Chủ tịch Quốc hội: Cơ chế quản lý khoa học phải tạo động lực đổi mới, sáng tạo

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, việc phân bổ vốn cho hoạt động khoa học, công nghệ còn chồng chéo, dàn trải, chưa tập trung vào lĩnh vực ưu tiên, kinh phí đầu tư trong những năm qua không đạt tỉ lệ tối thiểu 2% tổng chi NSNN.

Sáng 13/1, tại Hội trường Diên Hồng - Nhà Quốc hội, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Kinh phí đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo còn thấp

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, hiện nay có 4 luật liên quan trực tiếp đến lĩnh vực khoa học, công nghệ gồm: Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ. Ngoài ra có 12 luật, 42 nghị định, 131 thông tư khác có liên quan.

Hệ thống pháp luật về chuyển đổi số, có 8 luật liên quan trực tiếp và nhiều văn bản luật khác liên quan; 4 nghị quyết của Chính phủ và hơn 160 nghị định, quyết định, thông tư hướng dẫn thi hành.

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 đến nay, Quốc hội đã thông qua 8 Luật liên quan đến nội dung này.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Media Quốc hội).

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Media Quốc hội).

Đặc biệt, 29 luật và 41 nghị quyết Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 và 8 đã giải quyết nhiều vấn đề cấp bách của thực tiễn, đồng thời trong đó có những Luật quy định về việc tạo lập cơ sở dữ liệu số; phương thức quản lý, cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù liên quan đến ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số; cho phép triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các hoạt động nghiên cứu sản xuất sản phẩm, dịch vụ, các loại hình kinh doanh mới.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia vẫn còn có những hạn chế cơ bản; trong đó thiếu đồng bộ, thống nhất, dẫn đến một số cơ chế khuyến khích, thúc đẩy trong những lĩnh vực này không phát huy được tác dụng.

Bên cạnh đó, cơ chế đầu tư, tài chính cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự phù hợp, chưa khuyến khích, thu hút đầu tư từ xã hội.

Nêu dẫn chứng, Chủ tịch Quốc hội cho biết tổng kinh phí đầu tư của toàn xã hội cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp.

"Việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực còn nhiều hạn chế, chưa hiệu quả; chi đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực này có xu hướng giảm; trong giai đoạn 2016-2023 giảm từ 1,29% (năm 2016) xuống còn 0,8% (năm 2023)", ông Mẫn nói.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương (Ảnh: Media Quốc hội).

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương (Ảnh: Media Quốc hội).

Theo ông Mẫn, một trong những nguyên nhân là do các bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa xây dựng nhiệm vụ đáp ứng đúng nguyên tắc, tiêu chí để bố trí vốn. Có địa phương không bố trí vốn hoặc có những địa phương bố trí rất thấp cho lĩnh vực này.

Phân bổ vốn đầu tư cho hoạt động khoa học, công nghệ còn chồng chéo, dàn trải, chưa tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên. Kinh phí đầu tư trong những năm qua không đạt tỉ lệ tối thiểu 2% tổng chi ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết số 20 và Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013.

"Hằng năm, kinh phí phân bổ đa số các bộ, ngành Trung ương và các địa phương không giải ngân hết. Một trong những nguyên nhân là quy trình, thủ tục còn rườm rà", Chủ tịch Quốc hội nói.

Nêu ví dụ, Chủ tịch Quốc hội cho biết việc xây dựng đề xuất nhiệm vụ khoa học công nghệ phải thực hiện theo kế hoạch có từ trước, đến khi được phê duyệt thì tính cấp thiết không còn hoặc khi được cấp ngân sách thực hiện thì đơn giá đã thay đổi nhiều, dẫn đến triển khai chậm, chi không hết, thiếu hiệu quả.

Bên cạnh đó, quy định về xây dựng dự toán và kinh phí quản lý nhiệm vụ khoa học, công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước hiện nay chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động khoa học và công nghệ, chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của cộng đồng khoa học.

Cơ chế quản lý tài chính đối với các tổ chức khoa học, công nghệ, nhất là các tổ chức sự nghiệp công lập chưa phù hợp, dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quyền tự chủ về kế hoạch, tài chính, nhân lực và hợp tác quốc tế, nhất là thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao trong nghiên cứu.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, cơ chế đầu tư, tài chính để triển khai hoạt động chuyển đổi số còn khó khăn, chưa được tháo gỡ chưa kịp thời; việc phân bổ nguồn tài chính cho các nhiệm vụ, đề án, dự án có phạm vi quy mô quốc gia còn chậm và triển khai phức tạp, mất nhiều thời gian.

Kiên quyết từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm"

Chủ tịch Quốc hội cho rằng phải đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức, quy trình thủ tục trong hoạt động xây dựng pháp luật.

Các luật phải ngắn gọn, rõ ràng, chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội; không luật hóa các nội dung thông tư, nghị định. Tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính; chuyển mạnh từ luật thiên về quản lý sang kết hợp hài hòa giữa quản lý có hiệu quả với kiến tạo phát triển, khuyến khích đổi mới sáng tạo, kiên quyết từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm".

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Media Quốc hội).

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Media Quốc hội).

Đối với những vấn đề cụ thể đang trong quá trình vận động, chưa ổn định, thì luật chỉ quy định khung và giao cho Chính phủ quy định chi tiết, bảo đảm sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn.

Cơ chế quản lý khoa học phải tạo động lực đổi mới, sáng tạo như tinh thần "khoán 10" trong nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sinh học.

Bên cạnh đó, Nhà nước tiếp tục cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra; nghiên cứu, quy định phù hợp về cơ chế thí điểm, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; nghiên cứu quy định miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới.

"Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ để rà soát hệ thống pháp luật có liên quan; thể chế đầy đủ, kịp thời, đồng bộ theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 57", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ.

Nguyễn Thu Huyền

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chu-tich-quoc-hoi-co-che-quan-ly-khoa-hoc-phai-tao-dong-luc-doi-moi-sang-tao-204250113111256357.htm
Zalo