Chủ trương hợp lòng dân
Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII 'Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả' (gọi tắt là Nghị quyết 18) là cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đến nay cuộc cách mạng đang bước vào giai đoạn 'nước rút', cả hệ thống chính trị đang 'vừa chạy, vừa xếp hàng' trước sự kỳ vọng rất lớn từ nhân dân.
Sau 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 18, từ Trung ương đến địa phương đều ghi nhận sự thay đổi rõ rệt cả về nhận thức và hành động; tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị cũng được sắp xếp đổi mới, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn; niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp từ đó cũng được nâng lên rõ rệt.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18 vẫn chưa đồng bộ, thiếu tổng thể, chưa gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Ông Lê Vũ Lưu, Tổ trưởng tổ dân phố 23, phường Him Lam (TP. Điện Biên Phủ) chia sẻ: Tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương là rất đúng, mang tính toàn diện và vì sự phát triển của đất nước. Quá trình triển khai thực hiện cũng đã rõ. Tuy vậy, việc triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết 18 vẫn còn những điểm nghẽn, thậm chí là hạn chế. Mặc dù đã làm, có những nơi làm mạnh nhưng chưa triệt để. Điều này thể hiện ở nhiều mô hình thí điểm sáp nhập tổ chức bộ máy, cán bộ lãnh đạo kiêm nhiệm từ Trung ương đến địa phương phải trở về vị trí cũ. Có những cơ quan, đơn vị lại không tinh giản được biên chế...
Khẳng định những chuyển biến tích cực, nhận diện những tồn tại, hạn chế sau 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 18, Trung ương đã họp, thống nhất rất cao, quyết tâm bằng mọi cách phải tổng kết sớm Nghị quyết 18. Nhiều phương án sắp xếp bộ máy đã được Trung ương gợi ý; các bộ, ban, ngành, địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể để thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Trung ương. Cũng như người dân cả nước, nhân dân trên địa bàn tỉnh đang theo dõi sát hành động và kỳ vọng hệ thống chính trị sẽ có những đột phá mang tính lịch sử này.
Ông Đinh Văn Hoàn, đảng viên Chi bộ thôn Việt Thanh 4, xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên) chia sẻ: Nghị quyết 18 rõ ràng là quyết sách vừa đúng, vừa trúng. Điều này thể hiện ở chỗ đến nay, về cơ bản, bộ máy đã tinh gọn hơn, đội ngũ cán bộ làm việc tận tuy hơn.
Đồng thuận với chủ trương, quyết sách của Trung ương, của tỉnh, theo ông Đào Đức Đông, Bí thư Chi bộ thôn Hợp Thành, xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên) thực hiện Nghị quyết 18 là nhiệm vụ rất khó bởi sẽ chạm đến lợi ích của nhiều cá nhân. Chính vì vậy, để hoàn thành Nghị quyết này, đòi hỏi sự hy sinh lợi ích cá nhân của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên trong diện tinh giản.
Ngày 24/11/2024, Ban Chỉ đạo Trung ương đã ban hành Kết luận số 09-KL/BCĐ về việc tổng kết Nghị quyết số 18. Triển khai Kết luận số 09, Ban Chỉ đạo tỉnh đã tổ chức các hội nghị quán triệt, triển khai; xác định với quyết tâm chính trị cao nhất trong tổ chức thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Trên tinh thần trên Trung ương làm trước, ngày 30/12/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì hội nghị và công bố Quyết định của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ của 13 cơ quan ban Đảng, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương.
Đối với tỉnh Điện Biên, thể hiện quyết tâm chính trị cao, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 do Tỉnh ủy tổ chức ngày 24/12/2024, Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường khẳng định, tổng kết Nghị quyết 18 là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Bởi vậy, cần có sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành; trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu phải gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”; Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở.
Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ rất cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi; là vấn đề khó, thậm chí rất khó vì khi tiến hành tinh gọn bộ máy sẽ liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và thậm chí phải hy sinh cả lợi ích cá nhân, lợi ích tổ chức... Chính vì vậy, để thực hiện tốt công tác sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả, Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường đề nghị các cấp, các ngành từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện chủ trương này, để cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị không chỉ là vấn đề về quy mô hay số lượng, mà sâu xa hơn là sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị...
Bài, ảnh: Quang Long