Chủ tịch Quốc hội: Hoàn thiện hệ thống quy hoạch tích hợp và đồng bộ, tăng cường cơ chế minh bạch và giám sát
Cho ý kiến tại Tổ 13 về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, lần sửa đổi này để phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị sau khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính. Hoàn thiện hệ thống quy hoạch bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, liên kết giữa quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh tránh chồng chéo hoặc mâu thuẫn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại tổ 13
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV, chiều 10/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự thảo luận tại Tổ 13 gồm Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh: Hậu Giang, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Lào Cai
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quy hoạch
Cho ý kiến tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, lần này sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch trước mắt là để phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị sau khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính; đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền theo chủ trương của Đảng. Đối với các nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau, chưa được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng thì cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá tổng kết thực tiễn khi sửa đổi toàn diện Luật Quy hoạch.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tại Kỳ họp này, nếu Quốc hội thông qua thì sẽ thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp là cấp tỉnh, cấp xã. Do đó sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch để làm sao đảm bảo hệ thống quy hoạch tích hợp và đồng bộ, đảm bảo liên kết giữa quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh tránh chồng chéo hoặc mâu thuẫn.
“Chúng ta phải quy định rõ cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và các địa phương trong lập, thẩm định và thực hiện quy hoạch; tăng cường yếu tố phát triển bền vững, và ứng dụng chuyển đổi số trong quy hoạch. Trong Luật quy hoạch trước đây chưa có mệnh đề chuyển đổi số, bây giờ chúng ta có cái mệnh đề là chuyển đổi số ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong quy hoạch, triển khai”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Nhấn mạnh, đã nói tới quy hoạch thì cần phải đảm bảo tính minh bạch, Chủ tịch Quốc hội đề nghị việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch lần này cần phải quy định rõ về việc công khai thông tin quy hoạch, lấy ý kiến nhân dân đặc biệt là các nhóm chịu ảnh hưởng trực tiếp trong quy hoạch.
“Cần phải tăng cường cơ chế thực thi, giám sát, thiết lập cơ chế giám sát độc lập để đảm bảo quy hoạch không bị điều chỉnh tùy tiện vì lợi ích cục bộ. Nếu mà không có tính minh bạch, tính công khai, đồng bộ thì quy hoạch sẽ liên tục bị thay đổi. Quốc hội, Hội đồng nhân dân các địa phương, Mặt trận, các đoàn thể và nhân dân tăng cường giám sát thì việc triển khai quy hoạch sẽ thực hiện tốt, khả thi”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại tổ 13
Về hệ thống quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trường hợp bổ sung quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành vào hệ thống quy hoạch nhưng không thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thì việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành phải thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch và pháp luật có liên quan, do đó, cần có phương án xử lý để tránh mâu thuẫn, chồng chéo, xung đột giữa các luật có thể phát sinh.
Về phân cấp thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Dự thảo Luật đã có những đổi mới mạnh mẽ, thực hiện chủ trương của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, theo đó: Phân cấp thẩm quyền của Quốc hội cho Chính phủ trong việc xác định các vùng cần lập quy hoạch vùng và quyết định quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; Phân cấp thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong kế hoạch thực hiện quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh; Phân cấp thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh đối với quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 để đáp ứng yêu cầu về sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá cụ thể những vướng mắc trong thực tiễn dẫn đến cần phân cấp thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch. “Ủy ban Kinh tế và Tài chính phối hợp với Bộ Tài chính để rà soát những vướng mắc ở quá khứ, hiện tại và dự đoán tương lai để chúng ta tháo gỡ. Khi thực hiện, vướng cái gì, vướng ở đâu, vướng như thế nào, cần gỡ cái gì, gỡ ở đâu, gỡ như thế nào cũng là do con người”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Riêng đối với quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, trường hợp cần phân cấp cho Chính phủ thì cần nghiên cứu để tích hợp một số nội dung quan trọng của 02 quy hoạch này vào nội dung của quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm quyền giám sát, quyết định của Quốc hội đối với các nguồn lực đặc biệt, có tầm quan trọng quốc gia. “Sửa gì thì sửa, nhưng phải đảm bảo không vi Hiến”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Về trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh: Việc rút ngắn quy trình điều chỉnh quy hoạch theo hướng giản lược các bước không phải thực hiện thủ tục xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch; không phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cân nhắc đối với trường hợp điều chỉnh quy hoạch làm thay đổi quy mô, nội dung lớn như thay đổi định hướng phát triển, mục tiêu sử dụng đất mà không phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược sẽ có tác động xấu đến môi trường và tiềm ẩn rủi ro cho phát triển bền vững.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, do quy hoạch là lĩnh vực rộng, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, việc sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch cần được xem xét trong tương quan với các luật khác đã được thông qua như Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Điện lực, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Địa chất và khoáng sản, Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Tài nguyên nước... để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Do đó Ban soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng.

Toàn cảnh họp tổ 13
Xem xét kỹ lưỡng việc đưa quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành vào hệ thống quy hoạch quốc gia
Cho ý kiến tại tổ, các đại biểu cũng bày tỏ nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, bởi hiện nay, nước ta đang có một hệ thống quy hoạch rất phức tạp, với ba loại quy hoạch do Quốc hội phê duyệt, 39 loại quy hoạch ngành quốc gia và 63 quy hoạch cấp tỉnh do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các loại quy hoạch này có mục đích, tiêu chí và thời hạn khác nhau, gây khó khăn trong việc đảm bảo tính thống nhất và liên kết.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh
"Với một hệ thống quy hoạch như vậy thì làm thế nào, cơ sở nào để đánh giá, bảo đảm sự thống nhất, phù hợp của các loại quy hoạch với nhau. Điều này gần như không tưởng", đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, nêu quan điểm.
Dẫn thông tin từ giám sát tối cao của Quốc hội về thị trường bất động sản và nhà ở xã hội vừa qua, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, giám sát cũng đã chỉ ra một trong những vấn đề cần phải tháo gỡ khó khăn chính là hệ thống quy hoạch và hệ thống pháp luật về quy hoạch. Dù vậy, theo đại biểu, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch hiện nay vẫn chưa giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn vừa qua.
Mặc dù dự thảo Luật có một số điểm mới như đưa các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành vào hệ thống quy hoạch quốc gia, nhưng điều này lại tạo ra sự phức tạp hơn, vì các quy hoạch chuyên ngành này vẫn phải tuân thủ các luật chuyên ngành khác. Do vậy, về lâu dài, theo đại biểu, cần có sự nghiên cứu, cải cách sâu rộng hơn về thể chế, quy hoạch để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đáp ứng được yêu cầu của các nghị quyết về chiến lược phát triển. Cần xác định rõ vai trò của quy hoạch là công cụ quản lý nhà nước cứng hay là công cụ định hướng phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả.

Đại biểu Lê Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai phát biểu
Thể hiện rõ cam kết của Việt Nam trong phòng, chống rửa tiền và minh bạch hóa sở hữu doanh nghiệp
Cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật như Chính phủ đã trình và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Tài chính đã nêu. Đây là bước hoàn thiện pháp luật quan trọng, thể hiện tinh thần quyết liệt trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng thời nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trong bối cảnh mới.
Góp ý cụ thể về quy định liên quan đến “chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp”, đại biểu Lê Thu Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai, đánh giá đây là một điểm mới quan trọng, thể hiện rõ cam kết của Việt Nam trong phòng, chống rửa tiền và minh bạch hóa sở hữu doanh nghiệp. Việc bổ sung khái niệm “chủ sở hữu hưởng lợi” không chỉ là yêu cầu của thực tiễn mà còn là nghĩa vụ của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là trong thực hiện các khuyến nghị của Nhóm hành động tài chính (FATF). Đại biểu Lê Thu Hà cho biết, hơn 160 quốc gia đã áp dụng quy định tương tự. Ở Singapore, Anh, Đức hay Nhật Bản, thông tin chủ sở hữu hưởng lợi là nội dung bắt buộc trong đăng ký doanh nghiệp.
Nêu rõ, mục tiêu của quy định này không phải là tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp mà để bảo vệ môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh, đại biểu Lê Thu Hà nhấn mạnh, vấn đề ở đây là thiết kế cơ chế thực hiện hợp lý, minh bạch, ứng dụng mạnh mẽ dữ liệu và chuyển đổi số, giảm tối đa chi phí tuân thủ.
“Thay vì yêu cầu doanh nghiệp khai báo nhiều lần, chúng ta cần tích hợp thông tin từ hệ thống dữ liệu đã có – như cơ sở dữ liệu thuế, ngân hàng, dân cư – để hỗ trợ xác minh, đối soát. Việc kê khai cần rõ ràng về đối tượng, tránh hiểu sai, hiểu rộng, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cần rà soát kỹ lưỡng các quy định chuyển tiếp để tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp đã thành lập”, đại biểu Lê Thu Hà góp ý.
Góp ý về cải cách thủ tục gia nhập thị trường và ứng dụng định danh cá nhân, đại biểu Lê Thu Hà hoan nghênh đề xuất trong dự thảo Luật về việc sử dụng mã định danh cá nhân thay cho nhiều giấy tờ truyền thống trong đăng ký doanh nghiệp. Theo đại biểu, đây là bước tiến rất đáng ghi nhận trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia và là một phần thiết yếu để giảm thiểu chi phí hành chính, phòng ngừa tiêu cực, và chống thành lập doanh nghiệp “ma”.
“Chúng ta đã có nền tảng là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và mã số định danh cá nhân gần như đã phủ toàn bộ dân số. Điều quan trọng lúc này là kết nối, chia sẻ, và liên thông hệ thống, tránh tình trạng 'mỗi cơ quan giữ một kho dữ liệu'. Tôi đề nghị Chính phủ xác định đây là một chương trình ưu tiên trong chuyển đổi số quốc gia, có lộ trình cụ thể, có chế tài yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp, chia sẻ và đồng bộ hóa dữ liệu”, đại biểu Lê Thu Hà kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Anh Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Đại biểu Lê Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Các đại biểu của Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai