Chứng khoán chờ dòng tiền 'bắt đáy'
Sau một tuần giảm điểm mạnh, VN-Index đã lùi về sát ngưỡng 1.200 điểm. Ở vùng giá thấp, dòng tiền 'bắt đáy' được kỳ vọng sẽ nhập cuộc.
VN-Index vừa trải qua tuần giao dịch biến động mạnh tiêu cực, đặc biệt với áp lực bán mạnh trong 2 phiên cuối tuần khiến chỉ số không giữ được vùng hỗ trợ 1.250 điểm. Kết thúc tuần, VN-Index giảm gần 34 điểm (-2,71%) so với tuần trước, về mức1.218,57 điểm. HNX-Index giảm -2,36% xuống 221,53 điểm và UPCoM-Index cũng giảm -0,89% về mức 91,33 điểm.
Thanh khoản thị trường bật tăng, tương đương với mức bình quân 20 tuần giao dịch. Lũy kế đến cuối tuần giao dịch, thanh khoản giao dịch bình quân trên sàn HSX đạt 665 triệu cổ phiếu (tăng 28,78% so với tuần trước), tương đương 16.773 tỷ đồng/phiên.
Tỷ giá USD/VND thiết lập mức cao nhất trong năm khiến cho khối ngoại tiếp tục duy đà bán ròng mạnh trong tuần. Đây là tuần bán ròng thứ 7 liên tiếp và có xu hướng mạnh trong 3 tuần gần đây khi tỷ giá USD/VND leo thang.
Thống kê trên sàn HoSE, khối ngoại bán ròng 5 phiên liên tiếp trong tuần vừa qua. Tổng cộng, khối này đã bán ròng 126,7 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng đạt hơn 4.027 tỷ đồng, tăng 48,5% về lượng và 16% về giá trị so với tuần trước. Tâm điểm bán ròng là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VHM (- 871 tỷ đồng), FPT (-608 tỷ đồng), SSI (-428 tỷ đồng)...
Rủi ro thị trường lùi về vùng 1.200 điểm vẫn đang tiềm ẩn
Theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), trong ngắn hạn, diễn biến thị trường cho thấy bên bán mở rộng qua nhiều mã, nhóm mã có tính chất đầu cơ. Một phần nguyên nhân do áp lực từ khối ngoại, cắt lỗ, giảm tỷ lệ dư nợ margin của nhà đầu tư. Áp lực giảm dư nợ mở rộng sang các mã, nhóm mã và có thể kéo dài 3-4 phiên do tỷ lệ dư nợ cuối quý II/2024 ở mức cao - gần 240.000 tỷ đồng.
SHS cho rằng thị trường đang vào trạng thái quá bán. VN30 được kỳ vọng sẽ phục hồi quanh vùng giá 1.260 điểm, VN-Index tương ứng phục hồi ở vùng giá 1.200-1.210 điểm. Hiện tại, vốn hóa toàn thị trường đang ở mức quanh 287 tỷ USD, tương ứng khoảng 62% GDP 2024. Đơn vị phân tích đánh giá đây là vùng vốn hóa tương đối hấp dẫn của thị trường so với quy mô nền kinh tế khi tăng trưởng GDP năm 2025 kế hoạch vẫn tăng 6,5-7%.
“Chúng tôi cho rằng thị trường sẽ phân hóa mạnh, với rất nhiều mã chịu áp lực bán mạnh sẽ phục hồi ở vùng giá trên. Nhà đầu tư tỷ trọng cao vẫn ưu tiên quản trị rủi ro ngắn hạn. Tỷ trọngdưới mức trung bình, quản trị rủi ro tốt nên xem xét giải ngân các mã cơ bản tốt, có quý III tăng trưởng và kỳ vọng tiếp tục duy trì tăng trưởng,” SHS nêu khuyến nghị trong bản tin về tuần giao dịch 11/11-15/11.
Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), phiên cuối tuần (15/11), thị trường tiếp tục giảm điểm sau khi đánh mất vùng hỗ trợ 1.240 điểm cùng thanh khoản tăng so với phiên trước, cho thấy nguồn cung vẫn gây áp lực đến thị trường. Mặc dù thị trường có dao động khá mạnh quanh 1.220 điểm nhờ lực cầu giá thấp nhưng vẫn chưa thể giúp cải thiện.
“Có khả năng thị trường sẽ có những nỗ lực hồi phục trong thời gian gần tới nhưng có thể chỉ mang tính chất kỹ thuật. Đồng thời rủi ro thị trường lùi về vùng 1.200 điểm vẫn đang tiềm ẩn,” đơn vị phân tích nêu quan điểm.
Chứng khoán Tiêp Phong (TPS) nhận định, trong những phiên tiếp theo, VN-Index có khả năng sẽ có hồi phục ngắn hạn để kiểm nghiệm lại vùng kháng cự 1.220 điểm. Tại đây, nếu không có sự tham gia của lực cầu “bắt đáy”, thị trường sẽ thoái lui xuống vùng 1.180 điểm.
Theo VNDirect, chỉ số tiếp tục đóng cửa phiên 15/11 gần thấp nhất phiên cho thấy xu hướng bi quan của nhà đầu tư. Trước áp lực tỷ giá kèm theo khối ngoại liên tục rút ròng, thị trường đã chính thức đánh mất hỗ trợ 1.220 và có xu hướng tìm về nấc hỗ trợ sâu hơn quanh 1.200 điểm khi nhóm ngân hàng và các cổ phiếu vốn hóa lớn khác đều tiêu cực. Ngưỡng hỗ trợ và kháng cự tiếp theo của VN-Index lần lượt là 1.200 điểm và 1.240 điểm.
Thông tin thêm về tình hình vĩ mô trong báo cáo ngày 15/11, VNDirect cho biết, các số liệu kinh tế mới nhất cho thấy kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu ổn định khi doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã tăng 4,8% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 2 và vượt qua tất cả các dự đoán từ khảo sát của Bloomberg. Tuy nhiên, sản lượng công nghiệp lại tăng 5,3%, thấp hơn kỳ vọng.
Ngày 14/11, tại một bài phát biểu được thị trường theo dõi, Chủ tịch Fed chia sẻ rằng nền kinh tế Mỹ không phát đi bất kỳ tín hiệu nào cho thấy Fed cần phải vội vàng hạ lãi suất. Sức mạnh của nền kinh tế hiện nay tạo điều kiện để Fed đưa ra quyết định chính sách một cách thận trọng. Theo CME Group, sau bài phát biểu trên, xác suất Fed sẽ giảm lãi suất trong kỳ họp tháng 12 tới đây giảm xuống 59% từ mức 89% của một ngày trước đó.