Chứng khoán Mỹ kết thúc tuần trong sắc xanh, giá dầu hạ nhiệt
Sau loạt tin tức mới về thuế quan, chứng khoán Mỹ chốt phiên thứ Sáu với diễn biến trái chiều nhưng vẫn ghi nhận một tuần tăng điểm…
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_341_51482027/5b9e7773443dad63f42c.jpg)
Kết thúc phiên 14/2, chỉ số Dow Jones giảm 0,37% xuống 44.546,08 điểm, S&P 500 trượt nhẹ 0,01%, chốt phiên ở mức 6.114,63 điểm, trong khi Nasdaq tăng 0,41% lên 20.026,77 điểm.
7 trong số 11 nhóm ngành thuộc S&P 500 đều giảm điểm, nhiều nhất là hàng tiêu dùng thiết yếu giảm 1,16%, tiếp theo là chăm sóc sức khỏe giảm 1,11%.
Chỉ số Nasdaq 100, bao gồm những công ty giá trị nhất trên sàn Nasdaq, tăng 0,4% lên mức cao kỷ lục.
Cổ phiếu Nvidia tăng 2,6%, Apple tăng 1,3%. Ngược lại, Microsoft giảm khoảng 0,5% và Amazon mất 0,7%.
Airbnb leo vọt 14% sau khi công ty công bố doanh thu quý cao hơn dự báo.
Trái lại, Applied Materials giảm 8% vì dự báo doanh thu quý hai thấp hơn dự đoán.
Cả tuần, S&P 500 tăng 1,5%, Nasdaq tăng 2,6% và Dow Jones tăng 0,5%.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 14,4 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 15,0 tỷ cổ phiếu của 20 phiên vừa qua.
Phố Wall sẽ đóng cửa vào thứ Hai để nghỉ lễ Ngày Tổng thống (Presidents Day).
Đầu tuần này, thị trường chứng khoán Mỹ đã nhận được hỗ trợ khi dữ liệu cho thấy giá sản xuất tăng vào tháng 1, trong khi các yếu tố cốt lõi của chỉ số Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân (PCE) - một thước đo lạm phát quan trọng mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) theo dõi - giảm nhẹ.
Theo dữ liệu từ LSEG, các nhà giao dịch đang kỳ vọng một đợt cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào cuối năm nay, với khả năng khoảng 50% cho một đợt cắt giảm bổ sung.
Hôm thứ Năm, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ đạo đội ngũ kinh tế của mình xây dựng kế hoạch thuế đối ứng với mọi quốc gia đánh thuế hàng hóa Mỹ, nhưng chỉ thị này chưa đi kèm với việc thực thi thuế quan ngay lập tức. Ứng viên Bộ trưởng Thương mại của chính quyền Trump, ông Howard Lutnick cho biết họ sẽ đánh giá từng quốc gia và các nghiên cứu dự kiến hoàn thành trước ngày 1/4.
Việc Mỹ áp thuế lên thép và nhôm nhập khẩu, cùng với dữ liệu lạm phát tháng 1 cao hơn dự kiến và những phát biểu cứng rắn từ Chủ tịch Fed Jerome Powell đã góp phần làm gia tăng biến động trên thị trường trong tuần qua.
"Hiện tại, mọi thứ đều xoay quanh ông Trump. Mọi người đang tập trung vào câu hỏi: Trump sẽ làm gì tiếp theo và cuộc chiến thuế quan của ông ấy sẽ đi đến đâu?”, ông Dennis Dick, một nhà giao dịch tại công ty Triple D Trading nhận định.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm ở ngày thứ hai liên tiếp sau khi dữ liệu cho thấy doanh số bán lẻ tại Mỹ trong tháng 1 giảm mạnh hơn dự kiến (-0,9%). Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm khoảng 7 điểm cơ bản, chốt phiên ở mức 4,44%.
GIÁ DẦU “HẠ NHIỆT”
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm do kỳ vọng về một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine có thể giúp giảm nguy cơ gián đoạn nguồn cung toàn cầu. Tuy nhiên, đà giảm bị hạn chế phần nào bởi việc Mỹ chưa áp thuế đối ứng ngay lập tức.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 28 cent, tương đương 0,37%, xuống 74,74 USD/thùng. Dầu thô Mỹ WTI giảm 55 cent, tương đương 0,77%, xuống 70,74 USD/thùng.
Cả tuần, giá dầu Brent tăng 0,11%, trong khi WTI giảm khoảng 0,37%.
Tổng thống Donald Trump cho biết các bên đã bắt đầu chuẩn bị cho quá trình đàm phán chấm dứt cuộc chiến Nga - Ukraine sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đều thể hiện mong muốn hòa bình trong các cuộc điện đàm riêng với ông.
Việc dỡ bỏ trừng phạt đối với Moscow trong trường hợp đạt được thỏa thuận có thể giúp gia tăng nguồn cung năng lượng toàn cầu.
“Ngoài ra, những diễn biến được xem là lạc quan, như việc Mỹ trì hoãn thuế quan, đang mở đường cho sự phục hồi của giá dầu vào sáng nay, khi tâm lý thị trường trở nên lạc quan hơn”, ông Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại IG đánh giá.