Nhà máy Trung Quốc 'phản đòn' Mỹ, bán túi Hermès với giá bằng 1/10
Do Mỹ áp thuế 145% lên hàng hóa từ Trung Quốc, nhiều nhà sản xuất ở quốc gia này tung video tiết lộ quy trình gia công hàng hiệu và chào bán trực tiếp với giá rẻ.

Hàng hóa từ Trung Quốc chịu mức thuế lớn của Mỹ. Ảnh minh họa: Hermès.
Trong bối cảnh chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump ảnh hưởng sâu sắc đến Trung Quốc, một làn sóng xuất hiện trên mạng xã hội đe dọa các thương hiệu thời trang xa xỉ của xứ cờ hoa.
Cụ thể, OEM (viết tắt của “original equipment manufacturer”), nhà sản xuất cho các nhãn hàng phương Tây tại Trung Quốc, tuyên bố bán túi xách, trang phục và mỹ phẩm y hệt sản phẩm của hãng cao cấp với mức giá chỉ bằng 1/10, theo The Indian Express.

Các nhà máy Trung Quốc công khai quá trình sản xuất hàng hóa xa xỉ đến từ các nước phương Tây, sẵn sàng bán trực tiếp với mức giá rẻ hơn nhiều, thể hiện động thái đáp trả chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: TikTok.
Sự đe dọa của nhà máy Trung Quốc
Trên mạng xã hội TikTok và X, các nhà máy tại xứ tỷ dân đăng tải hàng loạt video ghi lại quá trình chế tác sản phẩm theo tiêu chuẩn cao cấp, từ chất liệu, tay nghề đến độ chính xác trong từng chi tiết. Họ tạo ra trào lưu mang tên “Trade War TikTok” (tạm dịch: “chiến tranh thương mại trên TikTok”).
Các nhà sản xuất này tự nhận là đối tác gia công đứng sau nhiều tên tuổi lớn như Hermès Birkin, Louis Vuitton, Chanel, Esteé Lauder và Bobbi Brown.
Một đoạn video khẳng định chiếc túi Birkin có giá bán lẻ 38.000 USD thực tế chỉ tốn khoảng 1.000 USD để sản xuất. Một clip khác cho thấy mẫu legging cùng dòng với sản phẩm thuộc thương hiệu Lululemon có giá bán 5-6 USD nếu người tiêu dùng đặt hàng trực tiếp.
Trong một số trường hợp, điểm khác biệt duy nhất giữa hàng có thương hiệu và không thương hiệu chỉ là nhãn mác. Giờ đây, thay vì chỉ sản xuất theo đơn từ các hãng lớn, nhiều nhà máy quyết định mở bán trực tiếp tới tay người tiêu dùng với giá rẻ hơn nhiều lần.
Một số cung cấp bảng phân tích chi phí, hướng dẫn cách mua hàng trực tiếp từ nhà sản xuất qua các nền tảng như Taobao, WeChat hoặc WhatsApp để tránh giá cả bị đội lên bởi thuế quan và các khâu trung gian.
Các xưởng thậm chí còn cung cấp dịch vụ giao hàng toàn cầu miễn phí, khiến mạng xã hội bùng nổ.

Hình thức mua hàng trực tiếp từ nhà sản xuất là phương án tiết kiệm đối với người tiêu dùng. Ảnh: Hermès.
Biện pháp tiết kiệm cho người tiêu dùng
Động thái từ phía các nhà sản xuất ở xứ tỷ dân nhanh chóng thu hút sự chú ý của khách hàng xa xỉ khắp thế giới.
Một người dùng viết trên X: “Nếu các nhà máy Trung Quốc có thể bán dép Birkenstock với giá 10 USD trên TikTok, tại sao người tiêu dùng Mỹ vẫn phải trả 165 USD (chưa thuế) tại các cửa hàng?”.
Một bình luận khác nhấn mạnh: “Nếu giá hàng Trung Quốc tăng do thuế quan, mua trực tiếp thế này là lựa chọn tối ưu đối với người tiêu dùng”.
Sự việc trên diễn ra khi Mỹ áp mức thuế cao kỷ lục lên tới 145% đối với một số mặt hàng Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh đáp trả bằng mức thuế lên đến 125%. Hôm 7/4, Bộ Thương mại Trung Quốc kêu gọi Mỹ hủy bỏ hoàn toàn các biện pháp thuế quan mang tính “trả đũa”.
“Chúng tôi kêu gọi phía Mỹ dũng cảm sửa sai, chấm dứt hoàn toàn hành vi áp thuế theo kiểu ‘có đi có lại’, trở lại con đường đúng đắn, thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau”, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc phát biểu, theo AFP.
Hiện nay, các thương hiệu xa xỉ chưa đưa ra phản hồi chính thức trước việc các nhà máy đối tác công khai sản phẩm và bán trực tiếp ra thị trường. Tuy nhiên, hành động từ phía hàng loạt OEM có thể tạo ra một “cuộc chiến” trên thị trường xa xỉ.