Chủ tịch Ủy ban châu Âu và bóng đen của bê bối 'Pfizergate'
Một phán quyết của Tòa án tối cao Liên minh châu Âu (EU) về thỏa thuận vaccine mới rò rỉ gần đây đã phủ bóng đen lên nhiệm kỳ của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và cam kết minh bạch của ủy ban này.
Vụ việc được báo chí phương Tây gọi là “Pfizergate” liên quan đến các tin nhắn được cho là phát sinh trong quá trình đàm phán hợp đồng vaccine Covid-19 trị giá hàng tỷ euro giữa EU với Pfizer trong đại dịch Covid-19. Nguồn thông tin này lần đầu tiên tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn năm 2021, làm dấy lên mối lo ngại về việc ra quyết định không minh bạch của EU.
Cuối năm đó, nhà báo Matina Stevis-Gridneff của tờ New York Times đã đệ trình yêu cầu truy cập các tin nhắn (theo Luật minh bạch của EU), nhưng Ủy ban châu Âu đã từ chối với lý do họ không sở hữu chúng. Sự từ chối này đã khiến tờ nhật báo của Mỹ gửi phản đối lên Tòa án chung của Liên minh châu Âu. Mới đây, Tòa án chung đã hủy bỏ quyết định của EU khi từ chối cho tờ The New York Times truy cập vào các tin nhắn văn bản giữa bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu với ông Albert Bourla - Tổng Giám đốc điều hành hãng dược phẩm Pfizer. Phán quyết này đánh dấu một đòn mạnh mẽ về mặt pháp lý và chính trị đối với nhánh hành pháp của EU, làm dấy lên những nghi ngờ về phong cách lãnh đạo của bà Ursula von der Leyen cùng cách xử lý các nghĩa vụ minh bạch của quan chức này.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đang đối mặt với thử thách nghiêm trọng liên quan đến hợp đồng vaccine Covid-19
Không có “lời giải thích hợp lý”
Tòa án EU hiện đã kết luận rằng, Ủy ban châu Âu đã không chứng minh được tuyên bố của mình rằng họ không sở hữu các tài liệu đó cũng như không nỗ lực đầy đủ để xác định vị trí hoặc lưu giữ chúng. Các thẩm phán cũng phán quyết rằng, các tin nhắn văn bản được gửi trong bối cảnh mua sắm công phải được coi là tài liệu chính thức của EU.
Để đáp lại phán quyết, Ủy ban châu Âu cho biết họ sẽ lưu ý đến quyết định của Tòa án chung và thừa nhận cần phải đưa ra lời giải thích chi tiết hơn về lý do tại sao họ không thể cung cấp các tin nhắn văn bản theo yêu cầu. “Tính minh bạch luôn có tầm quan trọng tối cao” - Ủy ban châu Âu tái khẳng định cam kết của mình về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình theo khuôn khổ pháp lý hiện hành. Cơ quan hành pháp chính của EU hiện có thể kháng cáo phán quyết hoặc tuân thủ bằng cách công bố các tin nhắn nếu chúng vẫn còn tồn tại hoặc cung cấp một bản tường trình chi tiết về việc chúng không còn, kể cả trong trường hợp bị xóa.
Thời điểm nhạy cảm với EU
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin DW, ông Shari Hinds của Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho rằng, quyết định này là “một chiến thắng thực sự cho tính minh bạch”, đồng thời đại diện cho một bước tiến tới khôi phục lòng tin của công chúng và trách nhiệm giải trình của các tổ chức. “Những quyết định ảnh hưởng đến hàng triệu người không nên được đưa ra thông qua các văn bản riêng tư. Chúng cần phải được đưa ra trong các bối cảnh chính thức, có trách nhiệm giải trình và giám sát” - ông Shari Hinds nói.
Nhiều thành viên của Nghị viện châu Âu cũng phản ứng gay gắt. Ông Martin Schirdewan - đồng Chủ tịch của The Left Group cáo buộc bà Ursula von der Leyen gây tổn hại đến nền dân chủ thông qua việc giữ bí mật và yêu cầu bà phải công bố các thông điệp ngay lập tức, nếu không đó là lý do để bà từ chức. Tương tự, ông Olivier Hoedeman thuộc Corporate Europe Observatory (một tổ chức giám sát có trụ sở tại Brussel) lập luận rằng, đây không chỉ là một vụ bê bối đối với Ủy ban châu Âu mà còn đối với chính Chủ tịch Ủy ban châu Âu. “Bà Von der Leyen đã tập hợp được nhiều quyền lực hơn bất kỳ Chủ tịch Ủy ban châu Âu nào trước đây. Bà đã lãnh đạo Ủy ban bằng cách tiếp cận tập trung và bí mật và điều này rõ ràng đã phản tác dụng” - ông Olivier Hoedeman nhận định.
Các tổ chức giám sát minh bạch và các chuyên gia pháp lý cho biết phán quyết của tòa án kêu gọi một bước ngoặt trong cách xử lý thông tin liên lạc của cơ quan hành pháp tại Brussels. Thông điệp từ những người chỉ trích rất rõ ràng: Việc hoạch định chính sách, đặc biệt là khi liên quan đến sức khỏe cộng đồng và tài chính, không nên được thực hiện trong bí mật.
Cuộc tranh cãi diễn ra vào thời điểm nhạy cảm đối với EU. Khi các lực lượng cực hữu, dân tộc chủ nghĩa giành được sức hút ở một số quốc gia thành viên và nhiều công dân ngày càng hoài nghi về Brussels, thì lòng tin của các tổ chức là một tài sản quan trọng. Với sự giám sát pháp lý ngày càng tăng và lòng tin của công chúng bị đe dọa, nhiệm kỳ Chủ tịch của bà Ursula von der Leyen hiện phải đối mặt với một trong những thử thách nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.