Chuyển đổi xanh tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, chuyển đổi xanh không chỉ là xu hướng toàn cầu mà còn là yêu cầu cấp bách đối với Việt Nam.

Đẩy mạnh chuyển đổi xanh để phát triển bền vững

Đẩy mạnh chuyển đổi xanh để phát triển bền vững

Chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu

Ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, nhấn mạnh: "Chuyển đổi xanh không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức to lớn từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên".

Ông Hiển đặc biệt lưu ý đến vai trò của khu vực Bắc Trung Bộ, vùng đất có vị trí địa lý chiến lược và tiềm năng phát triển kinh tế biển, nông nghiệp bền vững và năng lượng tái tạo. Theo ông Hiển, việc thực hiện chuyển đổi xanh sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng môi trường sống và đảm bảo phát triển bền vững cho khu vực.

Cùng quan điểm, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: "Chuyển đổi xanh đang trở thành xu thế tất yếu trên toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng".

Ông Giang cũng chỉ ra rằng khu vực Bắc Trung Bộ nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng đang đối mặt với không ít thách thức, song cũng mở ra nhiều cơ hội để phát triển bền vững dựa trên các giải pháp xanh và công nghệ hiện đại.

Ông Nguyễn Hồng Lâm, đại diện Công ty Cổ phần Công Nông nghiệp Tiến Nông, nhấn mạnh rằng chuyển đổi xanh không chỉ còn là xu hướng mà đã trở thành một "lựa chọn tất yếu" cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, đồng thời đồng hành cùng người nông dân trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khủng hoảng tài nguyên ngày càng phức tạp.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lâm cho biết giá trị cốt lõi mà Tiến Nông theo đuổi là: “Nông nghiệp bền vững - Nông thôn văn minh - Nông dân hiện đại”. Đáng chú ý, mô hình kinh tế tuần hoàn được Tiến Nông triển khai không chỉ giới hạn trong phạm vi nhà máy mà còn mở rộng ra các cánh đồng và cộng đồng nông dân. Minh chứng cụ thể cho điều này bao gồm việc công ty hợp tác với các hợp tác xã để tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, vỏ trấu, biến chúng thành nguyên liệu vi sinh và chất độn cho các sản phẩm mới.

Bên cạnh đó, Tiến Nông còn tích cực hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp sử dụng phân bón một cách khoa học, đảm bảo đúng liều lượng, đủ chất và tiết kiệm, góp phần giảm thiểu dư lượng hóa chất tồn dư và bảo vệ hệ sinh thái đất.

Một điểm sáng khác trong chiến lược phát triển bền vững của Tiến Nông là việc nghiên cứu và phát triển các dòng sản phẩm phân bón theo mùa vụ, được thiết kế "theo nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng".

Chuyển đổi xanh là "cứu cánh" tài nguyên nước Bắc Trung Bộ

Tài nguyên nước đóng vai trò sống còn cho sự phát triển bền vững của khu vực Bắc Trung Bộ, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và đời sống dân cư. Tuy nhiên, theo GS.TS. Phạm Quý Nhân, Giảng viên Cao cấp Khoa Tài nguyên Nước, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, công tác quản lý và khai thác nguồn nước tại khu vực này vẫn còn nhiều bất cập, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ và cấp thiết.

Mặc dù sở hữu tiềm năng nước mặt và nước ngầm dồi dào, Bắc Trung Bộ đang đối mặt với nhiều thách thức trong quản lý tài nguyên nước, bao gồm hiệu quả sử dụng thấp, hệ thống công trình thủy lợi xuống cấp, tình trạng ô nhiễm nguồn nước gia tăng và sự thiếu đồng bộ trong cơ chế điều phối liên vùng.

Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng nước dự kiến sẽ tăng nhẹ đến năm 2050, đặc biệt ở các ngành công nghiệp, sinh hoạt và dịch vụ, mô hình kinh tế tuần hoàn được đánh giá là chìa khóa để cải thiện hiệu quả khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước. GS.TS Phạm Quý Nhân nhấn mạnh, việc triển khai các giải pháp như tái sử dụng nước thải, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, giảm thất thoát, tăng cường giám sát số hóa và phối hợp quản lý liên ngành, liên lưu vực là yếu tố tiên quyết để đảm bảo an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới phát triển bền vững.

Chia sẻ về nỗ lực của địa phương, bà Nguyễn Thị Vy, đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cho biết, tỉnh đang triển khai các giải pháp chuyển đổi xanh cụ thể, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc tăng cường sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tỉnh đang khuyến khích nông dân chuyển đổi từ phương pháp canh tác truyền thống sang các biện pháp thân thiện với môi trường, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học.

Đối với lĩnh vực công nghiệp và đô thị, TS. Trịnh Xuân Đức - Viện Khoa học Kỹ thuật Hạ tầng và Môi trường (SIIEE) cho rằng, việc giảm phát thải tại khu vực Bắc Trung Bộ đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa cải tiến công nghệ, hoàn thiện chính sách và nâng cao ý thức của các doanh nghiệp. Theo ông Đức, các chính sách hỗ trợ tài chính, tăng cường giám sát môi trường cùng với cơ chế thị trường carbon sẽ tạo động lực mạnh mẽ để các doanh nghiệp chủ động cắt giảm phát thải, hướng đến một nền kinh tế xanh và tuần hoàn.

Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững cho khu vực, các chuyên gia và đại diện chính quyền địa phương đều thống nhất về sự cần thiết của sự chung tay từ toàn xã hội, bao gồm chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Việc đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường, kiến tạo một tương lai bền vững cho các thế hệ mai sau.

Hồng Hạnh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/chuyen-doi-xanh-tao-dong-luc-manh-me-thuc-day-tang-truong-kinh-te-162857.html
Zalo