VIMC nhận Huân chương Lao động hạng Nhì
Trong lễ kỷ niệm 30 năm thành lập, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì do Chủ tịch nước trao tặng.
Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, Huân chương Lao động hạng Nhì là sự ghi nhận xứng đáng của Đảng, Nhà nước đối với những đóng góp quan trọng của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) trong lĩnh vực hàng hải và logistics.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì do Chủ tịch nước trao tặng.
Sau 30 năm thành lập và phát triển, VIMC đã vươn lên thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu, sở hữu hệ thống cảng biển hiện đại, đội tàu vận tải biển vươn ra toàn cầu, đóng vai trò tiên phong trong dịch vụ logistics quốc tế.
VIMC không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ thương mại thế giới. Thành quả hôm nay đến từ ý chí, tinh thần vượt khó và nỗ lực sáng tạo không ngừng của tập thể lãnh đạo, cán bộ, sỹ quan, thuyền viên của VIMC sau nhiều giai đoạn thăng trầm.
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (trước đây là Vinalines) được thành lập ngày 29/4/1995 trên cơ sở sắp xếp lại một số doanh nghiệp vận tải biển, khai thác cảng và dịch vụ hàng hải. Lúc đó, số vốn điều lệ chưa đến 1.500 tỷ đồng và đội tàu gồm 49 chiếc với tuổi trung bình 21,5 năm, tổng trọng tải 400.000 DWT. Vinalines thời điểm ấy thậm chí không có bến cảng chuyên dụng, chỉ có vỏn vẹn 6900m cầu bến.
Khởi đầu đầy gian nan nhưng có lúc VIMC đã đạt đến thời kỳ đỉnh cao với đội tàu lên tới 159 chiếc, tổng trọng tải gần 3,5 triệu DWT và chiếm 45% tổng tải trọng của đội tàu biển quốc gia khi đó.
Sau ba thập kỷ, VIMC với bản lĩnh của người hàng hải đã vượt qua hàng loạt sóng dữ, từ bờ vực rơi vào phá sản trong cuộc khủng hoảng năm 2008, đại dịch Covid-19, khủng hoảng địa chính trị, chiến tranh thương mại toàn cầu và suy thoái kinh tế để vươn lên.
Đến nay, VIMC đã chuyển mình trở thành doanh nghiệp đại chúng với giá trị vốn hóa đạt trên 100.000 tỷ đồng, quản lý hơn 16 cảng biển trọng điểm, chiếm gần 30% thị phần hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam, đồng thời sở hữu đội tàu vận tải biển với năng lực vận tải ngày càng được nâng cao.
VIMC hiện đang tập trung đầu tư vào các cảng nước sâu trọng điểm như Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), Lạch Huyện (Hải Phòng) và sắp tới là cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP.HCM) - dự án mang tầm vóc chiến lược, giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ hàng hải quốc tế.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc phát biểu trong lễ kỷ niệm 30 năm thành lập VIMC.
Phó thủ tướng nhấn mạnh, trong bối cảnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực, VIMC cần tiếp tục đổi mới sáng tạo, bám sát các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.
Ngành hàng hải giữ vai trò then chốt trong chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP 8% vào năm 2025 và cao hơn trong những năm tiếp theo.
Ông cũng lưu ý đến những thách thức từ biến động toàn cầu, chi phí vận tải, đứt gãy chuỗi cung ứng và biến đổi khí hậu, đồng thời đề nghị VIMC tập trung hiện đại hóa đội tàu, đầu tư cảng nước sâu, đẩy mạnh số hóa, giảm chi phí logistics và nâng cao năng lực vận tải container.
Phó thủ tướng yêu cầu VIMC hoàn thiện mô hình quản trị minh bạch, hiệu quả, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để khẳng định vai trò doanh nghiệp nòng cốt và hướng tới vị thế tập đoàn hàng hải hàng đầu khu vực.
Ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên VIMC bày tỏ, Huân chương Lao động hạng Nhì do Chủ tịch nước trao tặng là niềm động viên, khích lệ to lớn với toàn thể cán bộ nhân viên VIMC. Chặng đường 30 năm không chỉ là hành trình phát triển mà còn là quá trình thử thách và đổi mới.
"VIMC cam kết tiếp tục mở rộng hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp tích cực vào nền kinh tế Việt Nam", ông Sơn nhấn mạnh