Vì môi trường không khói thuốc
Theo dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), thuế cho thuốc lá điếu được đề xuất giữ nguyên thuế suất 75%, bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình tăng từng năm trong giai đoạn 2026-2030 với 2 phương án, gồm: Phương án 1, sẽ bổ sung thuế tuyệt đối ở mức 2.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần lên 10.000 đồng/bao vào năm 2030; phương án 2, sẽ bổ sung thuế tuyệt đối ở mức 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần lên 10.000 đồng/bao vào năm 2030.
Mặc dù vẫn còn một số ý kiến lo ngại mức tăng thuế tác động tiêu cực tới việc làm và buôn lậu thuốc lá. Nhưng trước những mối nguy hại mà thuốc lá mang lại thì thực hiện theo phương án nào cũng là việc làm vô cùng cần thiết, bởi theo các nghiên cứu từ thực tế ở Việt Nam và các nước đều chứng minh việc tăng thuế thuốc lá không làm tăng buôn lậu mà là giải pháp làm giảm tiêu dùng và tăng thu ngân sách, có lợi cho người nghèo.
Hiện trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 trường hợp tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá và khoảng 33 triệu người không hút thuốc phải “hút thuốc thụ động”. Hút thuốc lá không chỉ gây ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe mà còn tác động lớn đến kinh tế - xã hội. Bởi hút thuốc lá không chỉ làm giảm tác dụng của các loại thuốc điều trị, làm tăng chi phí và thời gian chữa bệnh, gây lãng phí tiền của mà còn gây ra nhiều tác hại về kinh tế. Đó là, người hút phải chi ra khoản tiền khá lớn để mua thuốc lá mỗi năm, ảnh hưởng đến thu nhập gia đình, đồng thời phải chi một khoản kinh phí không nhỏ cho điều trị các bệnh do thuốc lá gây ra. Rác thuốc lá, khói thuốc lá cũng làm ô nhiễm môi trường, khiến nhiều người “hút thuốc thụ động” mắc bệnh. Ngoài ra, đất trồng cây thuốc lá tăng lên khiến diện tích canh tác lương thực bị thu hẹp, ảnh hưởng đến an ninh lương thực của đất nước… Thậm chí, hút thuốc lá còn là nguyên nhân gây ra nhiều vụ hỏa hoạn nghiêm trọng.
Cũng theo cơ quan chức năng, năm 2024, hoạt động buôn lậu, nhập lậu thuốc lá điếu ngoại, nguyên liệu thuốc lá không rõ nguồn gốc, xuất xứ vào Việt Nam đã và đang là vấn đề hết sức nhức nhối trong xã hội. Số liệu công bố từ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho thấy thực trạng đáng lo ngại. 10 tháng năm 2024, toàn ngành đã phát hiện 1.067 vụ vi phạm liên quan đến thuốc lá nhập lậu, trong đó 800 vụ bị xử lý, 3 vụ chuyển hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra. Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính hơn 3,1 tỷ đồng và trị giá hàng hóa vi phạm hơn 5,6 tỷ đồng, bao gồm 23.931 bao thuốc lá và 4.000 sản phẩm khác.
Thuế tiêu thụ đặc biệt nằm trong giá bán, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tăng tỷ lệ thuế cơ cấu trong giá bán lẻ thuốc lá. Giá bán cao có thể giảm thiểu người hút thuốc lá, nhất là hạn chế thế hệ trẻ tiếp cận với thuốc lá, hướng đến đảm bảo sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu các căn bệnh hiểm nghèo liên quan đến hô hấp, ung thư phổi. Tuy nhiên, khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá cũng đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương. Do đó, ngoài xây dựng một lộ trình tăng thuế hợp lý và minh bạch, việc tăng cường công tác kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu thuốc lá cũng vô cùng quan trọng.
Ngoài ra, việc tăng thuế thuốc lá còn nhằm đảm bảo thực hiện các mục tiêu của Chính phủ, bao gồm giảm tỷ lệ hút thuốc lá, góp phần tăng thu ngân sách một cách bền vững và cân đối, giảm thiểu các tác động tiêu cực về mặt xã hội. Vì vậy, rất cần sự nỗ lực chung tay của toàn xã hội mới có thể đạt được mục tiêu kép “vừa tăng nguồn thu ngân sách, bảo vệ sức khỏe cộng đồng vừa đảm bảo an ninh kinh tế quốc gia”.