Chứng khoán bị bán tháo
VN-Index giảm hơn 15 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 8/2024. Chỉ số chính đại diện sàn HoSE tiếp tục bị đẩy lùi xuống mức thấp nhất 1,5 tháng qua.
Sau phiên giao dịch ảm đạm nhất hơn 4 năm hôm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục mở cửa phiên 10/1 với tâm thế chán nản. Tình trạng suy kiệt dòng tiền giữa 2 phe mua - bán không có quá nhiều khác biệt so với hôm qua và khiến VN-Index thiếu động lực phục hồi.
Trái ngược với cảnh dập dìu quanh tham chiếu ở phiên sáng, áp lực rút tiền bắt đầu xuất hiện trong phiên chiều. Việc nguồn cung tăng vọt đi kèm tình trạng thiếu vắng yếu tố hỗ trợ khiến VN-Index lao dốc thẳng đứng, thậm chí có thời điểm xuyên thủng mốc 1.230 điểm.
Kết phiên, VN-Index giảm 15,29 điểm (-1,22%) xuống 1.230,48 điểm, mức giảm cao nhất 4 tháng qua; HNX-Index giảm 2,44 điểm (-1,1%) xuống 219,49 điểm; UPCoM-Index giảm 0,94 điểm (-1,01%) xuống 92,15 điểm.
Thanh khoản hôm nay tăng đáng kể so với hôm qua lên gần 13.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần lớn giá trị giao dịch do phe bán đẩy lên.
Bảng điện tử “thấm đẫm” sắc đỏ với 536 mã giảm (gồm 29 mã giảm sàn), 836 mã giữ tham chiếu và chỉ 233 mã tăng (gồm 32 mã tăng trần).
Trong đó, rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 đóng góp 26 mã giảm, 3 mã tăng và duy nhất SAB giữ tham chiếu. Việc hàng loạt cổ phiếu trong rổ giảm với biên độ lớn khiến chỉ số VN30-Index rơi khỏi ngưỡng 1.300 điểm.
Các mã bluechip tiếp tục là lý do kéo VN-Index giảm sâu.
Nhiều cái tên trong đó thuộc nhóm tài chính - ngân hàng như BID (-2,1%), TCB (-2,3%), VCB (-0,5%), HDB (-3,4%), STB (-3,3%) và MBB (-1,6%). Ngoài ra còn có HPG (-1,7%), MSN (-2,7%), GVR (-2,1%), FPT (-1%).
Chiều ngược lại, nhịp tăng của SSB (+2,1%), CTG (+0.,3%), BVH (+1%), STG (tăng trần), SJS (+2,8%), GEE (+2,1%), SBT (+1,7%), VCG (+1,1%), APG (tăng trần) và BIC (+2,3%) không đủ để trở thành trụ cột cho thị trường.
Trong bối cảnh toàn thị trường biến động mạnh, nhóm xây dựng, đầu tư công là điểm đến hiếm hoi của dòng tiền. Trong đó, CTD (+0,4%), HHV (+1,3%), GEX (+0,3%), VCG (+1,1%),
Khối ngoại tăng bán ra nhưng quy mô chênh lệch so với hôm qua, đồng thời chủ động giải ngân thêm và thu hẹp giá trị bán ròng xuống 390 tỷ đồng. Tiền ngoại chủ yếu rời khỏi các cổ phiếu tài chính - ngân hàng như STB (-110 tỷ đồng), CTG (-38 tỷ đồng), SSI (-37 tỷ đồng).
Ngược lại, khối ngoại giải ngân dần vào các mã HDB (+42 tỷ đồng), FPT (+32 tỷ đồng), SAB (+20 tỷ đồng).