Chủ tịch Quốc hội: Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật phải trở thành chuẩn mực ứng xử
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh mục tiêu là thượng tôn Hiến pháp và pháp luật phải trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội...

Các đồng chí lãnh đạo và đại biểu dự hội nghị
Sáng 18-5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã báo cáo chuyên đề “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kế hoạch thực hiện Nghị quyết 66-NQ/TW”.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới, với những đòi hỏi cao hơn về thể chế pháp luật, điều này đòi hỏi một hệ thống pháp luật hiện đại, đồng bộ và khả thi.
Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu trung hạn và dài hạn cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật, bám sát yêu cầu và mốc thời gian thực hiện 02 mục tiêu chiến lược 100 năm mà Đảng ta đã đề ra.
Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi, cơ chế tổ chức thực hiện nghiêm minh, nhất quán, mở đường cho kiến tạo phát triển, huy động mọi người dân và doanh nghiệp tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội để Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao, có hệ thống pháp luật chất lượng cao, hiện đại, tiệm cận chuẩn mực, thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tiễn đất nước, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội.

Chủ tịch Quốc hội quán triệt nghị quyết tại hội nghị
Để thực hiện được các mục tiêu này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Nghị quyết 66 đã xác định 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Đáng chú ý, Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, chưa có tiền lệ như: khoán chi 0,5% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm cho công tác xây dựng pháp luật; thành lập Quỹ Hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật; có cơ chế khoán chi, mức chi, chế độ, chính sách đặc biệt khuyến khích đối với đội ngũ cán bộ, công chức tại một số cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương trực tiếp…
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh về chính sách đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật: tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về pháp luật là nền tảng hạ tầng số dùng chung, thống nhất trong quản lý và lưu trữ toàn diện các nguồn dữ liệu…
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị mỗi cơ quan, tổ chức, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới phương thức lãnh đạo và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp một cách chủ động, sáng tạo, thực chất.