Chuỗi hoạt động văn hóa đặc sắc với chủ đề 'Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam'
Từ ngày 5 đến 31/5/2025, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ diễn ra chuỗi hoạt động văn hóa đặc sắc với chủ đề 'Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam', hướng tới kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025) và 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2025).

Đồng bào dân tộc Hà Nhì huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu biểu diễn điệu múa "Duyên dáng" trong dịp lễ 30/4 - 1/5
Các hoạt động sẽ có sự tham gia của hơn 100 đồng bào thuộc 16 dân tộc thiểu số đang hoạt động hằng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, bao gồm: Nùng, Tày, Mông, Dao, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê và Khmer. Đồng thời, sự kiện còn có sự góp mặt của đại diện 11 địa phương: Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Ninh Thuận và Sóc Trăng. Đặc biệt, trong hai ngày 17 - 18/5, khoảng 25 đồng bào dân tộc Cơ Tu và Tà Ôi từ huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) sẽ được huy động tham gia, góp phần làm phong phú thêm các hoạt động trải nghiệm văn hóa đặc sắc của vùng đại ngàn Trường Sơn.
Với chủ đề "Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam", Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn như: Tái hiện lễ cúng thần rừng của các dân tộc huyện A Lưới, diễn ra ngày 18/5. Đây là một nghi lễ dân gian mang tính cộng đồng đặc sắc thể hiện sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, được đồng bào gìn giữ.
Đặc biệt là chương trình dân ca, dân vũ "Bác Hồ một tình yêu bao la" (ngày 17 - 18/5), gồm các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ với các tiết mục dân ca dân vũ, thể hiện tình cảm của cộng đồng các dân tộc huyện A Lưới, một số nhóm đồng bào lân cận đối với Bác Hồ.
Qua lời ca tiếng hát, nhạc cụ dân tộc, nghệ thuật múa và kể chuyện, đồng bào thể hiện tình cảm chân thành, sâu đậm dành cho vị lãnh tụ kính yêu. Bên cạnh đó, nghệ thuật dệt Zèng - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của người Tà Ôi - cũng được giới thiệu thông qua trình diễn tay nghề và giao lưu với nghệ nhân. Lễ Phật đản (Vesak) sẽ được tổ chức trang nghiêm vào sáng 11/5 tại quần thể chùa Khmer, với các nghi thức như lễ bái Tam bảo, tụng kinh chúc phúc, lễ tắm Phật, dâng hoa, cúng dường trai tăng...
Ngoài các chương trình nghệ thuật, du khách còn có cơ hội trải nghiệm văn hóa truyền thống qua các trò chơi dân gian như ô ăn quan, nhảy sạp, cà kheo, kéo co, tô tượng. Trẻ em và khách tham quan cũng có thể thử khoác lên mình trang phục truyền thống của người Thái, H’Mông, Khmer…
Vào mỗi cuối tuần, tại các làng dân tộc, đồng bào chủ thể sẽ thể hiện tình cảm với Bác qua các hoạt động gắn liền với lao động - sinh hoạt thường nhật, như trồng rau, chăm hoa, kể chuyện dân gian, tái hiện đời sống truyền thống, góp phần xây dựng không gian xanh - sạch - đẹp.
Chuỗi hoạt động “Tháng Năm nhớ Bác” không chỉ là dịp để tưởng nhớ, tri ân Bác Hồ, mà còn là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc, gắn kết cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam trong tinh thần đại đoàn kết và tự hào dân tộc.