Chung tay hành động vì một xã hội công bằng và an toàn
Chung tay hành động vì một xã hội công bằng và an toàn; Can thiệp khéo léo không chỉ giúp giải quyết tình huống mà còn có thể làm giảm căng thẳng và xung đột, tạo ra một môi trường an toàn hơn cho tất cả mọi người.
Hành động kịp thời để ngăn chặn bạo lực nơi công cộng được xem là hành động đẹp, được cộng đồng hoan nghênh. Nếu ai cũng không can thiệp khi thấy chuyện bất bình thì xã hội sẽ bất công và đầy rẫy bất ổn.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn “thấy chuyện bất bình nhưng ngó lơ", vì sao?
Sự sợ hãi ngáng đường
Vấn đề có thể có nguyên nhân từ việc lo ngại về an toàn cá nhân. Nhiều người lo sợ rằng nếu họ can thiệp, họ có thể bị liên lụy hoặc thậm chí bị tấn công. Điều này đặc biệt đúng trong những tình huống nguy hiểm và bạo lực, khi mà nguy cơ bị thương tích là rất cao.
Từ sự sợ hãi này, nhiều người chọn cách đứng ngoài cuộc dù biết rằng hành động của họ có thể giúp đỡ người khác. Sự lo ngại về an toàn cá nhân không chỉ xuất phát từ nỗi sợ bị tấn công mà còn từ những hậu quả pháp lý có thể xảy ra nếu họ can thiệp không đúng cách.
Ngoài ra, còn có yếu tố thiếu trách nhiệm xã hội. Một số người thấy rằng việc can thiệp không phải là trách nhiệm của họ; mà các lực lượng có trách nhiệm sẽ đến và giải quyết vấn đề mà họ đang chứng kiến. Tâm lý này dẫn đến sự thờ ơ và không hành động, mặc dù họ có thể làm được điều gì đó để giúp đỡ hay can thiệp vào các tình huống trên đường.
Cạnh đó, tâm lý đám đông cũng đóng vai trò quan trọng. Khi có nhiều người chứng kiến, mỗi người có thể nghĩ rằng người khác sẽ can thiệp, dẫn đến tình trạng không ai hành động. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn của sự thờ ơ và thiếu trách nhiệm. Tâm lý đám đông không chỉ làm giảm khả năng can thiệp, giúp đỡ mà còn làm tăng cảm giác vô trách nhiệm cá nhân, khi mỗi người đều nghĩ rằng mình không cần phải hành động vì sẽ người khác làm điều đó.
Thiếu kỹ năng và kiến thức
Giáo dục và rèn luyện các chuẩn mực đạo đức
Cư dân đô thị thường đối mặt với nhiều áp lực và xung đột, đây có thể là nguyên nhân chính dẫn đến các hành vi bột phát, thiếu kiềm chế và mang tính bạo lực.
Để giảm thiểu bạo lực sau va chạm giao thông nói riêng và trong cuộc sống xã hội nói chung, hướng đến một xã hội an toàn hơn thì việc trang bị kỹ năng giao tiếp và ứng xử phù hợp trong các tình huống phát sinh ngay từ giai đoạn sớm đóng vai trò quan trọng.
Đồng thời, cần nâng cao ý thức cộng đồng, xây dựng cách ứng xử văn minh và kịp thời khi xảy ra xung đột.
Ông TRẦN NAM, giảng viên Xã hội học truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM
Nhiều người không biết cách can thiệp một cách an toàn và hiệu quả. Họ lo sợ rằng hành động của mình có thể làm tình hình trở nên tồi tệ hơn. Điều này đặc biệt đúng trong những tình huống các đối tượng manh động tấn công bằng vũ khí, hung khí.
Việc thiếu kỹ năng và kiến thức không chỉ giới hạn ở việc can thiệp về mặt thể chất mà nhiều người không biết cách tiếp cận và nói chuyện với những người đang trong tình trạng mâu thuẫn, căng thẳng, dẫn đến việc họ chọn cách im lặng và không hành động.
Đối với những người không có kỹ năng hay kiến thức thì tốt nhất nên giữ khoảng cách và quan sát tình hình; nếu được hãy ghi lại sự việc bằng điện thoại hoặc các thiết bị khác cũng là một cách can thiệp hữu ích thông qua chứng cứ cung cấp cho cơ quan chức năng. Việc ghi lại sự việc còn có thể làm giảm căng thẳng khi những người gây rối biết rằng họ đang bị ghi hình. Can thiệp khéo léo không chỉ giúp giải quyết tình huống mà còn có thể làm giảm căng thẳng và xung đột, tạo ra một môi trường an toàn hơn cho tất cả mọi người.
Đối với các trường hợp mà người bị tấn công bị thương tích và khi vụ việc đã bớt căng thẳng, thì người chứng kiến nên giúp đỡ người bị nạn. Không nên bỏ đi và để mặc người bị nạn trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, để tránh nguy cơ bị xử lý về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng
Khi gặp tình huống bạo lực sau va chạm giao thông nói riêng và va chạm xã hội nói chung, điều đầu tiên là giữ bình tĩnh và nhanh chóng đánh giá tình hình.
ThS ĐINH VĂN MÃI
Không can thiệp trực tiếp các vụ ẩu đả trừ khi bạn có kinh nghiệm hoặc được trang bị. Nếu bạn quyết định can thiệp, hãy chắc chắn rằng bạn có đủ kỹ năng và sức mạnh để làm điều đó.
Nếu không thể trực tiếp can thiệp, việc ghi lại hình ảnh và cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng cũng là một cách thể hiện trách nhiệm. Đối với nạn nhân, việc hỗ trợ sơ cứu kịp thời, động viên tinh thần, và trình báo cơ quan chức năng là vô cùng quan trọng để bảo vệ họ cả về thể chất lẫn tâm lý.
Về lâu dài, cộng đồng cần nâng cao ý thức trách nhiệm, không chỉ dừng lại ở lời nói mà cần hành động thực tế để bảo vệ lẫn nhau. Điều này đòi hỏi sự phối hợp từ gia đình, nhà trường, xã hội trong việc giáo dục, tuyên truyền lối sống lành mạnh, xây dựng văn hóa cộng đồng đoàn kết. Chỉ khi mỗi cá nhân ý thức được vai trò của mình trong việc đấu tranh và ngăn chặn bạo lực, chúng ta mới có thể hướng tới một xã hội an toàn và nhân văn hơn.
ThS ĐINH VĂN MÃI, giảng viên trường Đại học Văn Lang