Luật phải là 'cao tốc Bắc Nam' của khoa học công nghệ, khơi thông mọi nguồn lực

Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST), các đại biểu hy vọng Luật sẽ trở thành 'đường cao tốc', khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy hoạt động KHCN&ĐMST, biến lĩnh vực này thành động lực tăng trưởng mới.

Cần cụ thể hóa chính sách ưu đãi để giải phóng nguồn lực

Trong bối cảnh Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 58) và Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57), dự án Luật Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ giúp thể chế hóa các Nghị quyết này.

Đại biểu Vương Quốc Thắng (Quảng Nam)

Đại biểu Vương Quốc Thắng (Quảng Nam)

Phát biểu tại thảo luận tổ chiều nay, đại biểu Vương Quốc Thắng (Quảng Nam), Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, kỳ vọng, dự thảo Luật sẽ trở thành “cao tốc Bắc – Nam của khoa học công nghệ, khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy hoạt động KHCN&ĐMST, tạo động lực mới cho tăng trưởng.

Tuy vậy, đại biểu cũng cho rằng, để làm được điều này, Luật KHCN&ĐMST cần đưa ra được khung kiến tạo để thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào nghiên cứu KHCN&ĐMST. Nghị quyết 57 đặt mục tiêu chi cho R&D đạt 2% GDP vào năm 2030, trong đó hơn 60% đến từ khu vực tư nhân. Tuy nhiên, để tư nhân yên tâm đầu tư vào lĩnh vực này, khung pháp lý phải rõ ràng, cụ thể.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nhận xét, dự thảo Luật chưa có quy định điều khoản cụ thể nào về đột phá ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp khoa học công nghệ trong trường đại học. Hiện tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu phát triển tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 0,44% GDP - rất thấp so với nhiều nước trong khu vực.

"Chúng ta cần quy định rõ, mạnh mẽ các ưu đãi thuế, ví dụ như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các sản phẩm thương mại hóa từ nghiên cứu khoa học; thiết lập các cơ chế tài chính linh hoạt như Quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc hỗ trợ vốn ban đầu cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; đơn giản hóa các thủ tục thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học; giảm các rào cản hành chính để khuyến khích chuyển giao công nghệ...", Chủ tịch Quốc hội đề nghị..

Đại biểu Quốc hội Lê Quân, đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội cảnh báo, nếu không dựa vào đổi mới sáng tạo, Việt Nam có nguy cơ đối mặt với bong bóng bất động sản, mất cân đối thị trường lao động và tài chính sau một chu kỳ tăng trưởng nhanh. Trong 5-15 năm tới, lợi thế lao động giá rẻ sẽ dần mất đi khi các quốc gia phát triển tập trung vào các lĩnh vực giá trị gia tăng cao. Vì vậy, ông khẳng định luật này là bước ngoặt để khơi thông tiềm năng, đặc biệt cho khu vực kinh tế tư nhân và hợp tác công-tư, tạo nền tảng hình thành thị trường khoa học, công nghệ.

Phân chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu là đột phá lớn

Một trong những điểm nhấn của dự thảo là quy định về phân chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước.

Bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội cho biết, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất mức tối thiểu 30% cho nhà khoa học và cá nhân liên quan, nhưng có ý kiến đề nghị xác định khung tỷ lệ cụ thể, khuyến khích tự thỏa thuận dựa trên vốn góp.

Đại biểu Lê Quân đánh giá đây là cơ chế đột phá, khuyến khích nhà khoa học coi nghiên cứu như khoản đầu tư mang lại thu nhập ổn định, tương tự tác giả bài hát nhận bản quyền nhiều năm. Một giải pháp như thuốc mới hay giống cây trồng có thể mang lại thu nhập suốt đời, tạo động lực sử dụng ngân sách hiệu quả, mang lợi ích cho quốc gia và cá nhân. Tuy nhiên, ông đề nghị làm rõ các trường hợp đặc thù, như nghiên cứu an ninh quốc phòng hoặc hợp tác tư nhân, để áp dụng tỷ lệ linh hoạt.

Cơ chế chấp nhận rủi ro cũng được đại biểu đánh giá cao. Tuy vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, sản phẩm khoa học là trí tuệ, khó đánh giá, nên cần cơ chế rõ ràng để tránh lạm dụng, như báo cáo không đạt kết quả mà không chịu trách nhiệm. Ông đề nghị bổ sung trách nhiệm đánh giá của hội đồng chuyên môn, thay vì chỉ dựa trên tiêu chí hành chính.

Nên cho phép DN trích quỹ đầu tư khoa học công nghệ nhiều hơn

Một điểm mới nữa của dự thảo Luật là dành hẳn một chương riêng quy định về các chính sách thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển và ĐMST trong doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp được trao quyền và khuyến khích mạnh mẽ để đầu tư cho nghiên cứu phát triển, không chỉ bằng nguồn lực của mình mà còn được hỗ trợ từ NSNN thông qua các chính sách "mồi" tài chính, theo nguyên tắc "Nhà nước chi 1 đồng để thu hút 3 - 4 đồng từ doanh nghiệp". Nếu trước đây, NSNN tài trợ cho nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp chỉ được 10%, thời gian tới sẽ là 80%.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cho phép doanh nghiệp được hạch toán các khoản chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp như chi phí sản xuất kinh doanh, không còn giới hạn mức tối đa (trước đây là khoảng 1% doanh thu và chỉ áp dụng với doanh nghiệp có lãi). Các khoản chi này còn được tính khấu trừ thuế với hệ số ưu đãi vượt trội là 150% và có thể lên đến 200% nếu đầu tư vào công nghệ chiến lược.

Doanh nghiệp có lãi cũng được trích tối đa 5% lợi nhuận trước thuế để lập quỹ đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn, hỗ trợ các khởi nghiệp sáng tạo nghiên cứu phát triển các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mang tính đột phá. Ngoài ra, nhà nước cũng có chính sách ưu tiên mua sắm sản phẩm KHCN của doanh nghiệp trong nước.

Tuy vậy, phát biểu tại thảo luận tổ chiều nay, nhiều đại biểu quốc hội đề xuất nâng tỷ lệ này lên 15-20%.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị không nên bó hẹp phạm vi sử dụng quỹ như dự thảo (chỉ được mua sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; thực hiện mua bán, sáp nhập, đầu tư hoặc cùng đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo). Các đại biểu cho rằng, nên mở rộng hoạt động sử dụng quỹ cho mục đích khác như: chi cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; hình thành, tham gia góp vốn vào quỹ đầu tư mạo hiểm...

Thùy Liên

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/luat-phai-la-cao-toc-bac-nam-cua-khoa-hoc-cong-nghe-khoi-thong-moi-nguon-luc-d279065.html
Zalo