Phải hành động ngay!
Ngày 18/5/2025, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện hai trong số bốn Nghị quyết quan trọng, được coi là bốn trụ cột chính trong phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68, về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch thực hiện Nghị quyết 68 - Ảnh VGP
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp từ điểm cầu Trung ương ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội; kết hợp trực tuyến đến 37 nghìn điểm cầu tại các ban, bộ, ngành, đơn vị Trung ương; các đảng ủy trực thuộc Trung ương; các tỉnh ủy, thành ủy và điểm cầu cấp huyện, cấp xã với hơn 1,5 triệu đại biểu tham dự.
Trong một thời gian ngắn Đảng ta đã ban hành bốn nghị quyết về những vấn đề cơ bản và cấp bách, tổ chức quan triệt, thực hiện nhanh chóng, nghiêm túc thể hiện sự đổi mới quyết liệt trong việc đưa đường lối, chủ trương của Đảng vào cuộc sống.
Những đổi mới, cải cách tập trung vào bốn đột phá: Nghị quyết 57: Thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết 59 về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; Nghị quyết 68: Phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân; Nghị quyết 66: Đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật.
Sau khi các nghị quyết được ban hành đã được sự quan tâm, ủng hộ, thảo luận sôi nổi trong Đảng và trong các tầng lớp nhân dân. Nói một cách khái quát, có thể gọi bốn Nghị quyết nêu trên là “Bộ tứ trụ cột” để giúp đất nước ta cất cánh, tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng, hùng cường của dân tộc Việt Nam.
Mục tiêu mà các nghị quyết hướng đến là, xây dựng nền tảng vững chắc để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững và trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Nghị quyết 66 yêu cầu hoàn thiện thể chế pháp luật minh bạch, hiện đại, bảo đảm quyền con người và quyền công dân. Nghị quyết 57 xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là trụ cột tăng trưởng mới. Nghị quyết 59 mở rộng không gian phát triển thông qua hội nhập quốc tế chủ động, tích cực. Nghị quyết 68 thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực trung tâm cho nền kinh tế.
Sự liên kết của các chủ trương, đường lối, chính sách không chỉ mang tính định hướng chung, mà còn thể hiện rõ sự hỗ trợ, thúc đẩy, phụ thuộc lẫn nhau trong thực tiễn.
Con đường đi đã rõ, kể cả trong những tình huống phải đi tắt đón đầu, “vừa chạy vừa xếp hàng”, vì chưa có tiền lệ. Vấn đề cơ bản là phải thống nhất về tư tưởng và hành động; phải coi đây là những nghị quyết mang tính đột phá trong thời kỳ mới, giống như những “Khoán 10” ở chặng đầu Đổi mới những năm 90 của thế kỷ XX.
Hãy bắt tay vào việc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn! Chúng tôi nhớ đến lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây vừa đúng 60 năm, ngày 12/2/1965. Người nói tại Đại hội thi đua “Năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều” toàn miền Bắc: “Để bảo đảm phong trào thi đua thắng lợi vẻ vang, cần có hai điều: một là cán bộ và công nhân phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, ý thức trách nhiệm và tinh thần làm chủ tập thể; hai là kế hoạch 10 phần thì biện pháp phải 20 phần và quyết tâm 30 phần”.
Tinh thần ấy đã được Đảng ta và cả hệ thống chính trị đồng tâm, đồng chí thực hiện trong những năm qua, đặc biệt là trong chặng đường về đích của 40 năm đổi mới. Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói: “Kể từ Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII (9/2024) đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã làm việc ngày đêm tập trung giải quyết nhiều vấn đề cốt lõi, tháo gỡ những “điểm nghẽn”, tạo không gian phát triển mới cho đất nước”.
Tinh thần làm việc ngày đêm ấy đã tác động, lan rộng, thấm sâu xuống cơ sở. Hàng chục công trình trọng điểm của đất nước đã được hoàn thành khẩn trương, với tinh thần “chỉ bàn tiến không bàn lùi”, về đích sớm, chất lượng tốt. Lãnh đạo các cấp, nhất là người đứng đầu cam kết thực hiện mạnh mẽ các mục tiêu đã đề ra, bằng tinh thần đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, kiên trì và sáng tạo. Mỗi cấp ủy, chính quyền, tổ chức, cá nhân xác định rõ trách nhiệm của mình, không “đánh trống bỏ dùi”, không né tránh, “quyền anh, quyền tôi”, biến cam kết chính trị thành kết quả cụ thể, thiết thực.
Các Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này đều nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian, cơ quan phụ trách, thực hiện, do đó có cơ sở để giám sát, kiểm tra, đôn đốc, phấn đấu đã đề ra thì phấn đấu làm bằng được. Ví dụ, Nghị quyết 68 nêu rõ, phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân. Có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10-12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55-58% GDP, khoảng 35-40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5-9,5%/năm. Cụ thể thêm một bước là chủ trương ưu đãi thuế và tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, đổi mới công nghệ, logistics, nông nghiệp thông minh.
Khi các chủ trương, nhiệm vụ, mục tiêu được xác định rõ định lượng, không dừng ở định tính, có lộ trình cụ thể, có tầm nhìn ngắn hạn và dài hạn, sẽ thuận lợi trong triển khai thực hiện và tạo dư địa để các cấp chủ động, sáng tạo.
Tinh thần “Hành động ngay từ bây giờ” đã được thể hiện ở khâu tổ chức thực hiện. Ban chỉ đạo quốc gia, tổ công tác liên ngành hoặc tại từng địa phương đã được thành lập để giám sát và điều phối thực thi bốn nghị quyết này. Xác định rõ đầu mối phụ trách từng nghị quyết, ví dụ: Bộ Khoa học & Công nghệ cho Nghị quyết 57, Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao cho Nghị quyết 59...
Lộ trình thực hiện được công khai, mục tiêu, định lượng, thời hạn hoàn thành và cơ chế kiểm tra, đánh giá định kỳ được xác định rõ. Người đứng đầu, người phụ trách nếu không hoàn thành mục tiêu sẽ bị xử lý.
Phải hành động ngay không phải là một quyết tâm chung chung. Điều đó đã và đang được thực hiện bằng những giải pháp cụ thể, cho dù vẫn còn không ít khó khăn, trong lúc chúng ta phải triển khai “một núi công việc”, như tinh gọn, sắp xếp tổ chức, bộ máy, xây dựng chính quyền địa phương hai cấp, tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV vào đầu năm 2026.