Chủ tịch Quốc hội: Nhiều đề tài khoa học nghiệm thu nhưng ứng dụng chưa được bao nhiêu, gây lãng phí

Nêu rõ nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu nhưng ứng dụng trên thực tế thì chưa được bao nhiêu, gây lãng phí, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị cần nghiêm túc nhìn nhận khắc phục và trong lần sửa đổi Dự án Luật này, phải tăng cường liên kết giữa nghiên cứu và thị trường.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Cần đột phá về ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp

Chiều ngày 6/5, tại phiên thảo luận tổ, góp ý về Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, Việt Nam muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% cho năm 2025 và tăng trưởng 2 con số cho giai đoạn tiếp theo thì phải tập trung cho đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo lần này phải thực sự đổi mới, vượt trội so với luật cũ cũng như Nghị quyết 193 mà Quốc hội ban hành tại Kỳ họp bất thường, cũng như Luật khoa học và công nghệ 2013.

Theo đó, trong lần sửa đổi này, Luật cần phải cập nhật được các nội dung mới tại các Nghị quyết rất quan trọng mà Bộ Chính trị đã ban hành vừa qua, bao gồm: Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.

Nhất trí với một số ý kiến đại biểu, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng cần phải tăng cường hơn về cơ chế ưu đãi và hỗ trợ tài chính nếu Luật khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo này ra đời. Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện dự thảo luật chưa có điều khoản cụ thể, đột phá về ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp khoa học công nghệ.

"Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã nêu rất rõ vấn đề này. Ban soạn thảo phải cập nhật ngay những quan điểm, chỉ đạo của Nghị quyết", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội nêu thực tế, tỉ lệ đầu tư cho nghiên cứu phát triển tại Việt Nam 0,44% GDP, con số này còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, cần miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các sản phẩm thương mại hóa từ nghiên cứu khoa học. Ban soạn thảo và Ủy ban Khoa học, công nghệ, cần tiếp tục nghiên cứu thiết lập cơ chế tài chính linh hoạt như quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc là hỗ trợ vốn ban đầu cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đơn giản hóa các thủ tục, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, giảm các rào cản hành chính để khuyến khích chuyển giao công nghệ.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần khắc phục tình trạng nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được nghiệm thu nhưng ứng dụng chưa bao nhiêu

Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần khắc phục tình trạng nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được nghiệm thu nhưng ứng dụng chưa bao nhiêu

Tăng cường liên kết giữa nghiên cứu và thị trường

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Dự thảo luật cần làm rõ khái niệm và phạm vi "đổi mới sáng tạo". Theo Chủ tịch Quốc hội, dự thảo hiện nay mới thiên về công nghệ chưa bao quát đầy đủ các cái khía cạnh phi công nghệ như là đổi mới sáng tạo trong khoa học xã hội, nhân văn, về mô hình kinh doanh hay là quản lý. Do đó đề nghị cần bổ sung rõ phạm vi đổi mới sáng tạo rộng hơn, bao gồm cả các sáng tạo phi công nghệ. "Ví dụ đổi mới sáng tạo là quá trình tạo ra hoặc cải tiến sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh, rồi quy trình quản lý dựa trên công nghệ hoặc là phi công nghệ mang lại gia tăng và ứng dụng thực tế. Làm rõ phạm vi điều chỉnh là đảm bảo lĩnh vực văn hóa, giáo dục và quản trị công được khuyến khích đổi mới sáng tạo", Chủ tịch Quốc hội nêu dẫn chứng.

Đề cập tới phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Chủ tịch Quốc hội cho rằng dự thảo luật cần phải bổ sung các chính sách ưu đãi như là: miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân, thưởng cho nghiên cứu cơ bản, chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu, định hướng ngành nghề sớm cho các sinh viên, xây dựng chương trình đào tạo liên ngành…

"Tôi đề nghị cần khuyến khích cơ chế đặt hàng nghiên cứu doanh nghiệp, đảm bảo đề tài có tính thực tiễn cao, gắn với nhu cầu thị trường; hỗ trợ thành lập doanh nghiệp từ trường đại học và viện nghiên cứu để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Hải Yến

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/chu-tich-quoc-hoi-nhieu-de-tai-khoa-hoc-nghiem-thu-nhung-ung-dung-chua-duoc-bao-nhieu-gay-lang-phi-20250506185712925.htm
Zalo