Chứng khoán tuần mới (từ 16 đến 20/12): Điều chỉnh lành mạnh?

Sau 3 tuần phục hồi liên tiếp, tuần giao dịch từ 9 đến 13/12 chứng kiến thị trường điều chỉnh nhẹ với thanh khoản thấp. Các chuyên gia cho rằng đây là nhịp điều chỉnh lành mạnh để thị trường có thể tiếp tục đi lên.

Chỉnh nhẹ

Kết tuần, chỉ số VNIndex dừng chân tại 1262,57 điểm, giảm 7 điểm tương đương 0,6%. Các dòng, các nhóm cổ phiếu đều điều chỉnh nhẹ.

Trong đó, dòng ngân hàng có STB và TCB tăng nhẹ sau một tuần giao dịch. Trong khi đó LPB giảm mạnh hơn 3%, VCB, ACB, VPB giảm 1-2%. Cá biệt HDB ngược dòng tăng mạnh gần 6%.

Dòng chứng khoán cũng điều chỉnh từ 1-3%, riêng có BSI tăng mạnh hơn 3%. Nhóm cổ phiếu thép giảm nhẹ 1-2%. Hai cổ phiếu nhỏ TLH và SMC tăng mạnh lần lượt 5,88% và 9,62%.

Nhóm cổ phiếu bất động sản hầu hết đều điều chỉnh với VHM -2%, VIC - 2,5%, GVR -2%, NHA - 2,53%, DPG -4,17%, LHG -2,27%, KBC -2,96% . Sắc xanh chỉ còn le lói với KDH +1,9%, AGG + 1,89%...

Trao đổi với PetroTimes, bà Nguyễn Thị Bích Tuyền chia sẻ, thị trường tuần qua đóng với nến đỏ với volume thấp, sát đường MA10 tuần. Dù có nhiều nỗ lực, nhưng lực cầu giá cao vẫn đang có vẻ yếu thế khi tuần sau là tuần đáo hạn phái sinh (ngày 19/12) và cuộc họp của FED (ngày 18/12).

Một số tin tức có thể ảnh hưởng đến thị trường gồm xuất khẩu tháng 11/2024 của Trung Quốc tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái, có xu hướng tăng chậm lại sau khi ông Trump đe dọa áp thuế bổ sung 10% với hàng hóa Trung Quốc, kèm theo đó nhu cầu toàn cầu cung không tăng nhiều.

Ngoài ra, tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC cho rằng nhu cầu dầu toàn cầu có thể tăng 1.61 triệu thùng/ngày trong năm 2024, giảm 210 nghìn thùng/ngày so với mức dự báo trước. OPEC cho rằng việc điều chỉnh này là do dữ liệu cập nhật trong 3 quý đầu năm nay và giá dầu có xu hướng giảm gần đây do lo ngại nhu cầu toàn cầu sẽ chậm lại.

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ tăng bất ngờ trong tuần qua làm tăng lo ngại về sức khỏe của thị trường lao động. Giá sản xuất PPI tăng vượt dự báo, nhưng giá dịch vụ tiếp tục đà giảm. Dù các số liệu đang trài chiều, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng FED tiếp tục sẽ hạ lãi 0.25 điểm phần trăm trong tuần sau.

Trong nước, các chuyên gia cho biết xuất khẩu dự báo tăng tiếp trong năm 2025 nhờ động lực sẵn có từ năm 2024. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng tăng 15.8%, cao gần 3 lần so với mục tiêu được giao, cán cân thương mại duy trì ở mức cao.

Theo dữ liệu từ cục đầu tư nước ngoài, 11 tháng qua, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần đạt gần 31.4 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư 18/21 ngành; đáng chú ý là vốn FDI chảy vào BĐS đứng thứ hai, chiếm hơn 17.9% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 89.1% so với cùng kỳ.

Điều chỉnh để lên?

Mặc dù VN-Index có tới 4/5 phiên giảm điểm tuần qua nhưng các chuyên gia không cho rằng đó là tín hiệu đáng lo ngại. Thậm chí sau những nhịp tăng tốt ban đầu cũng như phiên bùng nổ ngày 5/12, việc thị trường chậm lại, đi lùi là một tín hiệu lành mạnh.

Có nhiều yếu tố giúp các chuyên gia tự tin ở nhịp điều chỉnh tuần qua. Đó là sức ép giảm giá rất nhẹ và VN-Index lùi xuống đúng ngưỡng đã được dự kiến trước quanh 1260 điểm. Thanh khoản trong các phiên giảm tuần qua rất nhỏ, giá trị khớp lệnh trung bình trên hai sàn HoSE và HNX chỉ đạt hơn 12.200 tỷ đồng/phiên với ngày thứ Hai cao nhất là hơn 13.700 tỷ và ngày cuối tuần thấp nhất chỉ hơn 10.100 tỷ đồng.

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS cho rằng điểm tích cực là thị trường không điều chỉnh nhiều về mặt điểm số và vẫn đang đứng trên vùng hỗ trợ mốc 1260 điểm. Tuần đáo hạn phái sinh và giai đoạn cơ cấu danh mục sắp tới cũng là những sự kiện có thể khiến thị trường giao dịch khởi sắc hơn. Rất nhiều phiên đáo hạn mà các chỉ số cũng ghi nhận tăng điểm. Với số liệu lạm phát, chỉ số tiêu dùng cá nhân hiện nay – FED vẫn có thể sẽ hạ tiếp lãi suất 0,25% trong tuần tới – thông tin mà nhiều nhà đầu tư toàn cầu mong đợi về xu thế đảo chiều chính sách, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Còn theo bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng, thường giai đoạn cuối năm, dòng tiền sẽ có xu hướng không được dồi dào, mang tính vụ mùa nhiều, có thể một phần do cũng gần dịp lễ tết. Vì vậy, việc thị trường đón nhận dòng tiền mua mạnh vào phiên 5/12 cũng như vẫn duy trì được lực cầu giá thấp khi thị trường điều chỉnh về 1260 – 1250, theo chúng tôi là tín hiệu đáng phải lưu tâm.

Bà Liên cũng lưu ý vào thời điểm này, gần như các số liệu kinh doanh cả năm 2024 đều đã tương đối rõ và đã được phản ánh phần lớn. Vì vậy, việc dòng tiền tham gia mạnh gần đây theo quan điểm của tôi là thể hiện sự kì vọng vào bức tranh nền kinh tế trong 2025 nhiều hơn, đặc biệt trong bối cảnh tổng thống Trump sẽ nhậm chức vào đầu tháng 1/2025.

"Do đó, tôi tin rằng lực cầu bắt đáy mạnh gần đây có thể xem như là dòng tiền thông minh. Họ tham gia và đón đầu những xu thế mới trong nửa đầu 2025 khi triển vọng kinh tế tương đối sáng sủa hơn khi xung đột Ukraine – Nga được kì vọng sớm chấm dứt trong bối cảnh FED được kì vọng sẽ tiếp tục hạ lãi suất cũng như tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn tăng khá mạnh cho cả năm 2024 và kì vọng 8% cho 2025" - bà Liên nhấn mạnh

Yên Chi

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/chung-khoan-tuan-moi-tu-16-den-2012-dieu-chinh-lanh-manh-722031.html
Zalo