Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát

Cùng với cả nước, Quảng Ngãi đã và đang huy động nhiều nguồn lực thực hiện công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh.

Chăm lo, giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân là việc làm luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và xác định là nhiệm vụ quan trọng đối với công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

Niềm vui có nhà mới

Gần 5 tháng dọn về sống trong căn nhà mới, ông Hoàng Tèo, ở xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi), vẫn còn phấn khởi, bởi ngôi nhà là mơ ước cả đời mà ông không nghĩ mình có thể xây dựng được. Gia đình ông Tèo thuộc diện hộ cận nghèo của địa phương. Ông Tèo không có nghề nghiệp ổn định, năm 2023 ông bị mất sức lao động sau tai nạn giao thông. Vợ ông Tèo bị khuyết tật vận động nặng, không còn khả năng đi lại. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có khả năng xây dựng nhà ở, nên những năm qua, vợ chồng ông Tèo và con phải sống nhờ nhà người thân.

Ông Nguyễn Nhạn (giữa), ở thôn Mỹ Lệ, xã Tịnh Châu (TP.Quảng Ngãi), trong ngôi nhà mới khang trang, vững chãi.

Ông Nguyễn Nhạn (giữa), ở thôn Mỹ Lệ, xã Tịnh Châu (TP.Quảng Ngãi), trong ngôi nhà mới khang trang, vững chãi.

Bây giờ, gia đình ông Tèo được ở trong ngôi nhà có diện tích trên 60m2, nền lát gạch men, tường xây, mái lợp tôn và có đầy đủ nhà bếp, nhà vệ sinh, sân, tường rào. Tổng kinh phí xây dựng căn nhà hơn 100 triệu đồng, trong đó Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất hỗ trợ 50 triệu đồng. “Lâu nay phải ở tạm nhà của bà con nên sinh hoạt hay sản xuất đều gặp khó khăn. Được hỗ trợ để xây ngôi nhà khang trang, tôi rất vui và biết ơn. Từ nay, tôi có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế”, ông Tèo thổ lộ.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Thanh An chia sẻ, theo kế hoạch, Quảng Ngãi sẽ hỗ trợ cho các trường hợp xóa nhà tạm, nhà dột nát với kinh phí 60 triệu đồng/hộ xây mới và 30 triệu đồng/hộ sửa chữa. Để thực hiện tốt Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, đảm bảo cho người dân được sống trong nhưng ngôi nhà vững chãi, đảm bảo “3 cứng” - cứng nền, cứng tường và cứng mái, thì chúng ta cần phải huy động thêm nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước. Nguồn lực đến từ sự hỗ trợ của trung ương, địa phương, sự giúp đỡ của cộng đồng, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh trên tinh thần “ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều”. Đặc biệt, các địa phương miền núi cần sự vào cuộc của lực lượng vũ trang, các hội đoàn thể, người dân chung tay hỗ trợ các gia đình xây dựng nhà mới để đạt được kết quả tốt nhất.

Ông Nguyễn Nhạn (64 tuổi), ở thôn Mỹ Lệ, xã Tịnh Châu (TP.Quảng Ngãi), cũng vừa dọn về ở trong ngôi nhà mới. Ngôi nhà là kết quả của sự đồng lòng góp sức từ đơn vị tài trợ cũng như anh chị em, người thân trong gia đình ông. “Mười năm trước, tôi gặp tai nạn nên bị liệt phần thân dưới, không thể lao động. Tôi và mẹ ở trong ngôi nhà xuống cấp. Thôn này là vùng trũng nên năm nào mùa mưa cũng bị ngập. Nay có sự hỗ trợ của Quỹ Khí hậu xanh (GCF) hỗ trợ 82 triệu đồng, còn lại anh em trong nhà góp ngày công, người cho vật liệu xây dựng... giúp tôi có căn nhà kiên cố, hết thấp thỏm lo sợ khi mùa mưa bão đến”, ông Nhạn nói.

Việc hỗ trợ nhà ở không đơn thuần là sửa chữa, xây dựng lại những căn nhà mới, mà còn là cả một quá trình cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân; thực hiện tốt nhất công tác tri ân đối với người có công với cách mạng; mở ra con đường giúp người dân thoát nghèo, vươn lên khấm khá. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện còn gần 9.800 hộ khó khăn cần được hỗ trợ về nhà ở. Trong đó, có 1.232 hộ thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, 1.289 hộ thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 3.320 hộ có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và 3.956 hộ có nhà tạm, nhà dột nát.

Đơn cử như trên địa bàn huyện Ba Tơ, hiện còn hơn 890 hộ vẫn phải ở trong những căn nhà tạm bợ, không đủ điều kiện an toàn. Chị Phạm Thị Diên, ở thôn Làng Giấy - Dốc Mốc, xã Ba Cung là hộ nghèo, từ nhiều năm nay, chị sống trong căn nhà dựng tạm bợ. “Mẹ cho tôi mảnh đất để ra ở riêng, nhưng tôi không có đủ khả năng nên chỉ dựng tạm cái lán nhỏ bằng tre và bạt để ở, trời mưa gió thì sợ sập, trời nắng thì nóng. Tôi mong lắm một ngôi nhà vững chãi để yên tâm, có động lực làm ăn”, chị Diên chia sẻ.

Cả hệ thống chính trị và cộng đồng vào cuộc

Từ năm 2021 đến nay, Quảng Ngãi đã hỗ trợ sửa chữa, xây mới hơn 7.000 nhà ở cho người dân. Trong đó, có gần 4.300 ngôi nhà được hỗ trợ từ nguồn vốn của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cùng với đó là sự chung tay hỗ trợ từ các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân.

Ngôi nhà tạm bợ của chị Phạm Thị Diên, ở thôn Làng Giấy - Dốc Mốc, xã Ba Cung (Ba Tơ).

Ngôi nhà tạm bợ của chị Phạm Thị Diên, ở thôn Làng Giấy - Dốc Mốc, xã Ba Cung (Ba Tơ).

Thực hiện phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động, đồng thời tiếp tục thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh để người dân có nhà ở kiên cố, ổn định cuộc sống, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội các cấp tập trung triển khai hiệu quả phong trào thi đua này.

Hưởng ứng chương trình này, TP.Quảng Ngãi đã cam kết sẽ tự chủ kinh phí, huy động 100% vốn để xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Tổng kinh phí dự kiến huy động hơn 5,6 tỷ đồng. Là địa phương thuộc TP.Quảng Ngãi, xã Tịnh Châu hiện không còn nhà tạm, nhưng qua khảo sát vẫn còn 16 hộ có nhà dột nát, hư hỏng nặng. Chủ tịch UBND xã Tịnh Châu Trần Ngọc Lâm cho hay, đối với việc thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, sắp đến địa phương sẽ triển khai các giải pháp để thực hiện chương trình đạt hiệu quả cao nhất.

Tại huyện Ba Tơ, địa phương được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chọn làm điểm trong thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, cũng đang tích cực triển khai thực hiện để có thể hoàn thành chương trình trước ngày 11/3/2025. “Huyện Ba Tơ xác định việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách trong thời điểm hiện nay, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện thời gian đến. Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát của huyện Ba Tơ; xây dựng kế hoạch thực hiện, triển khai đến UBND cấp xã. Đối với cấp xã sẽ thành lập đội xung kích xóa nhà tạm, nhà dột nát là các cơ quan, đoàn thể, người dân cùng chung tay, góp sức trên tinh thần: Ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít”, Bí thư Huyện ủy Ba Tơ Đinh Ngọc Vỹ cho biết.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Ánh Lan nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu đến tháng 10/2025 toàn tỉnh hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, cần tập trung công tác khảo sát, rà soát tình hình, thực trạng nhà ở của các đối tượng để đảm bảo không bỏ sót trường hợp nào. Đồng thời, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc và huy động tối đa các nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng xã hội. Việc huy động, vận động các nguồn lực được xem là sự chia sẻ trách nhiệm giữa Nhà nước, xã hội và người dân trong công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cho đồng bào.

Với trách nhiệm là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, Sở LĐ-TB&XH đã chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo tỉnh khẩn trương và kịp thời triển khai kế hoạch thực hiện chương trình. “Sở LĐ-TB&XH sẽ tăng cường theo dõi, hướng dẫn và kiểm tra để kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh. Từ đó tham mưu, đề xuất cho Ban Chỉ đạo tỉnh xem xét, giải quyết kịp thời”, bà Lan nói.

Bài, ảnh: VŨ YẾN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/xa-hoi/202411/chung-tay-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-960143f/
Zalo