Chuẩn bị hành trang bước vào kỷ nguyên mới

Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được coi là 'chìa khóa' quan trọng tạo đà cho các địa phương phát triển. Để lựa chọn được các nhà đầu tư đồng hành tốt nhất, chính quyền các cấp trong tỉnh đang chủ động vào cuộc quyết liệt, chuẩn bị sẵn hạ tầng giao thông, công nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư thuận lợi bằng thái độ cầu thị, giải pháp linh hoạt.

Được mặc định là một trong trục tam giác phát triển của tỉnh, huyện Đồng Phú đang tận dụng triệt để lợi thế về địa lý, cơ sở hạ tầng giao thông, "trải thảm đỏ" mời gọi đầu tư theo phương châm "Thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của tỉnh" để trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

ĐỘT PHÁ TỪ HẠ TẦNG

Giao thông được ví như mạch máu của nền kinh tế. Thực tế chứng minh, những địa phương có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa… luôn cho thấy lợi thế vượt trội để thu hút đầu tư. Điều này thực sự đúng với huyện Đồng Phú. Trước đây dù có lợi thế về đất đai, nguồn nhân lực, lại tiếp giáp với thủ phủ công nghiệp là tỉnh Bình Dương và Đồng Nai nhưng do hạn chế về giao thông kết nối nên Đồng Phú chưa phát huy hết thế mạnh của địa phương. Để khơi thông điểm nghẽn này, thời gian qua, huyện đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông nhằm tăng tính kết nối.

Dù mới chỉ thành lập từ năm 2020, nhưng Cụm công nghiệp Tân Tiến 1 - Tân Tiến 2 có tỷ lệ lấp đầy đạt trên 95%. Trong ảnh: Chủ đầu tư Cụm công nghiệp Tân Tiến 1 - Tân Tiến 2 ký kết hợp tác với các nhà đầu tư

Dù mới chỉ thành lập từ năm 2020, nhưng Cụm công nghiệp Tân Tiến 1 - Tân Tiến 2 có tỷ lệ lấp đầy đạt trên 95%. Trong ảnh: Chủ đầu tư Cụm công nghiệp Tân Tiến 1 - Tân Tiến 2 ký kết hợp tác với các nhà đầu tư

Theo đó, giai đoạn 2021-2024, huyện đã đầu tư xây mới trên 152km đường giao thông nông thôn, trong đó có trên 12km đường trong các cụm công nghiệp (CCN); nâng cấp, sửa chữa trên 450km đường giao thông. Đến nay, hệ thống hạ tầng giao thông của huyện gồm các tuyến tỉnh lộ, đường huyện, vùng nông thôn đều được đầu tư nhựa hóa, bê tông xi măng.

Tuyến đường Đồng Phú - Bình Dương sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển đến sân bay, cảng biển. Trong ảnh: Tuyến đường Đồng Phú - Bình Dương đoạn qua huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương vừa được đưa vào khai thác

Tuyến đường Đồng Phú - Bình Dương sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển đến sân bay, cảng biển. Trong ảnh: Tuyến đường Đồng Phú - Bình Dương đoạn qua huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương vừa được đưa vào khai thác

Bên cạnh nâng cấp các tuyến đường nội tỉnh, liên huyện, liên xã, Đồng Phú cũng đã tranh thủ nguồn lực, đầu tư các dự án giao thông trọng điểm mang tính kết nối liên vùng. Trong đó phải kể đến 5 tuyến đường giao thông trọng điểm kết nối từ ĐT741 vào Khu công nghiệp (KCN) - dân cư Đồng Phú và khu quy hoạch KCN Nam Đồng Phú mở rộng với tổng chiều dài 24,6km.

Trước đó, tuyến đường Đồng Phú - Bình Dương cũng đã được đề xuất, dự kiến sẽ khởi công xây dựng trong thời gian tới. Đây là dự án đi qua các xã Đồng Tâm, Tân Phước, Tân Hưng, Tân Lợi, Tân Hòa và Tân Lập với chiều dài 41,3km. Quá trình đầu tư chia làm 2 giai đoạn phân kỳ, trong đó giai đoạn 1 khoảng 1.480 tỷ đồng. Lộ trình của tuyến có điểm đầu xuất phát từ nút giao với quốc lộ 14 tại xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú và kết thúc tại điểm cuối nối với đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Tuyến đường này hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ giảm tải áp lực cho ĐT741, rút ngắn thời gian di chuyển đến sân bay, cảng biển, cũng như khu vực trung tâm tam giác phát triển, gồm Đồng Nai, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh.

Đồng Phú tập trung đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối

Đồng Phú tập trung đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối

Theo Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thời gian tới, huyện Đồng Phú sẽ có thêm tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) đi qua địa bàn huyện với chiều dài 23,6km. Một số tuyến đường huyết mạch như ĐT741 sẽ được đầu tư nâng cấp thành quốc lộ 13B để trở thành tuyến giao thông trục dọc phía Tây của huyện, kết nối thành phố Đồng Xoài - Đồng Phú với Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ. Mở mới tuyến giao thông Chơn Thành - Đồng Phú kết nối KCN Becamex - Bình Phước phía Tây và ĐT753 phía Đông là tuyến giao thông kết nối Đông - Tây đi Đồng Nai và cảng Cái Mép - Thị Vải.

“Đại lộ sinh đại phú”, muốn mở rộng giao thương, muốn phát triển kinh tế thì phải phát triển, mở mang giao thông. Đây là tiền đề để Đồng Phú chuẩn bị hành trang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

CHUYỂN MÌNH THÀNH HUYỆN TRỌNG ĐIỂM VỀ CÔNG NGHIỆP

Ông Phạm Xuân Thạch, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đồng Phú cho biết: Hiện nay, ngoài 2 KCN là Bắc Đồng Phú và Nam Đồng Phú, với tỷ lệ lấp đầy 100%, huyện còn có 7 CCN, quy mô 341,7 ha đã được tích hợp vào quy hoạch tỉnh Bình Phước. Trong đó, 1 CCN đã hoàn thành đầu tư và đi vào hoạt động từ năm 2011; 3 CCN được thành lập năm 2020; số còn lại đang kêu gọi đầu tư. Trong số các CCN đã đi vào hoạt động phải kể đến CCN Tân Tiến 1 - Tân Tiến 2 với tổng diện tích hơn 113 ha, tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng; thành lập từ năm 2020 nhưng đến nay tỷ lệ lấp đầy đạt trên 95%.

Thời gian qua, huyện Đồng Phú đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư

Thời gian qua, huyện Đồng Phú đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư

Theo Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, giai đoạn 2021-2025, Đồng Phú được quy hoạch xây dựng mới 8 KCN với diện tích 4.200 ha; giai đoạn 2026-2030, xây dựng mới 4 KCN với diện tích 1.800 ha. Đồng thời hoàn thiện hạ tầng nhà ở cho công nhân đồng bộ với quá trình mở rộng và quy hoạch mới các KCN, CCN.

Cũng theo định hướng quy hoạch tỉnh, đối với vùng huyện, Đồng Phú trong phát triển công nghiệp sẽ ưu tiên thu hút các ngành có tiềm năng và thế mạnh chế biến nông - lâm sản, chế biến sản phẩm từ chăn nuôi, may mặc xuất khẩu, sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch… Đồng thời phát huy vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ xây dựng hạ tầng mềm của chuỗi giá trị, đặc biệt là trong truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ tổ chức vùng sản xuất. Khuyến khích các giải pháp ứng dụng công nghệ để tăng tính liên kết trong chuỗi giá trị, giảm khâu trung gian, tiết kiệm lao động. Khuyến khích các nhà đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp điện tử. Ngoài ra, nghiên cứu hình thành cảng nội địa ICD khu vực Đồng Phú để tiếp nhận hàng hóa xuất nhập khẩu cho các KCN, CCN …

Năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước phát sinh trên địa bàn huyện ước đạt 357 tỷ đồng, bằng 102% số thu tỉnh ước thực hiện năm 2024, trong đó nguồn thu từ công thương nghiệp ngoài quốc doanh 108,05%. Tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện 918,318 tỷ đồng, bằng 146,47% dự kiến dự toán điều chỉnh UBND tỉnh giao và bằng 100% dự toán điều chỉnh HĐND huyện đề ra.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhờ những bước đi vững chắc nên trong bối cảnh tình hình thế giới đầy biến động, nền kinh tế Bình Phước nói chung, huyện Đồng Phú nói riêng vẫn giữ được mức tăng trưởng cao. Hiện nay, địa bàn huyện có 612 công ty, doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, khai thác chế biến. Ngoài ra, còn có 29 hợp tác xã và 1.171 hộ kinh doanh đang hoạt động. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, 10 tháng năm 2024, huyện đã thành lập mới 565 hộ kinh doanh cá thể, với số vốn đăng ký trên 212 tỷ đồng; ước cả năm thành lập mới 696 hộ kinh doanh cá thể, với số vốn đăng ký trên 345 tỷ đồng.

Xuân Túc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/554/166608/chuan-bi-hanh-trang-buoc-vao-ky-nguyen-moi
Zalo