Chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu và cơ hội của Đông Nam Á
Theo trang mạng Fulcrum, Đông Nam Á có cơ hội tham gia vào quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng nguyên tố đất hiếm (REE).

Đất hiếm chuẩn bị xuất khẩu được bốc xếp tại Liên Vân cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Để tận dụng thành công cơ hội đó, khu vực này phải có chiến lược và thận trọng trong việc khai thác trữ lượng REE hiện có.
Tầm quan trọng của REE trong các sản phẩm công nghệ cao đã biến ngành này thành trọng tâm địa chính trị. Trong bối cảnh Trung Quốc hiện cung cấp khoảng 70% sản lượng khai thác quặng đất hiếm toàn cầu và 90% sản lượng chế biến quặng đất hiếm, nhiều quốc gia đã tìm kiếm một phản ứng chiến lược để giảm sự phụ thuộc tuyệt đối vào một nguồn cung không thể thay thế.
Các nước Đông Nam Á có thể đóng góp vào quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng REE hay không? Trong bối cảnh cạnh tranh đất hiếm ngày càng mạnh mẽ, các biên giới khai thác REE mới đã mở ra ở châu Phi và Nam Mỹ. Hơn nữa, một số địa điểm REE tiềm năng ở Đông Nam Á cũng đã được phát hiện và đưa vào thăm dò, khai thác.
Hiện tại, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam có sự hiện diện đáng kể trong chuỗi cung ứng REE toàn cầu. Khả năng cung ứng REE của các nước này phụ thuộc vào năng lực khai thác, quy mô và thành phần trữ lượng REE cũng như sự vận hành hệ thống – bao gồm thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn- dọc theo toàn bộ chuỗi cung ứng REE. Chuỗi cung ứng REE trải dài từ khai thác quặng REE thượng nguồn đến sản xuất đầu vào hạ nguồn cho ngành sản xuất.
REE tinh chế có thể được kết hợp vào nhiều sản phẩm công nghệ cao. Trung Quốc đã thiết lập được ưu thế về mặt kỹ thuật trong nhiều quy trình, ví dụ, sử dụng quy trình chiết xuất dung môi ở giai đoạn tách.
Triển vọng của Đông Nam Á như một nguồn đa dạng hóa REE cũng sẽ phụ thuộc vào các loại REE được khai thác và xử lý. Dựa trên trọng lượng nguyên tử của chúng, REE có thể được phân loại thành hai nhóm chính - REE nặng và REE nhẹ. REE nặng, được sử dụng trong nam châm, khan hiếm hơn và do đó có giá cao hơn. Chuỗi cung ứng an toàn đặc biệt quan trọng đối với REE nặng do chúng được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm công nghệ cao.
Quá trình xử lý REE, bao gồm việc tách và tinh chế quặng đất hiếm, là mắt xích chính trong chuỗi cung ứng mà Trung Quốc thống trị. Với nhà máy Lynas ở Pahang, Malaysia hiện đang xử lý 12-15% REE của thế giới- chủ yếu là REE nhẹ được khai thác tại Mount Weld ở Tây Australia sau đó được vận chuyển đến cảng Kuantan. 85-87% quá trình xử lý REE còn lại diễn ra tại Trung Quốc. Cho đến nay, Trung Quốc là quốc gia duy nhất có khả năng sản xuất tất cả 17 loại REE. Hệ sinh thái đổi mới và sản xuất, cùng với các viện nghiên cứu REE, củng cố sức mạnh của quốc gia này trong công nghệ chế biến. Trung Quốc đã tích lũy được nhiều bằng sáng chế REE hơn phần còn lại của thế giới cộng lại.
Chiến lược đa dạng hóa nguồn REE cũng sẽ phụ thuộc vào các thành phần hạ nguồn của chuỗi giá trị REE. Ngành công nghiệp điện và điện tử cùng ngành công nghiệp xe điện là những đối tượng chính sử dụng REE. Các ngành công nghiệp này là động lực tăng trưởng chính ở các nước Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Các nước này có thể muốn tìm tòi các hướng đi trong quá trình xử lý REE vốn có ý nghĩa quan trọng đối với các ngành công nghiệp trên.
Thách thức chính đối với các nước Đông Nam Á là rất rõ ràng. Trong khi trữ lượng REE sẵn có sẽ cho phép họ có tiềm năng đa dạng hóa nguồn cung REE, thì vai trò của các nước này trong chuỗi cung ứng có thể chỉ giới hạn ở các hoạt động khai thác thượng nguồn. Một hệ lụy khác bắt nguồn từ những tác động có hại tiềm tàng đến môi trường của việc thu mua và xử lý REE.
Việc tinh chế REE như một đầu vào sản xuất chiến lược, mặc dù cần thiết để cả ba quốc gia phát triển năng lực xử lý chứ không chỉ dừng ở việc khai thác REE, có thể được loại bỏ dần do những tiến bộ khoa học. Một ví dụ điển hình là Toyota đã phát triển một nam châm neodymium-sắt-boron cho động cơ xe điện, loại bỏ nhu cầu về hai REE là terbi và dysprosi. Cuộc thảo luận về đa dạng hóa REE ở Đông Nam Á dường như cũng tập trung vào các hoạt động thượng nguồn. Tuy nhiên, để tiến lên phía trước, các nước này phải có kế hoạch chính sách khôn ngoan cho các khoản đầu tư mở rộng sự hiện diện của họ trên toàn bộ chuỗi cung ứng và ứng phó với sự thay đổi về công nghệ.