Gen Z và xu hướng 'đa nguồn thu nhập'

Trong khi thế hệ trước đây thường gắn liền với câu nói 'một nghề cho chín còn hơn chín nghề', thì hiện nay, Gen Z đang thổi một làn gió mới với xu hướng đa nguồn thu nhập. Tại các quán cà phê, trong văn phòng hay thậm chí là tại thư viện, không khỏi bắt gặp những người trẻ vừa xử lý tài liệu học tập vừa điều hành các dự án cá nhân hay làm các công việc freelance.

Độc lập tài chính ngay từ sớm

Khái niệm “đa nguồn thu nhập” đã không còn xa lạ với thế hệ Gen Z. Họ tận dụng mọi cơ hội có được, từ công việc toàn thời gian, bán hàng online, làm freelancer, đến sáng tạo nội dung trên mạng xã hội. Những công việc này không chỉ giúp họ gia tăng thu nhập mà còn mở ra cơ hội phát triển kỹ năng và khám phá những tiềm năng mới.

Theo báo cáo của công ty kiểm toán quốc tế Deloitte, khảo sát với hơn 22.841 người trẻ tuổi từ 44 quốc gia, trong đó có 14.468 người thuộc Gen Z và 8.373 người thuộc gen Y. Kết quả cho thấy, cứ 10 người thì sẽ có tới 3 người tham gia khảo sát cảm thấy không an toàn về vấn đề tài chính (chiếm 30%).

Điều này phản ánh thực trạng nhiều người trẻ đang đối mặt với áp lực kinh tế trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao. Trước những thách thức đó, nhiều bạn trẻ đã chủ động tìm kiếm các công việc làm thêm hoặc nghề tay trái để tăng nguồn thu nhập và giảm bớt gánh nặng tài chính.

Cũng giống như nhiều bạn trẻ hiện nay, Lê Thùy Trang, sinh viên năm cuối Trường Đại học Ngoại Thương, luôn cố gắng cân bằng giữa việc học tập và các công việc khác. Ngoài việc tập trung vào các môn học, Trang hiện đang là thực tập sinh tại Ngân hàng HSBC, một cơ hội tốt để cô nàng tích lũy thêm kinh nghiệm và chuẩn bị cho sự nghiệp sau khi ra trường.

Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, Trang còn chủ động tìm kiếm các cơ hội khác để phát triển bản thân và tạo ra nguồn thu nhập cho mình. Cô nàng tận dụng thời gian rảnh để dạy thêm Tiếng Anh, vừa giúp đỡ học sinh nâng cao trình độ, vừa mang lại một khoản thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống.

Lê Thùy Trang, sinh viên năm cuối Trường Đại học Ngoại thương.

Lê Thùy Trang, sinh viên năm cuối Trường Đại học Ngoại thương.

Tương tự, Phạm Văn Mạnh (25 tuổi), hiện đang là công chứng viên tại Hải Phòng. Anh chia sẻ, dù công việc văn phòng mang lại sự ổn định, nhưng anh vẫn cảm thấy có nhiều quỹ thời gian trống vẫn còn khá nhiều. Vì vậy, anh đã nghĩ tới chuyện sẽ làm thêm một công việc khác để đỡ phí thời gian và tăng thêm thu nhập. Vì vậy, anh bắt đầu nghĩ đến việc tìm thêm một công việc khác vừa để tận dụng thời gian, vừa cải thiện thu nhập. Sau khi cân nhắc, anh nhận ra mình có năng khiếu và đam mê viết lách, anh quyết định thử sức với công việc viết content như một nghề tay trái.

“Sáng mình xử lý công việc giấy tờ trên văn phòng, đến tối mình dành thời gian viết bài cho khách hàng. Có khi thức đến một, hai giờ sáng nhưng mình vẫn thấy vui vì bản thân được làm công việc yêu thích. Hơn nữa, công việc này giúp mình có thêm được một khoản thu nhập kha khá để trang trải cuộc sống. Điều đó cũng mang lại cho mình một cảm giác hài lòng và độc lập”.

Việc xây dựng nguồn thu nhập đa dạng không chỉ mang lại sự độc lập tài chính từ rất sớm cho thế hệ Gen Z, mà còn giúp họ tích lũy và phát triển nhiều kỹ năng mềm như quản lý thời gian, giao tiếp, và giải quyết vấn đề. Điều này mở ra cơ hội để họ khám phá tiềm năng bản thân, thử nghiệm các lĩnh vực mới, từ đó định hình sự nghiệp tương lai. Bên cạnh đó, việc làm đa nguồn còn giúp Gen Z linh hoạt ứng phó với những biến động kinh tế, giảm bớt phụ thuộc vào một công việc chính, và tăng khả năng thích nghi trong môi trường lao động hiện đại.

Người trẻ yêu thích sự tự do, cả trong tư duy lẫn cách làm việc. Khác với thế hệ cha mẹ họ, những người thường theo đuổi sự ổn định trong một công việc duy nhất, Gen Z lại tìm kiếm cơ hội phát triển qua nhiều lĩnh vực khác nhau.

Khi sự tự do trở thành áp lực

Áp lực làm nhiều công việc cùng lúc khiến không ít bạn trẻ rơi vào trạng thái kiệt sức. Làm nhiều công việc đòi hỏi sự quản lý thời gian và sức khỏe chặt chẽ. Nhiều bạn trẻ chia sẻ, họ thường xuyên cảm thấy kiệt sức vì không có thời gian nghỉ ngơi.

Chị Lê Ngọc Ánh (25 tuổi), hiện đang làm product seller tại một công ty thương mại điện tử ở Hà Nội, cảm thấy khó khăn khi phải xử lý nhiều công việc cùng một lúc. Bên cạnh công việc chính, Ánh còn nhận thêm các job freelance ngoài về editor và designer để tăng thêm thu nhập, dù điều này đôi khi khiến bản thân cảm thấy căng thẳng.

“Thách thức lớn nhất mà mình gặp phải khi làm nhiều công việc cùng một lúc chính vấn đề về quản lý thời gian. Những công việc mà mình làm đều khác nhau hoàn toàn về lĩnh vực và tính chất, mỗi công việc đều có yêu cầu riêng và đòi hỏi sự tập trung cao độ. Vì thế, nếu không phân bổ thời gian hợp lý và theo đúng timeline mà mình tự đặt ra, mình sẽ dễ dàng bị chậm tiến độ, khiến bản thân phải làm việc quá sức, đôi khi phải làm việc đến khuya hoặc vào cuối tuần để hoàn thành các deadline của cả hai công việc”, Ánh chia sẻ.

Việc cân bằng nhiều công việc cùng lúc khiến Ánh cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi.

Việc cân bằng nhiều công việc cùng lúc khiến Ánh cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi.

Ánh chia sẻ thêm, có những ngày cao điểm, khi lượng công việc từ cả hai bên đều chất đống, bản thân đã phải chạy đua với thời gian, xử lý các công việc liên tiếp mà không có thời gian nghỉ ngơi. Chính vì vậy, Ánh lúc nào cũng cảm thấy kiệt sức, trong suy nghĩ lúc nào cũng muốn buông bỏ một hoặc thậm chí cả hai công việc.

Cũng như Ngọc Ánh, Phương Thùy (19 tuổi) tận dụng thời gian rảnh rỗi để theo đuổi đam mê móc len thủ công. Công việc này không chỉ đem lại cho Thùy một khoản thu nhập khá, mà còn trang trải được học phí phụ giúp gia đình. Không dừng lại ở đó, Thùy quyết định thử sức với một công việc part-time tại một công ty truyền thông, vừa để lấp đầy quỹ thời gian trống, vừa tích lũy thêm kinh nghiệm thực tế.

“Móc len giúp mình thư giãn và kiếm thêm tiền, nhưng công việc ở công ty lại là nơi mình học hỏi kỹ năng làm việc nhóm và quản lý thời gian”, Thùy chia sẻ.

Công việc móc len mang lại cho Thùy một khoản thu nhập khá để đóng học phí và phụ giúp gia đình.

Công việc móc len mang lại cho Thùy một khoản thu nhập khá để đóng học phí và phụ giúp gia đình.

Nhưng dần dần, Thùy nhận ra sự tự do này cũng có thể trở thành áp lực vô hình. Khi lịch học trên trường ngày càng dày đặc, cộng với những kỳ vọng từ bản thân và những người xung quanh, Thùy bắt đầu cảm thấy căng thẳng. “Có những ngày mình chạy từ lớp học tới công ty để hoàn thành công việc mà sếp đưa ra. Tối đến, mình ăn vội bát mì tôm để tranh thủ móc len cho xong để kịp gửi khách”.

Sự tự do trong việc quản lý thời gian, vốn là điểm hấp dẫn của việc làm thêm, đôi khi khiến Thùy phải đối mặt với nỗi lo “không làm đủ tốt” cả ở việc học lẫn công việc. Vì vậy mà cô nàng tạm gác công việc còn móc len để tập trung vào việc học trên trường và công việc part time tại công ty. “Khi giảm bớt áp lực, mình không chỉ cảm thấy nhẹ nhàng hơn mà còn làm việc hiệu quả hơn. Đôi khi, chọn giảm tải là cách để tiến xa hơn”, Thùy bộc bạch.

Có thể thấy, nhiều người trẻ đang lựa chọn ôm đồm nhiều công việc cùng lúc với mong muốn tăng thu nhập và khám phá khả năng của bản thân. Điều này cho thấy một thế hệ trẻ đầy năng lượng và không ngừng thử thách giới hạn cá nhân.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích như sự độc lập tài chính hay cơ hội phát triển đa kỹ năng, việc chạy đua với lịch trình bận rộn cũng khiến không ít bạn trẻ rơi vào trạng thái kiệt sức. Họ dễ dàng đối mặt với áp lực từ kỳ vọng cá nhân lẫn xã hội. Điều quan trọng hơn cả là mỗi người trẻ cần hiểu rõ năng lực và giới hạn của bản thân, để khát vọng tự do không biến thành áp lực đè nặng trên vai. Điều này không chỉ giúp họ duy trì sức khỏe tinh thần mà còn tạo nền tảng để đạt được những mục tiêu lâu dài.

(Ảnh: NVCC)

Phương Mai

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/gen-z-va-xu-huong-da-nguon-thu-nhap-post1700668.tpo
Zalo