Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị
Sáng 18/5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Tham dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm dự, chỉ đạo hội nghị.
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến các điểm cầu tại các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các ban, bộ, ngành Trung ương và điểm cầu cấp huyện, cấp xã trong cả nước với 1,5 triệu đại biểu nghe quán triệt.
Tại điểm cầu tỉnh có các đồng chí: Quản Minh Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì. Tham dự có các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; báo cáo viên Trung ương đơn vị tỉnh, báo cáo viên cấp tỉnh; trưởng, phó các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; thường trực cấp ủy và phụ trách Tuyên giáo, Tuyên huấn, Dân vận các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh. hội nghị được kết nối đến 187 điểm cầu với 6.614 đại biểu.

Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính truyền đạt chuyên đề “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW". Chuyên đề gồm 5 nhóm nội dung chủ yếu: Khái quát thực trạng khu vực kinh tế tư nhân; các nội dung cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị; các nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 138/NQ-CP, ngày 16/5/2025 của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ; các nội dung trọng tâm của Nghị quyết số 198/2025/QH15, ngày 17/5/2025 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân; tổ chức thực hiện.
Thủ tướng khẳng định, phát triển kinh tế tư nhân là yêu cầu khách quan, cấp thiết, lâu dài và mang tính chiến lược. Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đổi mới, khát vọng làm giàu chính đáng, đóng góp cho đất nước. Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị là một bước phát triển tư duy quan trọng, thể hiện rõ quan điểm nhất quán của Đảng về vị trí, vai trò và động lực của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để thực hiện nghị quyết này một cách thực chất, hiệu quả, đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện theo hướng lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm trong mọi chính sách phát triển. Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách để tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, thuận lợi, minh bạch, bình đẳng; khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đầu tư vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và giải quyết hiệu quả các điểm nghẽn về vốn, đất đai, lao động, công nghệ và thị trường. Đội ngũ doanh nhân tư nhân cần được xây dựng với nền tảng đạo đức, bản lĩnh, trí tuệ, khát vọng cống hiến và lòng yêu nước.
Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW". Chuyên đề gồm 3 phần: Một số vấn đề về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW; những mặt được, những mặt tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật; những nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị, bao gồm quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp; những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW đối với Quốc hội, Chính phủ.
Mục tiêu cốt lõi của nghị quyết là xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, hiện đại, khả thi, hội nhập quốc tế, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Việc xây dựng pháp luật phải lấy con người làm trung tâm, cuộc sống là điểm xuất phát và mục tiêu cuối cùng. Thực tế hiện nay còn tồn tại tình trạng văn bản pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thực tiễn, khó thi hành. Do đó, yêu cầu cấp thiết là gắn chặt việc hoàn thiện pháp luật với tổ chức thi hành có hiệu quả, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng “luật không đi vào cuộc sống”. Việc triển khai Nghị quyết số 66-NQ/TW cần sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của cả hệ thống chính trị.
Đề nghị các cấp, ngành cần xác định rõ trách nhiệm, nêu cao tinh thần chủ động, hành động quyết liệt, thường xuyên rà soát, đánh giá, hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành hiệu quả. Bảo đảm mọi quy định pháp luật phải đi vào cuộc sống, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển đất nước bền vững.
Kết luận hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, những đổi mới, cải cách mà chúng ta đang triển khai không chỉ là yêu cầu khách quan của phát triển mà còn là mệnh lệnh từ tương lai dân tộc. Những đổi mới, cải cách tập trung vào 4 đột phá: Nghị quyết số 57-NQ/TW thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết số 59-NQ/TW về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân; Nghị quyết số 66-NQ/TW đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật.
Về nhiệm vụ cấp bách trong năm 2025, Tổng Bí thư chỉ đạo: Là năm bản lề mở ra kỷ nguyên mới, trong khi mục tiêu trở thành quốc gia phát triển chỉ còn hai thập niên phía trước. Đề nghị toàn hệ thống chính trị khẩn trương, nhanh chóng hoàn thiện và ban hành các chương trình, kế hoạch hành động quốc gia thực hiện 4 nghị quyết, bảo đảm gắn kết chặt chẽ, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình và phân công cụ thể. Khẩn trương rà soát toàn diện hệ thống pháp luật, triển khai sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định bất cập theo tinh thần Nghị quyết số 66-NQ/TW. Ưu tiên sửa đổi các quy định liên quan đến quyền sở hữu tài sản, tự do kinh doanh, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.
Khởi động ngay các chương trình trọng điểm về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phê duyệt, triển khai các chương trình quốc gia; hình thành thêm các trung tâm đổi mới sáng tạo mới. Thực hiện đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để triển khai nghị quyết. Đẩy mạnh truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.
Trước khi diễn ra hội nghị, các đại biểu tham quan triển lãm “Những thành tựu trong xây dựng và thi hành pháp luật"; "Những thành tựu trong phát triển kinh tế tư nhân và các gian hàng trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp tư nhân".