Cho công ty tư nhân vay dựa trên tài sản vô hình: Được không?

Trong nền kinh tế số, giá trị không chỉ nằm ở nhà xưởng, máy móc hay bất động sản, mà còn nằm ở những tài sản vô hình.

Bộ Chính trị vừa ban hành nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân. Đáng chú ý, Nghị quyết yêu cầu đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân; cho vay dựa trên dữ liệu, dòng tiền, chuỗi giá trị, xem xét các tài sản bảo đảm bao gồm cả động sản, tài sản vô hình, tài sản hình thành trong tương lai và hình thức cho vay tín chấp…

Nhiều chuyên gia đánh giá đây là những thay đổi mang tính "mở khóa" cho hàng loạt doanh nghiệp nhỏ, công nghệ, khởi nghiệp tiếp cận được nguồn vốn bởi không phải ai cũng có đất, nhà để thế chấp nhưng họ có uy tín, có năng lực, có thị trường. Tuy vậy, hiện nay khi các doanh nghiệp, nhất là các công ty tư nhân mang những “tài sản vô hình” như thương hiệu, dữ liệu, bằng sáng chế... đến ngân hàng để thế chấp vay vốn, câu trả lời họ nhận được thường là “Chúng tôi chưa có cơ sở để thẩm định.”

Vậy làm sao để giải quyết vướng những mắc này và khơi thông nguốn vốn đến với các doanh nghiệp tư nhân? Để tìm câu trả lời về vấn đề này, Pháp Luật TPHCM đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trường đại học Kinh tế TP.HCM

Thiếu khung pháp lý định giá tài sản số

.Phóng viên: Thưa ông, khi tài sản cốt lõi của không ít doanh nghiệp bao gồm cả các công ty tư nhân đang dịch chuyển từ hữu hình sang vô hình như thương hiệu, dữ liệu, bằng sáng chế… thì đâu là thách thức lớn nhất với ngân hàng trong việc định giá và thẩm định?

+PGS.TS Nguyễn Hữu Huân: Trong lĩnh vực ngân hàng, quản lý rủi ro luôn được xem là yếu tố cốt lõi và là nguyên tắc bất di bất dịch, đó là "lằn ranh đỏ" mà bất kỳ tổ chức tín dụng nào cũng không thể và không được phép vượt qua. Đây là nền tảng đảm bảo sự an toàn cho cả hệ thống tài chính và quyền lợi của người gửi tiền.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế đang vận hành theo hướng số hóa, cùng với sự bùng nổ của các mô hình kinh doanh mới, nhu cầu cấp vốn cho những loại tài sản phi truyền thống như tài sản vô hình, tài sản số hay tài sản hình thành trong tương lai ngày càng gia tăng. Những thay đổi này tạo ra sức ép lớn, buộc hệ thống ngân hàng không thể tiếp tục sử dụng cách tiếp cận truyền thống trong thẩm định tín dụng, mà phải có những điều chỉnh phù hợp để thích ứng.

Thực tế hiện nay, quy trình thẩm định tín dụng tại Việt Nam vẫn chủ yếu xoay quanh các yếu tố như tài sản bảo đảm hữu hình (bất động sản, máy móc, thiết bị...), dòng tiền ổn định và năng lực tài chính của doanh nghiệp. Mô hình này phù hợp với các doanh nghiệp truyền thống nhưng lại trở thành rào cản đối với các doanh nghiệp bao gồm cả các công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo hay khởi nghiệp.

Bởi lẽ, giá trị cốt lõi của những doanh nghiệp này không nằm ở tài sản hữu hình mà nằm ở thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, hệ sinh thái dữ liệu, công nghệ độc quyền hoặc năng lực đổi mới... Đây là những yếu tố rất khó lượng hóa và định giá một cách chính xác theo khuôn khổ pháp lý hiện hành.

 Trong bối cảnh nền kinh tế số, cùng với sự bùng nổ của các mô hình kinh doanh mới, nhu cầu cấp vốn cho những loại tài sản vô hình ngày càng gia tăng. Ảnh minh họa

Trong bối cảnh nền kinh tế số, cùng với sự bùng nổ của các mô hình kinh doanh mới, nhu cầu cấp vốn cho những loại tài sản vô hình ngày càng gia tăng. Ảnh minh họa

.Phóng viên: Vậy theo ông, đâu là thách thức lớn nhất khi đưa các loại tài sản phi truyền thống này vào làm cơ sở bảo đảm cho khoản vay của các công ty tư nhân?

+PGS.TS Nguyễn Hữu Huân: Hiện nay, nhiều loại tài sản vô hình như giá trị thương hiệu, dữ liệu, chuỗi giá trị, tài sản số (bitcoin, crypto) đang bị “gạt ra bên lề” trong quy trình thẩm định cho vay. Mặc dù đây đều là những tài sản có giá trị trong nền kinh tế số, song hệ thống ngân hàng thương mại vẫn chưa có công cụ hay quy chuẩn rõ ràng để định giá và đánh giá rủi ro của các loại tài sản này.

Chẳng hạn, đối với chuỗi giá trị thì nó vốn là một tài sản vô hình và gồm nhiều khâu trong quá trình sản xuất: từ nghiên cứu và phát triển (R&D) - thu mua nguyên liệu- sản xuất cho đến tiếp thị. Về lý thuyết, doanh nghiệp hoàn toàn có thể sử dụng chuỗi giá trị này để làm cơ sở vay vốn. Song trên thực tế, ngân hàng sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi phải xác định giá trị cụ thể của từng khâu trong chuỗi đó vì hiện nay chưa có phương pháp thẩm định chuẩn hóa nào hỗ trợ.

Hay bằng sáng chế cũng được xem là tài sản của doanh nghiệp. Giả sử họ định giá giá trị thương mại của bằng sáng chế là 10 tỉ đồng, nhưng các ngân hàng thương mại lại không có cơ sở để xác định giá trị thương mại của bằng sáng chế mà doanh nghiệp đang sở hữu có mức giá bao nhiêu là phù hợp. Rõ ràng, khi chưa có một khuôn khổ pháp lý chuẩn hóa và minh bạch để làm cơ sở cho việc định giá tài sản phi truyền thống, thì việc ngân hàng đưa ra quyết định cấp tín dụng là cực kỳ rủi ro và thiếu an toàn.

.Phóng viên: Như ông đề cập thì khung pháp lý hiện nay đang bị tụt lại so với thực tiễn và tình trạng trên gây ra những hệ lụy cho các công ty tư nhân nói riêng và cả nền kinh tế?

+PGS.TS Nguyễn Hữu Huân: Nhiều doanh nghiệp gồm cả các công ty tư nhân, đặc biệt là các startup và công ty công nghệ, dù có tiềm năng tăng trưởng rất lớn nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng. Họ không đủ điều kiện để "chứng minh" giá trị của mình theo cách mà hệ thống ngân hàng hiện tại yêu cầu.

Vì vậy, nếu không có sự điều chỉnh kịp thời trong cả tư duy quản trị rủi ro lẫn khung pháp lý hỗ trợ, thì rất nhiều cơ hội phát triển kinh tế số sẽ bị bỏ lỡ và ngân hàng cũng sẽ không thể đồng hành cùng những động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.

Tung gói vay 40.000 tỉ đồng tiếp sức doanh nghiệp nhỏ và vừa

Đánh giá tác động từ các chính sách được đưa ra trong Nghị quyết 68, ông Ông Từ Tiến Phát – Tổng Giám đốc ACB – cho biết:"Nhóm giải pháp về tín dụng trong Nghị quyết này là những bước đi có tính đột phá và bám sát thực tiễn vận hành của doanh nghiệp tư nhân, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa".

Từ góc độ tổ chức tín dụng, lãnh đạo ACB cho rằng việc hoàn thiện chính sách tín dụng cho DNNVV cần đi kèm với hành lang pháp lý rõ ràng.

“Chính sách tín dụng ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là bước đi thực tiễn, nhưng cần hành lang pháp lý rõ ràng để tạo niềm tin cho cả ngân hàng và doanh nghiệp. Trong đó, vai trò của các quỹ bảo lãnh tín dụng và quỹ phát triển DNNVV là rất quan trọng – giúp ngân hàng chia sẻ rủi ro, mạnh dạn hơn trong việc cấp vốn cho những mô hình kinh doanh đổi mới, tiềm năng”.

Trên tinh thần đó, ông cho biết ACB đã công bố gói hỗ trợ tín dụng quy mô 40.000 tỷ đồng – trong đó 20.000 tỷ đồng dành riêng cho DNNVV, với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 2% so với thông thường. Bên cạnh đó, ACB còn triển khai các sản phẩm tài chính linh hoạt như cho vay không tài sản thế chấp, tài trợ tín dụng theo chuỗi cung ứng, và thấu chi tín chấp.

 PGS.TS Nguyễn Hữu Huân. Ảnh: Quốc Vũ

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân. Ảnh: Quốc Vũ

Phải luật hóa các loại tài sản vô hình và tài sản số

.Phóng viên: Với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) – nhóm đang khó tiếp cận vốn ngân hàng nhất hiện nay – ông đánh giá như thế nào về triển vọng đổi mới cho vay theo Nghị quyết 68?

+PGS.TS Nguyễn Hữu Huân: Nhóm SMEs hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào vốn vay từ ngân hàng. Muốn cải thiện khả năng tiếp cận vốn cho họ, phải có khung pháp lý phù hợp để chuẩn hóa, hướng dẫn thẩm định các loại tài sản phi truyền thống.

Ngoài ra, cũng cần phát triển thêm thị trường vốn, đặc biệt là các hình thức như gọi vốn cộng đồng, trái phiếu doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm… để đa dạng hóa kênh huy động.

Chúng ta phải luật hóa các khái niệm tài sản số, tài sản vô hình cũng như cần thiết phải có các nghị định thông tư hướng dẫn cụ thể về cơ chế định giá và xử lý rủi ro liên quan. Bởi lẽ ngân hàng không thể đánh giá rủi ro nếu pháp luật còn mơ hồ.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thực tế rằng không thể hỗ trợ SMEs một cách dàn trải. Ở các quốc gia phát triển, trụ cột kinh tế luôn dựa vào các tập đoàn tư nhân lớn như Samsung, LG ở Hàn Quốc; Toyota ở Nhật Bản, còn nhóm SMEs ở đó đóng vai trò bổ trợ cho hệ sinh thái kinh tế.

Đồng thời, cũng cần tạo ra hệ sinh thái cho các doanh nghiệp công nghệ mũi nhọn trong các lĩnh vực như robotics, công nghệ lượng tử, blockchain… có cơ hội phát triển.

Đối với những ngành thâm dụng lao động, chỉ nên hỗ trợ khi họ có chiến lược tự động hóa, đổi mới công nghệ.

.Phóng viên: Trong bối cảnh nền kinh tế số ngày càng phát triển, theo ông, Việt Nam cần ưu tiên bước đi nào để vừa đảm bảo an toàn chất lượng tín dụng, vừa khai thông dòng vốn cho khu vực kinh tế tư nhân thông qua tài sản số, tài sản vô hình?

+PGS.TS Nguyễn Hữu Huân: Như tôi đã đề cập, để Nghị quyết 68 thực sự đi vào cuộc sống và thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, điều kiện tiên quyết là phải luật hóa các loại tài sản vô hình và tài sản số. Đồng thời, cần xây dựng một khung định giá minh bạch và cơ chế xử lý rủi ro phù hợp. Đây chính là nền tảng pháp lý để các ngân hàng có thể cấp tín dụng một cách an toàn theo mô hình mới.

Khi hành lang pháp lý đã rõ ràng và vững chắc, ngân hàng sẽ tự tin đổi mới các sản phẩm tài chính, trong khi doanh nghiệp tư nhân – đặc biệt là khối SMEs – cũng sẽ có thêm cơ hội tiếp cận vốn một cách hiệu quả hơn.

Xin cảm ơn ông!

.Phóng viên: Theo ông, những rào cản pháp lý này đang ảnh hưởng như thế nào đến khả năng mở rộng tín dụng của các ngân hàng đối với doanh nghiệp tư nhân?

+PGS.TS Nguyễn Hữu Huân: Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành chưa có quy định rõ ràng về việc công nhận và định giá các loại tài sản vô hình. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Liệu đã đến lúc chúng ta cần chính thức công nhận các tài sản như bitcoin, thương hiệu, dữ liệu… là tài sản hợp pháp để làm tài sản thế chấp tại ngân hàng hay không?. Nếu có, cần đưa ra phương pháp định giá phù hợp và nhất quán. Song quan trọng nhất vẫn là phải luật hóa các khái niệm về tài sản số, tài sản vô hình, cũng như cần thiết phải có các nghị định thông tư hướng dẫn cụ thể về cơ chế định giá và xử lý rủi ro liên quan. Đây là bước đi cần thiết để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho ngân hàng và doanh nghiệp yên tâm giao dịch.

Nếu không có hành lang pháp lý rõ ràng thì dù ngân hàng có muốn đổi mới cũng không dám cho vay. Bởi ngân hàng là tổ chức trung gian tài chính, sử dụng vốn huy động từ dân cư nên mọi rủi ro trong thẩm định tín dụng đều phải được thực hiện một cách chặt chẽ, thận trọng và đảm bảo an toàn vốn.

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/cho-cong-ty-tu-nhan-vay-dua-tren-tai-san-vo-hinh-duoc-khong-post848560.html
Zalo