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2023. Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cũng ghi nhận doanh thu khoảng 4.283 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.315 tỷ đồng, tăng 23,5% so với năm trước.

Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường 2.000 đồng một lít đối với nhiên liệu bay trong năm 2026, nhằm tiếp tục hỗ trợ sự phục hồi của ngành hàng không nhưng vẫn đảm bảo sự công bằng với các ngành vận tải khác như đường bộ và đường sắt.

Tiến tới chính sách thuế xanh bền vững

Theo kế hoạch, kể từ ngày 1/1/2027, mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu sẽ được điều chỉnh trở lại về mức trần theo quy định hiện hành. Cụ thể, mức thuế bảo vệ môi trường sẽ là 4.000 đồng mỗi lít đối với xăng (trừ etanol), 3.000 đồng mỗi lít đối với nhiên liệu bay, 2.000 đồng mỗi lít đối với dầu diesel, dầu mazut và dầu nhờn, 1.000 đồng mỗi lít đối với dầu hỏa và 2.000 đồng mỗi kg đối với mỡ nhờn.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính khẳng định, việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ được thực hiện một cách có lộ trình, thay vì áp dụng ngay mức thuế trần trên toàn quốc từ đầu năm 2027. Điều này nhằm tránh gây sốc cho thị trường nhiên liệu cũng như chi phí sản xuất, vận tải, từ đó giúp duy trì sự ổn định giá cả hàng hóa và dịch vụ trên thị trường.

Đồng thời, việc áp dụng lộ trình tăng thuế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp có thời gian thích ứng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất - kinh doanh, hạn chế những tác động tiêu cực đột ngột.

Nhìn chung, việc kéo dài chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đến hết năm 2026 được các chuyên gia đánh giá là một giải pháp hiệu quả để cân bằng giữa các mục tiêu trọng yếu của nền kinh tế hiện nay: Kiểm soát lạm phát, ổn định giá cả thị trường, đồng thời hỗ trợ quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế sau đại dịch. Đây cũng là cách để bảo đảm sự ổn định tài chính quốc gia trong bối cảnh nhiều biến động kinh tế trong và ngoài nước.

Nhìn nhận chung từ các chuyên gia kinh tế cho thấy, việc chuẩn bị lộ trình tăng thuế bảo vệ môi trường từ năm 2027 là bước đi cần thiết để hướng đến một chính sách thuế bền vững, công bằng và phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Lộ trình này sẽ góp phần giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế xanh, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường sống cho các thế hệ tương lai.

Hà Trang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giu-uu-dai-thue-moi-truong-voi-xang-dau-den-2026-giam-ganh-nang-post739925.html
Zalo