Chứng khoán Mỹ 'xanh' dù cổ phiếu công nghệ bị bán tháo, giá dầu tăng mạnh do tin chiến tranh

Giá bitcoin vượt mốc 99.000 USD do nhà đầu tư tiếp tục đặt cược vào sự bùng nổ của lĩnh vực tiền ảo trong thời gian tới...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (21/11), khi nhà đầu tư mua mạnh các nhóm cổ phiếu được cho là sẽ hưởng lợi từ sự tăng tốc của nền kinh tế, đồng thời bán cổ phiếu công nghệ. Giá dầu thô tăng gần 2% sau khi có tin Nga và Ukraine dùng tên lửa để tấn công lẫn nhau.

Giá bitcoin vượt mốc 99.000 USD do nhà đầu tư tiếp tục đặt cược vào sự bùng nổ của lĩnh vực tiền ảo trong thời gian tới.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 461,88 điểm, tương đương tăng 1,06%, đạt 43.870,35 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,53%, đạt 5.948,71 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,03%, đạt 18.972,42 điểm.

“Tuần này tuần mà mọi người đánh giá lại về các ‘giao dịch Trump’” - Giám đốc đầu tư Mark Melek của công ty Siebert nhận định, nói tới xu hướng của thị trường sau khi ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ trong đó nhà đầu tư mua mạnh các tài sản được cho là sẽ hưởng lợi từ các chính sách trong nhiệm kỳ tới của ông.

“Mọi người đang nhìn nhận về ‘giao dịch Trump’ nghiêm túc hơn. Họ không chỉ nói ‘tôi nghĩ lĩnh vực này sẽ tốt’, mà muốn đi đến những câu trả lời thực sự”, ông Melek phát biểu.

Với kỳ vọng lạc quan rằng nền kinh tế Mỹ sẽ “khỏe” hơn thời Trump 2.0, các cổ phiếu có tính chu kỳ cao như ngân hàng Goldman Sachs, hãng thiết bị công nghiệp Caterpillar hay công ty bán lẻ trang thiết bị nâng cấp nhà cửa Home Depot đồng loạt tăng mạnh trong phiên này.

Chỉ số Russell 2000 của các cổ phiếu vốn hóa nhỏ - những công ty có khả năng cao sẽ hưởng lợi trong nhiệm kỳ tới của ông Trump - tăng hơn 1%.

Công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2024 vào hôm thứ Tư, hãng sản xuất con chip Nvidia gây ấn tượng với mức lợi nhuận vượt kỳ vọng và dự báo khả quan về quý 4. Tuy nhiên, cổ phiếu Nvidia đã có một phiên giằng co trước khi đóng cửa với mức tăng khiêm tốn 0,5%. Nguyên nhân nằm ở việc một số nhà đầu tư có phần thất vọng khi tăng trưởng doanh thu của Nvidia đã chậm lại so với quý trước.

“Câu chuyện Nvidia với những con số doanh thu và lợi nhuận khổng lồ phản ánh sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực AI. Tuy nhiên, những nhà đầu tư khôn ngoan sẽ muốn biết xem liệu việc Nvidia liên tục tăng trưởng mạnh hơn dự báo sẽ duy trì được trong bao lâu”, CEO Greg Bassuk của công ty AXS Investments phát biểu.

Một số cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn giảm điểm phiên này, khiến Nasdaq trở thành chỉ số đuối sức nhất trong số 3 thước đo chính của chứng khoán Mỹ. Amazon giảm 2,2%, trong khi Alphabet giảm gần 5%. Đây là phiên giảm thứ hai của Alphabet do mối lo về vụ kiện chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ nhằm vào công ty mẹ của Google.

Mua bitcoin - một “giao dịch Trump” - vẫn diễn ra mạnh mẽ, đưa giá của đồng tiền ảo lớn nhất thế giới vượt mốc 99.000 USD, cao chưa từng thấy trong lịch sử. Nhà đầu tư vẫn giữ vững kỳ vọng rằng chính quyền Trump 2.0 sẽ đưa ra những quy định mới thuận lợi hơn cho sự phát triển của ngành công nghiệp tiền số.

Theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com, giá bitcoin tại thời điểm hơn 7h sáng nay (22/11) theo giờ Việt Nam đứng ở mức gần 98.400 USD, tăng 11,5% so với cách đây 1 tuần và tăng hơn 4% so với cùng thời điểm ngày hôm trước. Tổng vốn hóa thị trường tiền ảo toàn cầu đang ở mức 3,27 nghìn tỷ USD.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,44 USD/thùng, tương đương tăng 1,98%, đạt 74,25 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,35 USD/thùng, tương đương tăng 1,96%, đạt 70,1 USD/thùng.

Căng thẳng tăng nhiệt giữa Nga và Ukraine tiếp tục là nhân tố hỗ trợ giá dầu.

Hôm thứ Tư, Ukraine phóng tên lửa hành trình do Anh sản xuất vào Nga. Đây là vũ khí phương Tây mới nhất mà Kiev được phép sử dụng để tấn công vào lãnh thổ Nga. Trước đó vào hôm thứ Ba, Mỹ “bật đèn xanh” cho Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do Mỹ sản xuất để tấn công Nga.

Không quân Ukraine cho biết Nga đã đáp trả vào buổi sáng ngày thứ Năm bằng cách phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào Ukraine. Đây là lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, Moscow sử dụng một tên lửa tầm xa mạnh đến vậy.

Nga đã nói rằng việc Ukraine dùng vũ khí phương Tây để tấn công lãnh thổ Nga từ xa sẽ là một bước leo thang lớn của xung đột. Về phần mình, Ukraine nói để tự vệ, nước này phải có khả năng tấn công được các căn cứ mà Nga dùng để thúc đẩy cuộc chiến tranh đã bước sang ngày thứ 1.000 trong tuần này.

“Đối với thị trường dầu, rủi ro nằm ở việc Ukraine có thể nhằm vào hạ tầng năng lượng của Nga. Một rủi ro khác là liệu Nga sẽ phản ứng với những cuộc tấn công đó như thế nào”, một báo cáo của ngân hàng ING nhận định.

Nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Reuters rằng OPEC+ có thể tiếp tục hoãn việc tăng sản lượng trở lại do nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu đang yếu. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga. Liên minh này chiếm khoảng một nửa sản lượng dầu toàn cầu.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nói rằng ngay cả khi OPEC+ có tiếp tục giảm sản lượng, nguồn cung dầu của thế giới trong năm 2025 vẫn sẽ vượt nhu cầu.

Gây áp lực giảm lên giá dầu trong phiên ngày thứ Năm còn có số liệu thống kê của Mỹ cho thấy lượng tồn trữ xăng dầu của Mỹ tăng. Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), tồn trữ dầu thô của nước này tăng 545.000 thùng trong tuần kết thúc vào ngày 15/11, đạt 430,3 triệu thùng, một mức tăng vượt dự báo. Mức tăng của lượng tồn trữ xăng cũng lớn hơn kỳ vọng.

An Huy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chung-khoan-my-xanh-du-co-phieu-cong-nghe-bi-ban-thao-gia-dau-tang-manh-do-tin-chien-tranh.htm
Zalo