Hướng dòng vốn ngân hàng vào những lĩnh vực ưu tiên

Kết quả tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2025 đạt gần 14%, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây, cho thấy vai trò quan trọng của ngành Ngân hàng trong việc hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng và đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã chủ động giảm lãi suất huy động và cho vay, tập trung vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, góp phần quan trọng phát triển kinh tế. Ảnh T.L

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã chủ động giảm lãi suất huy động và cho vay, tập trung vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, góp phần quan trọng phát triển kinh tế. Ảnh T.L

Trong bối cảnh nền kinh tế đang cần thêm động lực phục hồi và phát triển, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã chủ động mở rộng tín dụng, giảm lãi suất cho vay, đẩy mạnh kết nối với doanh nghiệp và tập trung vốn vào các lĩnh vực ưu tiên.

Năm 2025, định hướng tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt từ 15% trở lên đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Khu vực 5 triển khai đồng bộ ngay từ đầu năm. Thông qua việc chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tổ chức nhiều cuộc đối thoại, kết nối với doanh nghiệp, đảm bảo cung ứng kịp thời nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đầu tư.

Ông Lê Quang Huy, Giám đốc NHNN Khu vực 5, nhấn mạnh: Ngay sau khi đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025 với địa bàn 3 tỉnh (Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn), chúng tôi đã nhanh chóng ổn định bộ máy, đảm bảo không gián đoạn hoạt động trong bối cảnh sáp nhập tỉnh. Việc duy trì đà tăng trưởng tín dụng gắn với định hướng kinh tế của địa phương là nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành. Chúng tôi đặc biệt chú trọng tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu và an sinh xã hội.

Tính đến ngày 30/6/2025, dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt 152.584 tỷ đồng, tăng 13,89% so với cuối năm 2024, cao hơn mức tăng trung bình toàn quốc (9,9%) và là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt 144.697 tỷ đồng, tăng 7,5%.

Các TCTD đã chủ động giảm lãi suất huy động và cho vay; trung bình lãi suất cho vay giao dịch mới đạt 6,85%/năm, giảm 0,08% so với cuối năm 2024. Trong đó, các TCTD tập trung vào lĩnh vực ưu tiên, các chương trình xã hội.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2025, các TCTD cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) dư nợ đạt 24.674 tỷ đồng, chiếm 16,17% tổng dư nợ toàn địa bàn, với 1.972 doanh nghiệp còn dư nợ. Cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn dư nợ đạt 35.752 tỷ đồng, tăng 5,7%, chiếm 23,43% tổng dư nợ, phục vụ hơn 239.000 khách hàng.

Ngành Ngân hàng tập trung cho vay các khách hàng phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Ngành Ngân hàng tập trung cho vay các khách hàng phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Đối với cho vay nhà ở xã hội, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội - Chi nhánh Thái Nguyên đã giải ngân 74,2 tỷ đồng cho Dự án Đại Thắng, 17,4 tỷ đồng cho 51 khách hàng mua nhà. Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay theo Nghị định số 100/2024/NĐ-CP là 31 tỷ đồng, dư nợ đạt 143 tỷ đồng, với 422 khách hàng.

Ông Lê Văn Hồng, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Nguyên, chia sẻ: Nguồn vốn tín dụng chính sách đã và đang phủ đổ toàn diện nhiều chương trình trọng tâm như nhà ở xã hội, cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số... Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để triển khai nhanh chóng, hiệu quả nguồn vốn đã được giao. Đặc biệt, tín dụng chính sách đang trở thành một trong những giải pháp then chốt đảm bảo an sinh xã hội trong vùng sáp nhập.

Bên cạnh những kết quả tích cực, quy mô mạng lưới ngân hàng tiếp tục duy trì tại các địa bàn như hiện nay, đang trong quá trình sắp xếp, cơ cấu lại theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam và Hội sở chính.

Tuy nhiên, đối với các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn phía Bắc tỉnh Thái Nguyên (tỉnh Bắc Kạn cũ), số lượng, giá trị giao dịch có xu hướng bị thu hẹp do giảm khối lượng khách hàng và các hoạt động kinh tế trên địa bàn; giá trị tài sản thế chấp (nhất là bất động sản) có xu hướng giảm, phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.

Trong 6 tháng cuối năm 2025, NHNN Khu vực 5 xác định tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; phấn đấu tăng trưởng tín dụng toàn tỉnh đạt 18% cả năm (vượt kế hoạch của UBND tỉnh Thái Nguyên đề ra); đồng thời tăng cường giám sát chất lượng tín dụng, siết chặt an toàn hoạt động ngân hàng, xử lý nợ xấu và đẩy mạnh chuyển đổi số trong dịch vụ ngân hàng.

Thái Nguyên đang trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp - công nghệ lớn, nhu cầu vốn rất cao. Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi để dòng vốn ngân hàng thực sự trở thành động lực tăng trưởng bền vững cho cả vùng trung du và miền núi phía Bắc..., Lê Quang Huy cho biết thêm.

Minh Phương

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202507/huong-dong-von-ngan-hang-vao-nhung-linh-vuc-uu-tien-3e11e2f/
Zalo