Chủ tịch Quốc hội: Khẩn trương nghiên cứu sửa đổi một số điều của Hiến pháp
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn giao Thường trực Ủy ban Pháp luật - Tư pháp nghiên cứu sửa một số điều của Hiến pháp về tổ chức bộ máy, để báo cáo cấp có thẩm quyền.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: CTTĐT Quốc hội
Chiều ngày 4/3, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc họp giao ban giữa lãnh đạo Quốc hội với các cơ quan của Quốc hội để xem xét kết quả công tác tháng 2, nhiệm vụ trọng tâm tháng 3 và năm 2025.
Tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội đã đề nghị Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chỉ đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, để báo cáo cấp có thẩm quyền.
Phối hợp với các cơ quan của Chính phủ rà soát, nghiên cứu sửa đổi các Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Cán bộ, công chức; Luật Thanh tra; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; để báo cáo Bộ chính trị, quy trình hoàn tất chậm nhất ngày 30/6/2025.
Phối hợp với các cơ quan của Chính phủ rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian; xây dựng dựng phương án tiếp tục sắp xếp cấp xã tại Kết luận số 126.
Đề nghị Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; quy trình hoàn tất chậm nhất ngày 30/6/2025.
Đề nghị Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chỉ đạo Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính khẩn trương phối hợp với các cơ quan của Chính phủ rà soát, nghiên cứu sửa đổi Luật Quy hoạch, báo cáo Bộ chính trị, hoàn thành chậm nhất ngày 30/6/2025.
Đề nghị các Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo các cơ quan phối hợp với các cơ quan của Chính phủ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, văn bản, nghị định về cơ chế, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng do sắp xếp đơn vị hành chính ở địa phương và xử lý tài sản nhà nước sau sắp xếp, báo cáo Bộ chính trị, hoàn thành chậm nhất ngày 30/6/2025.
Đề nghị Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; xem xét có thể trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10.
Văn phòng Quốc hội chủ trì, phối hợp xây dựng dự kiến chương trình phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kỳ họp thứ 9, bảo đảm khoa học, bám sát chỉ đạo của Trung ương, Bộ chính trị. Đề xuất, tham mưu các văn bản có liên quan để bảo đảm chặt chẽ và sự đồng thuận cao.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các phó chủ tịch Quốc hội chỉ đạo các cơ quan phối hợp với Chính phủ quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9; rà soát tổng thể, xây dựng các kế hoạch, văn bản hướng dẫn chi tiết các nội dung được giao trong các luật, nghị quyết của Quốc vừa thông qua và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để bảo đảm sự tương thích, đồng bộ, toàn diện, liên thông; tránh chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột.
“Chúng ta giao quyền mạnh cho Chính phủ thì phải tăng cường giám sát, đôn đốc, phối hợp chặt chẽ,” Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Hoàn thành việc sửa Hiến pháp chậm nhất ngày 30/6
Tại Kết luận số 127 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ban hành ngày 28/2/2025, Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu xây dựng đề án sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Đảng ủy Quốc hội chủ trì, phối hợp với Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp với phạm vi là các vấn đề về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, báo cáo Bộ Chính trị vào đầu tháng 3, để trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng (qua Ban Tổ chức Trung ương) trước ngày 7/4. Thời gian hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp chậm nhất ngày 30/6.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng chỉ đạo tạm dừng tổ chức đại hội đảng bộ cấp xã, cấp huyện. Sau Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị sẽ có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể.
Tại họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 diễn ra sáng ngày 28/2 vừa qua, bà Nguyễn Phương Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cho biết, nếu có chỉ đạo về việc triển khai sắp xếp bỏ cấp huyện thì chắc chắn là phải tính đến việc sửa Hiến pháp.
Theo bà Thủy, điều 110 Hiến pháp đang nói rất rõ về hệ thống đơn vị hành chính của nước Việt Nam gồm tỉnh, huyện và xã. Khi đó, đề xuất sửa đổi có thể xuất phát từ Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội. Khi 2/3 đại biểu đồng thuận, Quốc hội sẽ thành lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp để soạn thảo, lấy ý kiến nhân dân và trình thông qua.
Bên cạnh việc sửa Hiến pháp, hệ thống pháp luật cũng cần đồng bộ điều chỉnh. Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản khác phải tái cơ cấu quyền hạn, nhiệm vụ từ ba cấp xuống hai cấp.