Chung sức ngăn chặn AIDS
Mặc dù công tác phòng chống HIV/AIDS tại Bình Thuận đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, nhưng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng vẫn còn hiện hữu. Tỷ lệ nhiễm HIV qua quan hệ tình dục không an toàn cao, và nhóm nam quan hệ đồng giới vẫn chiếm tỷ lệ nhiễm đáng lo ngại. Vì vậy, các giải pháp phòng ngừa HIV được tăng cường và hướng đến mục tiêu chấm dứt bệnh AIDS.
Không tăng so với cùng kỳ
Tính từ ngày 1/1/2024 - 20/9/2024, các huyện, thị xã, thành phố tại Bình Thuận phát hiện 47 trường hợp nhiễm HIV mới. Trong đó, 41 trường hợp nhiễm mới có địa chỉ tại Bình Thuận; không có sự thay đổi về số lượng nhiễm so với cùng kỳ năm 2023 cũng có 41 trường hợp nhiễm mới. Số trường hợp nhiễm mới vẫn duy trì ở mức tương đương cho thấy mức độ lây nhiễm vẫn còn tiềm ẩn ở các nhóm có hành vi nguy cơ cao trong cộng đồng. Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phân tích những trường hợp nhiễm HIV mới. Tỷ lệ nam nhiễm HIV cao, chiếm 78,72%, trong khi nữ chiếm 21,28%. Về độ tuổi lây nhiễm, nhóm tuổi từ 25 - 49 tuổi chiếm tỷ lệ nhiễm lớn nhất với 63,83%. Nhóm tuổi 15 - 24 tuổi độ tuổi có xu hướng bắt đầu có quan hệ tình dục, sự lây nhiễm HIV cũng ảnh hưởng đến nhóm thanh niên, chiếm tỷ lệ 19,15%. Những nhóm tuổi còn lại 0 - 14 tuổi chiếm 4,26% và 50 tuổi trở lên chiếm 12,77% cũng có tỷ lệ nhiễm HIV nhất định, nhưng thấp hơn.
Hầu hết các trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện qua đường tình dục, chiếm tới 93,62%. Đây là một tỷ lệ rất cao, phản ánh rõ ràng sự lây lan chủ yếu của HIV qua quan hệ tình dục không an toàn. Một phần nhỏ, khoảng 4,26%, là do mẹ truyền sang con. Và 2,13% trường hợp có nguồn gốc không rõ, có thể là do những yếu tố chưa được phát hiện hoặc các hành vi lây nhiễm chưa được giám sát đầy đủ. Đáng chú ý là không có trường hợp nhiễm HIV qua đường máu trong số những trường hợp mới phát hiện, cho thấy các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm HIV tại Bình Thuận đang từng bước được khống chế, với tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư hiện tại dưới 0,2%. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm vẫn còn tiềm ẩn trong cộng đồng, nhất là nguy cơ lây nhiễm qua đường tình dục ở nhóm nam quan hệ đồng giới chiếm 23,40%.
Hơn 96% bệnh nhân đang điều trị ARV
Bình Thuận cũng đã triển khai các biện pháp phòng chống HIV/AIDS khá hiệu quả. Một trong những giải pháp quan trọng là công tác điều trị ARV cho người nhiễm HIV, với tổng số 962 bệnh nhân đang điều trị ARV, chiếm tỷ lệ 96% trong tổng số bệnh nhân HIV hiện quản lý. Các chương trình điều trị bằng thuốc Methadone cho người nghiện ma túy cũng được duy trì và phát triển, giúp giảm nguy cơ nhiễm HIV qua đường tiêm chích. Hệ thống chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS được tổ chức khá tốt với việc triển khai phần mềm quản lý bệnh nhân và kết nối với bảo hiểm y tế. Từ đó, công tác quản lý và điều trị bệnh nhân HIV đã đạt được những kết quả đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV tiếp cận dịch vụ y tế.
Mặc dù tỉnh Bình Thuận đã đạt được một số thành công trong công tác phòng chống HIV/AIDS, nhưng các giải pháp đồng bộ vẫn được tiếp tục thực hiện. Cụ thể, tập trung tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức. Tiếp tục thu dung bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS và bệnh nhân điều trị Methadone đạt mục tiêu đã đề ra. Triển khai có hiệu quả công tác giám sát dịch tễ, giám sát phát hiện trường hợp nhiễm mới. Mở rộng điều trị ARV cho bệnh nhân HIV/AIDS bằng nguồn kinh phí từ bảo hiểm y tế. Triển khai điều trị dự phòng tiền phơi nhiễm HIV khi có đủ điều kiện. Tổ chức có hiệu quả các hoạt động trong tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS.