Cổ phiếu blue-chips hãm đà rơi của VN-Index

Sự trở lại của VHM sáng nay đem lại chút hi vọng mới vì dù sao cổ phiếu này cũng có vốn hóa lớn thứ 4 của chỉ số VN-Index. Cộng thêm một số blue-chips khác chững đà giảm, VN-Index được neo sát tham chiếu với thanh khoản tăng xấp xỉ 20% trên sàn HoSSE...

Phân bổ thanh khoản cho thấy dòng tiền tập trung trội hơn ở nhóm tăng giá.

Phân bổ thanh khoản cho thấy dòng tiền tập trung trội hơn ở nhóm tăng giá.

Sự trở lại của VHM sáng nay đem lại chút hi vọng mới vì dù sao cổ phiếu này cũng có vốn hóa lớn thứ 4 của chỉ số VN-Index. Cộng thêm một số blue-chips khác chững đà giảm, VN-Index được neo sát tham chiếu với thanh khoản tăng xấp xỉ 20% trên sàn HoSSE.

VHM sau hai phiên lao dốc nặng với thanh khoản rất cao, đến sáng nay đã có nhịp nảy trở lại. Biên độ tăng mạnh nhất trong nửa đầu phiên của trụ này tới 1,82%. Tuy nhiên sức ép vẫn còn nên đến cuối phiên mức tăng chỉ là 0,11% so với tham chiếu. Điểm tốt là cùng với VHM, một số trụ khác vẫn giữ được màu xanh.

VN30-Index chốt phiên sáng tăng nhẹ 0,05% trong khi VN-Index giảm 0,02%. Độ rộng nhóm blue-chips cân bằng với 14 mã tăng/12 mã giảm. Trong 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất, có 6 mã tăng/3 mã giảm: VCB tăng 0,33%, VHM tăng 0,11%, HPG tăng 0,57%, TCB tăng 0,21%, VIC tăng 0,36% và VPB tăng 0,5%. Bên giảm có BID giảm 0,31%, FPT giảm 0,3% và CTG giảm 0,86%.

Sự giằng co cân bằng trong nhóm trụ lớn nhất nói riêng và cả rổ VN30 nói chung góp phần hãm đà rơi của VN-Index rõ ràng. Độ rộng tổng thể của chỉ số vẫn nghiêng về phía giảm với 145 mã đỏ/179 mã xanh, nhưng đây vẫn là sự cân bằng rất tốt so với phiên hôm qua. Điều này trước hết là nhờ áp lực bán giá thấp đã giảm cường độ, hoặc ít nhất là giảm trong phiên sáng.

Dù thanh khoản có sự gia tăng tới 20% ở HoSE nhưng không có cổ phiếu nào thu hút dòng tiền nổi bật để có thể phục hồi rõ rệt. Trong 145 mã xanh có 34 mã tăng trên 1% nhưng đều là các mã giao dịch rất ít. Nổi bật chỉ có DXG tăng 3,38% thanh khoản 271,1 tỷ; PDR tăng 2,11% khớp 135,6 tỷ; DIG tăng 2,42% khớp 94,7 tỷ; HDC tăng 1,66% với 69,3 tỷ. Có thể thấy một số mã bất động sản đang phục hồi sau nhịp giảm mạnh. Tổng thanh khoản nhóm tăng mạnh nhất này chỉ chiếm khoảng 14,9% giao dịch sàn HoSE.

Phía giảm cũng không cho thấy sức ép như trước. Trong 179 mã đỏ, có 38 mã giảm hơn 1% thì thanh khoản lớn nhất là GVR với 52,7 tỷ đồng, giá giảm 1,22%. Thậm chí trong 38 mã này chỉ 4 mã có thanh khoản quá được 10 tỷ đồng. Sau GVR là HAG giảm 1,42% khớp 41,2 tỷ; FRT giảm 1,05% khớp 23,5 tỷ; SCS giảm 1,55% khớp 15,9 tỷ. Tổng thanh khoản nhóm này chiếm chưa tới 3% thanh khoản sàn.

Như vậy, giao dịch sáng nay tập trung chủ đạo ở nhóm dao động rất hẹp và đó là tín hiệu tốt. Sau một đợt bán tháo mạnh khiến giá giảm nhanh thì việc hãm đà rơi là tín hiệu đầu tiên. Động lực khiến giá giảm là từ phía bán, nên người bán giảm lực xả là điều kiện quan trọng. Dù vậy tín hiệu một buổi sáng chưa đáng tin cậy. Nhiều phiên thị trường cũng khá cân bằng buổi sáng nhưng lại đột biến trong buổi chiều khi lượng hàng tiếp tục về tài khoản.

Mặt khác, sau những phiên giảm nhanh như hôm qua thị trường thường chững lại một chút khi lượng cổ phiếu dễ hoảng loạn nhất đã được xả ra một phần. Điều quan trọng là nhà đầu tư cầm tiền vẫn đang chờ đợi và giao dịch chậm. Hiệu quả nâng giá ở cổ phiếu sáng nay rất mờ nhạt. Cụ thể, thống kê ở HoSE chỉ có khoảng 20% số cổ phiếu phát sinh giao dịch đạt biên độ phục hồi hơn 1% so với giá thấp nhất. Phần lớn thanh khoản sáng nay vẫn tập trung ở chiều giảm giá của cổ phiếu và nhịp hồi thực tế chỉ xuất hiện trong khoảng 30 phút cuối.

Nhà đầu tư nước ngoài duy trì cường độ giao dịch thấp, vẫn bán ròng 111,6 tỷ đồng ở HoSE. Chỉ vài mã bị bán nổi hơn phần còn lại là MSN -55,2 tỷ, DGC -34,9 tỷ, TCB -22,4 tỷ. Bên mua có MWG +53,2 tỷ, VPB +42,4 tỷ, TPB +28 tỷ và DBD +27,5 tỷ.

Kim Phong

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/co-phieu-blue-chips-ham-da-roi-cua-vn-index.htm
Zalo