Lãi suất huy động 'lặng sóng', lãi vay tiếp đà hạ nhiệt
Mặt bằng lãi suất huy động tháng qua gần như 'lặng sóng', đặc biệt là kỳ hạn 6 tháng, với số ít ngân hàng điều chỉnh tăng, giảm nhẹ 0,1 - 0,2% ở một số kỳ hạn. Nhờ sự ổn định của các yếu tố vĩ mô và thanh khoản dồi dào trong hệ thống ngân hàng, mặt bằng lãi suất cho vay toàn hệ thống tiếp đà giảm nhẹ 3 năm liên tiếp.

Nguồn: MBS Đồ họa tư liệu
Khảo sát của phóng viên cho thấy, trong tháng qua, biến động mặt bằng lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại phần lớn ổn định, chỉ ghi nhận những điều chỉnh tăng, giảm lẻ tẻ ở số ít ngân hàng như: VPBank, GPBank, VCBNeo, BaovietBank; BacABank, NCB.
Chỉ vài ngân hàng điều chỉnh biên độ hẹp
Theo đó, lãi suất huy động tại kỳ hạn ngắn 1 tháng có ít biến động, phần lớn ngân hàng giữ nguyên so với đầu tháng. Trong đó, VPBank tăng nhẹ từ 3,5% lên 3,6% giữa tháng 7, cho thấy nhu cầu đẩy mạnh huy động vốn ngắn hạn trở lại. Cùng xu hướng đẩy mặt bằng lãi suất nhích tăng còn có GPBank (tăng 0,2% lên 3,45%); VCBNeo (tăng 0,1% lên 4,15%); BaovietBank (tăng 0,1% lên 3,4%). Ngược lại, NCB có dấu hiệu điều chỉnh giảm (từ 3,8% về 3,7% cuối tháng 6), BacABank giảm 0,1% còn 3,8%.
Triển vọng Fed giảm lãi suất cuối năm nới thêm dư địa điều hành
"Mặt bằng lãi suất quốc tế 6 tháng cuối năm 2025 có tín hiệu tích cực hơn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được nhiều tổ chức quốc tế dự báo có khả năng cắt giảm lãi suất vào quý IV/2025 nếu xu hướng lạm phát tại Mỹ tiếp tục hạ nhiệt và tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chững lại. Việc Fed hạ lãi suất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành tỷ giá hối đoái, ổn định thị trường ngoại hối và duy trì mặt bằng lãi suất trong nước ở mức hợp lý hơn" . PGS.TS Hà Minh Sơn
Ở kỳ hạn 3 tháng, VCBNeo tiếp tục điều chỉnh tăng từ 4,25% lên 4,35%, duy trì vị trí nhóm dẫn đầu về lãi suất huy động ngắn hạn; GPBank tăng 0,2% lên 3,55%. Trong khi đó, NCB giảm nhẹ lãi suất từ 4% xuống 3,9%; BacABank giảm 0,1% còn 4,1%.
Ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất "lặng như tờ", gần như không ghi nhận biến động đáng kể nào suốt cả tháng. Khảo sát của phóng viên cho thấy, chỉ có NCB giảm nhẹ 0,1% còn 4,95%; BacABank cùng chuyển động, giảm 0,1% còn 5,25%.
Với kỳ hạn dài hơn như 12 tháng, chỉ duy nhất GPBank tăng nhẹ lãi suất 0,1% lên 5,2%. Trong khi đó, BacABank giảm liên tiếp 2 lần 0,1%, đưa lãi suất lùi còn 5,5%.
Ở kỳ hạn 24 tháng, hầu hết ngân hàng giảm nhẹ lãi suất. Đơn cử như VPBank (giảm 0,1% còn 5,1%); NCB cũng giảm nhẹ về 5,3%; BacABank giảm lãi suất liên tiếp 2 lần trong hơn 1 tháng, xuống 5,8%. Ở chiều ngược lại, GPBank tăng nhẹ từ 5,1% lên 5,2%.
Thống kê từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cũng cho thấy, đà giảm của lãi suất huy động đã chững lại trong tháng 6, với rất ít ngân hàng điều chỉnh giảm và biên độ điều chỉnh cũng ở mức hẹp. Trong tháng, chỉ ghi nhận 3 ngân hàng là LPBank, BacABank và VPBank thực hiện giảm lãi suất từ 0,1 - 0,2% ở một số kỳ hạn khác nhau.
"Đến cuối tháng 6, lãi suất kỳ hạn 12 tháng bình quân tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần giảm 17 điểm cơ bản so với đầu năm, về mức 4,87%, trong khi lãi suất tại nhóm ngân hàng quốc doanh vẫn giữ ổn định ở mức 4,7%" - MBS đánh giá.
Việc duy trì mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp đã tạo điều kiện để lãi suất cho vay tiếp tục giảm. Chia sẻ gần đây, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất cho vay bình quân của các khoản vay mới hiện giảm 0,6% so với cuối năm 2024, về mức 6,38%/năm, tiếp nối chuỗi giảm lãi suất liên tục kể từ năm 2022 đến nay, giúp các tổ chức tín dụng huy động với chi phí vốn thấp.
Lãi suất thấp kìm đà huy động, tăng trưởng tín dụng vẫn vượt xa
Theo đánh giá của PGS.TS Hà Minh Sơn - Trưởng Bộ môn Nghiệp vụ Ngân hàng, Học viện Tài chính, năm 2025, lãi suất 6 tháng đầu năm tiếp tục được điều chỉnh theo hướng ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phục hồi và phát triển nền kinh tế nhờ giữ nguyên các mức lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,5%/năm, lãi suất tái chiết khấu ở mức 3%/năm, trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng ở mức
4,75%/năm và trần lãi suất cho vay một số lĩnh vực ưu tiên tối đa là 4,5%/năm. Mặt bằng lãi suất trên thị trường tiếp tục được duy trì ở mức thấp và khá ổn định so với cuối năm 2024.
Theo đó, các ngân hàng thương mại lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank áp dụng mức lãi suất huy động phổ biến từ 2,9 - 4,8%/năm cho các kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân nhỏ và vừa như Eximbank, BacABank cạnh tranh mạnh mẽ hơn về lãi suất huy động, dao động từ 5 - 6%/năm, thậm chí một số chương trình khuyến mãi tại các ngân hàng thương mại này đưa mức lãi suất lên tới 6,8%/năm đối với kỳ hạn dài trên 18 tháng.
Nhờ sự ổn định của các yếu tố vĩ mô và thanh khoản dồi dào trong hệ thống ngân hàng, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân toàn hệ thống tiếp đà giảm nhẹ so với cuối năm 2024. Trước đó, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân của toàn hệ thống với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ đã giảm mạnh năm 2023 là 1,1%/năm, năm 2024 giảm 1,24%/năm.
Mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp cũng là nguyên nhân chính khiến tăng trưởng huy động chậm hơn so với tăng trưởng tín dụng. Theo MBS, tính đến giữa tháng 6, tăng trưởng huy động toàn hệ thống đạt 5,09% so với đầu năm, cao hơn đáng kể so với mức 0,92% cùng kỳ năm trước, song thấp hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng.
Xu hướng này cũng được phản ánh tại các ngân hàng niêm yết, với mức tăng trưởng huy động đạt 2,4% so với đầu năm trong quý I/2025. Dù con số này khả quan hơn mức âm 0,57% của quý I/2024, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 3,8% của tăng trưởng tín dụng.
"Chúng tôi dự báo tăng trưởng huy động của các ngân hàng trong phạm vi phân tích sẽ đạt 15,6% so với cùng kỳ trong năm 2025, thấp hơn một chút so với tăng trưởng tín dụng, do môi trường lãi suất thấp vẫn được duy trì. Các ngân hàng có tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) và mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình ngành như: VPBank, HDBank, VIB và MSB được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh huy động vốn nhiều hơn so với các ngân hàng khác" - nhóm MSB phân tích nhận định.
Lãi suất huy động dự báo ổn định ở mức thấp dưới 5% hỗ trợ tăng trưởng tín dụng
Theo MBS, tính đến cuối tháng 6, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trung bình tại các ngân hàng lớn đạt 4,7%, trong khi ở nhóm ngân hàng vừa và nhỏ là 5%, giảm trung bình từ 10 - 20 điểm cơ bản so với đầu năm. Lãi suất huy động có xu hướng giảm sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ giữa tháng 4 và xu hướng này sẽ tiếp tục kéo dài đến cuối năm 2025. Mục tiêu của xu hướng này là nhằm thúc đẩy tín dụng ra nền kinh tế, hỗ trợ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP, đồng thời giúp các ngân hàng bảo vệ biên lãi thuần.
"Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân tại khối ngân hàng thương mại lớn sẽ dao động quanh mức 4,7% vào cuối năm 2025. Đối với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, lãi suất trung bình có thể giảm thêm 20 điểm cơ bản, về mức tương đương 4,7%" - nhóm phân tích từ MBS dự báo.
PGS.TS Hà Minh Sơn dự báo mặt bằng lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại trong năm 2025 được dao động từ 4,8 - 5,3%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng. Lãi suất cho vay bình quân toàn hệ thống ở mức khoảng 6,3 - 6,7%/năm, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát và ổn định thị trường tiền tệ.
Ông Sơn cũng khuyến nghị nhà điều hành theo dõi sát biến động lạm phát, các chỉ số vĩ mô như CPI, tỷ giá USD/VND, giá dầu và lãi suất quốc tế, đây là điều kiện tiên quyết để Ngân hàng Nhà nước xây dựng các kịch bản điều hành chính sách linh hoạt để giúp hỗ trợ tăng trưởng mà không gây áp lực lên lạm phát.