Chứng khoán Phú Hưng dự báo lỗ sau thuế năm 2024 hơn 10 tỷ đồng
Trong nghị quyết hội đồng quản trị mới công bố của Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng, Công ty dự báo năm 2024 lỗ sau thuế hơn 10 tỷ đồng. Trong khi đó cùng kỳ năm ngoái Công ty báo lãi sau thuế đạt 44,5 tỷ đồng.
Cụ thể, trong nghị quyết hội đồng quản trị mới công bố của Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng (mã ck: PHS), dự toán tình hình tài chính năm 2024 của PHS cho thấy một bức tranh đầy thách thức khi doanh thu hoạt động dự kiến chỉ đạt khoảng 479,8 tỷ đồng, với sự sụt giảm trong tất cả các mảng kinh doanh từ tự doanh, kinh doanh vốn đến môi giới.
Lợi nhuận sau thuế cả năm 2024 ước tính âm 10,7 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lãi 44,5 tỷ đồng năm 2023. Báo cáo tài chính quý III/2024 của PHS cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế 9 tháng chỉ đạt hơn 1,4 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc PHS lỗ khoảng 12 tỷ đồng trong quý cuối năm 2024.
Theo nhận định của PHS, thị trường chứng khoán năm 2024 trải qua nhiều biến động khó lường. VN-Index đã có giai đoạn bùng nổ trong quý I/2024 với mức tăng trưởng 13,6%, được thúc đẩy bởi các yếu tố tích cực như điều hành kinh tế vĩ mô hiệu quả, hoạt động sản xuất phục hồi và triển vọng nâng hạng thị trường.
Tuy nhiên, từ tháng 4 trở đi, thị trường không duy trì được xu hướng tăng mà chuyển sang trạng thái giằng co với biên độ rộng, thất bại tới sáu lần trong việc vượt qua ngưỡng kháng cự 1.300 điểm.
PHS đánh giá rằng, dù bức tranh kết quả kinh doanh toàn thị trường vẫn tăng trưởng, thị trường chứng khoán dường như mất đi sức hút với cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Làn sóng bán tháo của nhà đầu tư nước ngoài không chỉ xuất hiện ở Việt Nam mà còn lan rộng sang các thị trường mới nổi khác trong khu vực.
Trong khi đó, dòng vốn nội, lực đỡ chính của thị trường, đang có xu hướng chuyển hướng sang các kênh đầu tư hấp dẫn hơn như bất động sản, vàng và gửi tiết kiệm. Điều này dẫn đến thanh khoản thị trường chứng khoán sụt giảm đáng kể.
Sự suy giảm kinh tế ở các quốc gia lớn như Trung Quốc và Ấn Độ đã kéo giảm đà tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng đáng kể, với dự báo của IMF đạt 6,1% trong năm 2024, cao hơn trung bình khu vực và vượt qua nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan. Điều này tạo tiền đề tích cực cho năm 2025, khi Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5-7%, thậm chí phấn đấu đạt 7-7,5%.
PHS kỳ vọng, nhờ vị thế địa chính trị đặc biệt, chiến lược ngoại giao linh hoạt và các biện pháp thúc đẩy kinh tế quyết liệt trong năm cuối của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, nền kinh tế Việt Nam sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ hơn vào năm 2025.
Đồng thời, thị trường chứng khoán Việt Nam đang tiến đến vùng định giá hấp dẫn, với kỳ vọng lợi nhuận toàn thị trường tăng 18% cuối năm 2024 và tiếp tục duy trì mức tăng trưởng hai chữ số vào năm 2025. Mức P/E dự phóng năm 2025 của VN-Index hiện đã về vùng thấp trong lịch sử, đặc biệt hấp dẫn nếu so sánh với các thị trường mới nổi khác.
Năm 2025 hứa hẹn là cột mốc quan trọng với thị trường chứng khoán Việt Nam, khi tâm điểm sẽ là câu chuyện nâng hạng thị trường.
Thành công trong việc nâng hạng không chỉ mở ra cơ hội thu hút dòng vốn ngoại mà còn cải thiện tính minh bạch, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư. Các nút thắt về cơ chế như Prefunding đã được tháo gỡ và thị trường kỳ vọng sẽ sớm triển khai các sản phẩm giao dịch mới như T+0, bán khống và phái sinh./.
Với triển vọng tích cực, PHS đặt kế hoạch đầy tham vọng cho năm 2025 với tổng doanh thu dự kiến đạt 743,5 tỷ đồng, tổng chi phí 613,2 tỷ đồng, mang lại 130,3 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 103,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Đây được kỳ vọng là bước đột phá, đánh dấu sự hồi phục mạnh mẽ của công ty sau giai đoạn khó khăn.