Chăm sóc thai kỳ để trẻ chào đời khỏe mạnh

Chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai ngày càng được ngành Y tế và các gia đình quan tâm, giúp bà mẹ và trẻ sinh ra đều khỏe mạnh.

Hơn 90% phụ nữ được theo dõi thai kỳ

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, thai phụ nên kiểm tra sức khỏe ít nhất 4 lần trong quá trình mang thai. Ngoài ra, bà bầu phải đi khám ngay nếu có triệu chứng bất thường như: Đau bụng, ra máu, ra dịch bất thường ở âm đạo, phù, nhức đầu, chóng mặt, mờ mắt... Việc khám, quản lý thai nghén từ sớm sẽ giúp bác sĩ nắm chắc tình trạng sức khỏe bà mẹ và thai nhi để tiên lượng, chuẩn bị tốt việc sinh con, đề phòng nguy cơ tai biến khi chuyển dạ.

 Kiểm tra sức khỏe cho phụ nữ mang thai tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang.

Kiểm tra sức khỏe cho phụ nữ mang thai tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc khám thai định kỳ, chị Nguyễn Thị Hiền (SN 1990), tạm trú tại tổ dân phố Dục Quang, phường Bích Động (thị xã Việt Yên) thực hiện đúng lịch khám tại Trung tâm Y tế thị xã. Lần khám mới đây khi thai được 29 tuần tuổi và bị đau bụng, các bác sĩ nhận định thai có dấu hiệu dọa sảy nên chỉ định chị nhập viện điều trị. “Cuối năm, công ty nơi tôi đang làm việc thường xuyên tăng ca, thời gian nghỉ ngơi ít. Cùng đó, việc tôi đi xe máy quá cao cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến đau bụng, dọa sảy thai. Được bác sĩ tư vấn về chăm sóc sức khỏe, chế độ dinh dưỡng cũng như bảo đảm an toàn trong quá trình di chuyển, sức khỏe của tôi đã ổn định”, chị Hiền chia sẻ.

4 thời điểm khám thai theo khuyến cáo của Bộ Y tế:

- Khám thai lần đầu ngay khi chậm kinh, trong vòng 3 tháng đầu để xác định có thai hay không. Căn cứ kết quả, bác sĩ tư vấn các xét nghiệm phát hiện, dự phòng các bệnh lây truyền từ mẹ sang con và tư vấn về sàng lọc trước sinh nhằm phát hiện bất thường ở thai nhi.

- Khám thai lần thứ hai vào 3 tháng giữa của thai kỳ (từ tháng thứ 4 đến đủ 6 tháng) để kiểm tra xem thai có phát triển bình thường không; theo dõi sức khỏe của mẹ và sàng lọc tiểu đường thai kỳ.

- Khám thai lần thứ ba và lần bốn vào 3 tháng cuối của thai kỳ để theo dõi sức khỏe của bà mẹ và sự phát triển của thai nhi; bác sĩ sẽ tư vấn dự kiến ngày sinh và chuẩn bị cho cuộc đẻ, lựa chọn nơi sinh.

Theo Chi cục Dân số tỉnh, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 40 nghìn phụ nữ mang thai, trong đó tỷ lệ được khám thai tối thiểu 4 lần trong toàn bộ thai kỳ chiếm hơn 90%. Khi khám thai, các bà mẹ được xét nghiệm công thức máu, sinh hóa máu, miễn dịch (HIV, viêm gan B, giang mai). Cùng đó được theo dõi cân nặng của mẹ, đo tim mẹ, tim thai, huyết áp mẹ, kích thước tử cung và vòng bụng để theo dõi sự phát triển, sức khỏe thai nhi. Thông qua các xét nghiệm tầm soát dị tật ở thai nhi và những bệnh lý liên quan đến thai kỳ, nhiều dị tật của trẻ được phát hiện ngay từ khi còn trong bụng mẹ.

Tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang, từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận, khám thai cho gần 8,9 nghìn lượt phụ nữ mang thai, qua đó phát hiện, quyết định đình chỉ thai kỳ đối với 56 trường hợp do thai nhi bị dị tật. Chị Đặng Thị T (SN 1994), trú tại xã Lệ Viễn (Sơn Động) cho biết: “Sau khi con gái thứ 3 được xác định bị bệnh tan máu bẩm sinh, ở lần mang thai này, tôi đến Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang khám, làm các xét nghiệm sàng lọc. Khi thai được 16 tuần, các bác sĩ tiến hành chọc ối, xác định thai khỏe mạnh. Hiện tôi tiếp tục thực hiện khuyến cáo của các bác sĩ, duy trì khám thai định kỳ”.

Đẩy mạnh truyền thông, thay đổi nhận thức

Để nâng cao hiểu biết của người dân về lợi ích của việc khám thai định kỳ và quản lý thai nghén, thời gian qua, cơ quan chuyên môn, các cơ sở y tế của tỉnh có nhiều đổi mới trong công tác truyền thông. Từ đầu tháng 11 đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức 6 lớp tập huấn cho cán bộ y tế tuyến huyện, các trạm y tế xã, phường, thị trấn về chăm sóc sức khỏe bà mẹ giai đoạn trước sinh. Các học viên được truyền đạt kiến thức, hướng dẫn chuyên môn về chăm sóc sức khỏe bà mẹ như: Chăm sóc trước khi có thai, trong thời gian mang thai, phát hiện và xử trí các trường hợp thai nghén có nguy cơ, quản lý thai nghén…

Từ tháng 3/2024, Khoa Phụ sản - Chăm sóc sức khỏe sinh sản (Trung tâm Y tế thị xã Việt Yên) có sáng kiến gọi điện thoại tư vấn, hỗ trợ phụ nữ mang thai trên địa bàn về quản lý, chăm sóc sức khỏe. Đến nay, cán bộ của khoa đã gọi điện tư vấn cho hơn 1,4 nghìn trường hợp, chiếm 81% tổng số phụ nữ mang thai trên địa bàn. Bác sĩ Lê Thị Thúy Hương, Phó Trưởng Khoa Phụ sản - Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho biết: “Chúng tôi thông báo trước đến thai phụ chỉ sử dụng một số điện thoại để liên lạc, đồng thời yêu cầu cán bộ, bác sĩ phải giới thiệu rõ tên, chức danh trước khi tư vấn. Nhờ đó, nhiều trường hợp đang mang thai đã đến trung tâm kiểm tra, làm các xét nghiệm liên quan”.

Để nâng cao chất lượng dân số, từ năm 2021, UBND tỉnh triển khai chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Căn cứ tình hình thực tế, hằng năm, Sở Y tế xây dựng kế hoạch thực hiện. Các trung tâm y tế tuyến huyện trên địa bàn đều được trang bị đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho bà mẹ mang thai tiếp cận các dịch vụ khám sức khỏe định kỳ và theo dõi sự phát triển một cách tốt nhất.

Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang đã triển khai, làm chủ hầu hết các kỹ thuật sàng lọc trước sinh như: Chọc ối xâm lấn; xét nghiệm sàng lọc dị tật thai nhi, dị tật ống thần kinh… Bác sĩ Hán Mạnh Cường, Trưởng Khoa Sản 2 (Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang) cho biết: “Chăm sóc sức khỏe trong thời gian mang thai rất quan trọng, giúp bà mẹ có sức khỏe, dinh dưỡng tốt, giảm nguy cơ tai biến sản khoa và tử vong liên quan thai sản. Thai nhi có cơ hội phát triển tốt, giảm nguy cơ suy dinh dưỡng, nguy cơ tử vong sơ sinh, khởi đầu cho sự phát triển toàn diện của em bé sau này”.

Bài, ảnh: Dương Sơn

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/cham-soc-thai-ky-de-tre-chao-doi-khoe-manh-103111.bbg
Zalo