Chứng khoán tiếp tục xanh và kịch bản của Vn-Index

Hôm nay (12/8), Vn-Index tăng hơn 6 điểm, đánh dấu phiên thứ hai liên tiếp đi lên. Các công ty chứng khoán cũng đã đưa ra các dự báo về kịch bản tăng trưởng của Vn-Index từ nay đến cuối năm.

VN-Index tăng phiên thứ hai liên tiếp

Phiên giao dịch đầu tuần hôm nay, chỉ số VN-Index có hai lần xuống dưới mức tham chiếu. Sau đó, với sự hỗ trợ từ một số cổ phiếu trụ cột, chỉ số đại diện sàn đi lên. Kết phiên trưa, VN-Index tăng 3,74 điểm, đạt mức 1.227,38 điểm.

Sang phiên chiều, sau ít phút rung lắc, sức cầu trở lại giúp VN-Index đảo chiều, về mức tham chiếu và đi lên. Đóng cửa phiên, VN-Index dừng ở mức 1.230,28 điểm, tăng 6,64 điểm (0,54%); VN30-Index tăng 6,6 điểm (0,52%), lên mức 1.271,44 điểm.

 Tin tốt từ thị trường quốc tế đã hỗ trợ cho thị trường chứng khoán trong nước (ảnh minh họa).

Tin tốt từ thị trường quốc tế đã hỗ trợ cho thị trường chứng khoán trong nước (ảnh minh họa).

Nhóm cổ phiếu tăng giá chiếm ưu thế với 238 mã đi lên, 168 mã đi xuống. Tại nhóm VN30, số mã tăng-giảm giá lần lượt là 19 mã và 8 mã. Hầu hết các ngành tăng điểm, trong đó phần mềm, vận tải, viễn thông, phân phối và bán lẻ hàng lâu bền, năng lượng, dịch vụ tài chính tăng trên 1%.

Cổ phiếu phần mềm diễn biến tích cực nhất, trong đó FPT tăng 2,44%, đóng góp nhiều nhất vào chỉ số VN-Index với hơn 1,1 điểm. Cổ phiếu HVN đóng góp gần 0,75 điểm, GVR đóng góp xấp xỉ 0,7 điểm. Cổ phiếu ngân hàng: là MBB, VPB, CTG và cổ phiếu chứng khoán SSI cũng đóng góp tích cực vào sự đi lên của thị trường.

Tuy nhiên, thanh khoản thị trường vẫn thấp, đạt 14.000 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài trở lại mua ròng. Khối này mua gần 1.600 tỷ đồng và bán xấp xỉ 1.564 tỷ đồng.

Trên sàn Hà Nội, HNX-Index dừng ở mức 230,77 điểm, tăng 1,39 điểm (0,6%); HNX30-Index tăng 6,48 điểm (1,31%), lên 501,28 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt gần 1.000 tỷ đồng.

Sau phục hồi là tăng trưởng

Tuần qua, VN-Index đã nhanh chóng lấy lại mốc trên 1.200 điểm nhờ nhiều thông tin tốt trong nước, quốc tế hỗ trợ cho chứng khoán phục hồi. Ở trong nước, kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng vượt dự báo.

Theo khối phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect, lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp niêm yết trong quý II tăng trưởng trên 20% so với cùng kỳ, vượt dự báo trước đó của thị trường (chỉ 5-10%).

Nhận định của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng, thị trường tháng 8 sẽ có khoảng trống thông tin, sau khi doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý II. Do đó, thị trường phụ thuộc nhiều vào triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp vốn hóa lớn, tăng trưởng GDP.

Còn theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt: Song hành cùng mức tăng trưởng kinh tế cao trong nửa đầu năm, kết quả kinh doanh 6 tháng của các doanh nghiệp niêm yết ghi nhận xu hướng phục hồi và tăng trưởng ở hầu hết các nhóm ngành, đặc biệt từ đầu quý hai nhờ tăng trưởng quy mô, cải thiện vòng quay tài sản và biên liên lơịnhuận.

Ước tính chỉ số EPS (lợi nhuận trên 1 cổ phiếu lũy kế 12 tháng) toàn thị trường đã tăng trưởng 10% tính đến cuối quý II. Cho cả năm 2024, nhóm phân tích của công ty ước tính tăng trưởng EPS toàn thị trường có thể đạt mức 14 -18% với động lực đến từ các nhóm ngành ngân hàng và bất động sản, và xu hướng tăng trưởng được duy trì ở các nhóm ngành còn lại.

“Mức chênh lệch lợi tức trên 4% thường chỉ xảy ra khi có cơn gió ngược bất ngờ, và thường qua đi nhanh chóng, giúp thị trường sớm tái cân bằng và phục hồi. Do vậy, với tăng trưởng EPS 4 quý gần nhất (tính đến quý II/2024) là 10% so với lũy kế EPS 4 quý (tính đến quý/2023), thì vùng P/E hợp lý trong quý III/2024 của chỉ số có thể kỳ vọng là 14x -15x (tương ứng mức chênh lệch lợi tức 3,5% - 4%), tương ứng vùng điểm VN-Index giao dịch cân bằng là 1.237 - 1.325 điểm”, bản tin nhấn mạnh.

Trong khoảng thời gian dài hơn, dựa vào triển vọng tăng trưởng lợi nhuận (14%-18%) và kịch bản P/E giao dịch trong vùng 13,5x - 15x, theo Chứng khoán Rồng Việt, vùng điểm hợp lý của VN-Index sau khi phản ánh kết quả tăng trưởng lợi nhuận kinh doanh cả năm 2024 là 1.236 - 1.420 điểm.

“Các rủi ro vẫn đang hiện hữu trên thị trường bao gồm: Thông điệp và quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của FED; Căng thẳng địa chính trị và thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước. Mặc dù đến cuối cùng, những cơn gió ngược rồi sẽ qua đi, thị trường chứng khoán thường phản ứng mạnh và tiêu cực hơn so với thực tế. Điều này có thể khiến chỉ số VN-Index biến động tiêu cực hơn kỳ vọng của chúng tôi.

Các cơ hội đầu tư được lựa chọn cho nửa cuối năm của chúng tôi là những doanh nghiệp duy trì được xu hướng phục hồi/ tăng trưởng lợi nhuận ở các ngành hàng tiêu dùng, thép, ngân hàng, khu công nghiệp, thủy sản. Ngoài ra, nhóm ngành dệt may cũng là nhóm ngành mà nhà đầu tư có thể quan tâm trở lại nếu có sự chiết khấu mạnh về giá cổ phiếu trong các đợt điều chỉnh của thị trường khi mà xu hướng lợi nhuận của ngành này là khả quan”, các nhà phân tích cho hay.

An Hạ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chung-khoan-tiep-tuc-xanh-va-kich-ban-cua-vn-index-post307370.html
Zalo